“Về phương Nam lắng nghe cung đàn...”

Hơn lúc nào hết, tôi muốn chạy ngay về xóm Trà Bông để nói với anh Tuấn một điều, rằng Đờn ca tài tử Nam Bộ dễ gì chết. Nó nhất định sống, anh tin tôi đi! 

Ngoài du lịch miệt vườn thì đờn ca tài tử đang góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến với ĐBSCL.
Ngoài du lịch miệt vườn thì đờn ca tài tử đang góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến với ĐBSCL.

1. Ông Hai Bỉnh Xanh trước kia nhà giàu nhất xóm Trà Bông. Ruộng đất cò bay thẳng cánh. Nhà ông như dinh thự. Cái sân bự chảng thần hồn, chúng tôi thường ra đó chơi đá banh, chơi bắt rượt hay đẽo lon.

Con cái của ông ai cũng được sắm sửa một cách chu đáo nhất cho hành trình tìm chữ, nhưng chẳng bao lâu thì ngao ngán, bỏ giữa chừng. Nghèo khó không được học hành đến nơi đến chốn đã đành, còn đằng này, giàu nứt đố đổ vách mà thất học thì đau lắm. Bởi vậy, ông bà Hai rầu thúi ruột, đêm ngày nghĩ cách để con cái mình không thua chúng bạn, gia đình không mất thể diện.

Cuối cùng, bà Hai cũng nghĩ ra một cách: Cho anh Tuấn, người con trai lớn đi học đờn. Thuở đó, xóm tôi chưa ai biết đờn cả, nên anh Tuấn phải lặn lội qua xóm khác, cách chừng mấy chục cây số để “tầm sư”.

Gặp được thầy giỏi, anh trọ luôn ở nhà thầy, ngày đêm tập luyện. Ròng rã hơn hai năm, bán hết mấy công đất hương hỏa, cuối cùng anh Tuấn cũng “bái tổ vinh quy”.

Ngày anh “bái tổ”, ông bà Hai mở tiệc linh đình, mời bà con cô bác xóm trên, xóm dưới lại ăn mừng. Dĩ nhiên, trong buổi tiệc đó không thể thiếu tiết mục anh Tuấn ôm ghi ta phím lõm ngồi dựa lưng vào ghế, chân phải đặt lên cái song loan. Anh mặc quần Tây với áo sơ mi bỏ vô quần, đầu chải láng mướt, ánh mắt long lanh, gương mặt nghiêm nghị thành kính như người ta đang tiến hành một nghi lễ gì đó trịnh trọng lắm.

Mở đầu chương trình, ông Hai tuyên bố với mọi người, đại loại là nhờ ơn phước của tổ tiên, nhờ sự chăm chỉ siêng năng của con trai, sau bao nhiêu ngày tháng học tập vất vả, giờ anh Tuấn đã thành tài.

Ông mời bà con đến, trước là dự tiệc chung vui, sau là thưởng thức tiếng đờn của anh Tuấn. Ông nói vừa dứt câu, bên dưới đã có người kêu: Thôi anh cứ đờn cho bà con nghe đi, còn ăn uống tính sau. Mọi người thích chí cũng đồng thanh kêu: “Đờn đi, đờn đi”. Ông Hai hơi bối rối nhưng rồi cũng bảo, nếu bà con đã yêu cầu như vậy thì giữ trật tự, nghe đờn trước rồi dùng bữa sau cũng được.

Thế là, anh Tuấn bắt đầu đờn những bản mượt mà, khoan nhặt trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của hàng trăm người già trẻ, gái trai. Người ta nghe một cách say sưa và lạ lẫm đến mức nghe xong quên luôn vỗ tay. Chỉ đến khi ông Hai bước lên cảm ơn, mọi người mới sực tỉnh.

Ai cũng ngợi khen hết lời. Mấy đứa con nít thì há hốc mồm, không hiểu tại sao cái hộp cột mấy sợi dây vô tự nhiên lại bật ra tiếng, không biết anh Tuấn làm bùa phép gì mà đờn bài nào nghe cũng hay.

Cả chục ngày sau, đi tới đâu cũng nghe nói về anh Tuấn. Chưa hết, kể từ đó, hễ mỗi chiều cơm nước xong anh Tuấn thường ra trước hàng ba ngồi đờn. Mấy chị trong xóm tha hồ thổn thức. Nhiều chị bạo dạn đi qua, đi lại liếc vô nhìn anh. Mấy chị nhút nhát thì cho kẹo tụi tôi, rồi kêu kể về anh Tuấn cho mấy chị nghe.

Tụi tôi tha hồ thêu dệt những chuyện li kì về anh Tuấn để kiếm kẹo ăn, còn mấy chị không ngừng mộng mơ.

Ít lâu sau, ông Hai thông báo với xóm Trà Bông sẽ tổ chức một buổi đờn ca tài tử. Ông mời những người có giọng hát hay đến giao lưu. Có cả những thầy đờn và ca sĩ xóm khác. Tin ấy làm cả xóm tôi xôn xao mấy ngày liền.

Đi ra chợ hay vô đồng cắt lúa, mần cỏ đều nghe người ta nói. Má tôi nói, đợt này được coi cải lương miễn phí rồi, không cần mua vé như mấy lần gánh hát về dịp cúng đình. Mấy chị trong xóm thì hỏi nhau không biết hôm đó anh Tuấn mặc đồ màu gì; mấy ông thầy đờn xóm khác có đẹp trai giống anh Tuấn không? Ca sĩ chắc là toàn người đẹp như đào chánh, kép chánh trong mấy tuồng cải lương...

Nói chung mỗi người thắc mắc, thêu dệt một kiểu. Nhưng ai cũng háo hức mong chờ đến ngày được xem đờn ca tài tử như lời ông Hai nói.

“Về phương Nam lắng nghe cung đàn...” ảnh 1
  • Cây đờn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu thể hiện sự trường tồn và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

2. Đến hẹn, mọi người tập trung lại nhà ông Hai rất đông. Trời chưa sụp tối mà đèn đuốc đã được thắp sáng trưng. Bà Hai trải mấy chiếc chiếu giữa nhà, anh Tuấn và một số thầy đờn ngồi vào vị trí trang trọng nhất, sau đó đến các ca sĩ ngồi xung quanh.

Nói là ca sĩ chứ thật ra họ chỉ là những người hát được, chứ không phải lấy nghiệp hát mưu sinh. Tôi nhìn thấy có anh Dũng gần nhà tôi, rồi chị Thà xóm dưới. Hồi chiều đi mót lúa tôi còn gặp mấy anh chị này ngoài đồng, vậy mà giờ này họ đã ăn mặc tinh tươm, ngồi bên mép chiếu một cách nghiêm cẩn chuẩn bị làm ca sĩ.

Trời sụp tối, ông Hai nói mấy lời ngắn gọn rồi buổi sinh hoạt văn nghệ tài tử bắt đầu. Lần lượt từng người hát dưới sự đệm đờn của anh Tuấn và mấy thầy đờn xóm khác. Có đơn ca, có song ca, thỉnh thoảng họ ca mấy trích đoạn tuồng cổ nghe thật lâm li bi đát.

Tôi không biết họ học ca lúc nào, mà ca “ăn” đờn dễ sợ. Có người cao hứng khi ca còn múa may theo bộ, lúc vào vai dũng tướng oai phong lẫm liệt, lúc vào vai nịnh thần xảo quyệt điêu ngoa. Người ôm đàn và đánh nhịp song loan cũng gật gù ra vẻ tâm đắc. Ông bà già Hai chạy vòng ngoài châm trà rót nước mà mặt mày rạng ngời hạnh phúc.

Khán giả thì kẻ ngồi người đứng, nghe một cách say sưa. Đờn hát tới khuya, lúc này nhiều khán giả đã về ngủ để lấy sức cho buổi đồng áng sáng mai, bà Hai mới dọn ra một mâm cháo gà nóng hổi đãi thầy đờn và ca sĩ. Họ ăn uống nói cười vui vẻ, ăn xong tiếp tục đờn ca tới gần sáng mới thôi.

Từ đó, hễ vài tháng là xóm tôi lại có cơ hội thưởng thức đờn ca tài tử tại nhà anh Tuấn, thường là những lúc nông nhàn. Cũng có khi, nhà khá giả nào đó có đám tiệc, họ mời anh Tuấn cùng mấy thầy đờn, ca sĩ đến tổ chức văn nghệ. Khỏi nói cũng biết những đám ấy sẽ vui thế nào rồi, nhưng tất nhiên gia chủ phải trả một khoản nào đó cho các thầy đờn, ngoài ra còn đãi đằng họ một cách chu đáo.

Thời ấy, tôi không nghe người ta nói gì đến “xướng ca vô lại” cả. Chỉ thấy các thầy đờn được trọng vọng. Mấy anh chị ca hay hát giỏi trở thành thần tượng trong mắt đám trẻ xóm tôi. Có lẽ, cuộc sống cơ cực nhiều rồi, người dân xóm tôi cần những món ăn tinh thần đích thực. Đờn ca tài tử đã đánh trúng cái thị hiếu mộc mạc của dân quê tôi.

Sau này, khi nhiều nhà sắm sửa được đài cát sét; rồi tivi, đầu đĩa... phong trào đờn ca tài tử mới mai một. Tôi lớn lên, đi học và đi làm xa, nhiều khi cả năm trời mới về quê một lần.

Hôm nọ, về ngang nhà anh Tuấn, thấy một người đàn ông ôm đờn ngồi trước hàng ba, nhìn cả buổi trời mới nhận ra anh. Anh bây giờ đã lên chức ông ngoại, tóc bạc gần hết mái đầu, mắt đã mờ, tay đã run nhưng vẫn bấm chuẩn xác từng phím đờn, cho thanh âm lúc bổng lúc trầm vọng vào chiều não nuột.

Tôi hỏi vui, anh chuẩn bị đi đờn cho đám nào hay sao mà ngồi luyện dữ vậy. Anh nói, giờ người ta ca với loa, với âm li cỡ lớn chứ ai thèm ca “mộc” như hồi xưa mà đờn. Bây giờ cũng chẳng ai thèm mời thầy đờn, vì trên mạng có hết các bài bản, chỉ cần một cái điện thoại thông minh, một thùng loa là ca ầm ầm. Rồi anh cười chua chát, ánh mắt như dõi về cả một hồi ức rực rỡ xa xăm.

Ánh mắt của anh Tuấn đọng lại trong tôi khá lâu, cứ day dứt mãi. Cho đến một hôm, tôi đi đám giỗ nhà người thân ở Miệt Thứ - U Minh thì ánh mắt ấy mới thôi ám ảnh.

Tôi nhớ hôm đó, khi mọi người đang ăn uống nói cười vui vẻ, bỗng có bà dì ở bàn bên cất lên một câu vọng cổ ngọt như mía lùi. Dì ca một cách tự nhiên, không kiểu cách luyến láy như ca sĩ nhưng nghe mùi mẫn đến đứt gan, đứt ruột. Sau phần “khởi xướng” của dì, lần lượt các bàn khác mỗi bàn ca một bản, dài vắn tùy chọn. Cứ thế xoay vòng mãi.

Ca không có đờn, không có âm thanh kỹ thuật hỗ trợ nhưng ai cũng say sưa. Gặp những đoạn cao trào, nhiều người gật gù ca theo. Có người lấy đũa gõ nhẹ vào thành chén đĩa giữ nhịp, tạo ra một không khí vui tươi nhưng sâu lắng. Cứ thế, họ ca với nhau đến tận khuya. Càng về khuya, tiếng ca càng ngân vọng ra xa, bao cung bậc thổn thức cứ khoan nhặt mãi.

Đờn ca tài tử là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống người dân Nam Bộ.
Đờn ca tài tử là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống người dân Nam Bộ.

3. Tôi đem chuyện anh Tuấn và chuyện tham dự buổi ca tài tử đậm chất Nam Bộ ở Miệt Thứ kể cho chú Nguyễn Đình Chiến, một nghệ nhân tài tử kỳ cựu ở An Giang. Chú Chiến trầm ngâm bảo, đờn ca tài tử đã ăn vào máu thịt của người dân Nam Bộ, nên không dễ gì chết được đâu.

Có thể mỗi thời kỳ, diện mạo của nó có khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không chết. Ở đô thị, người ta ca tài tử trên sân khấu, ca với âm li thùng loa cỡ bự. Còn nông thôn, người ta vẫn ca mộc mạc bên chiếu rượu, trên bờ đê những đêm trăng sáng, trên mấy chiếc xuồng ghe thương hồ bập bềnh sóng nước. Đó là giá trị tinh thần lớn lao của lưu dân phương Nam, nên không thể nào mất được.

Chú Chiến còn bảo, tín hiệu vui là mấy năm gần đây, nhiều cuộc vận động sáng tác lời mới cho bài ca vọng cổ, nhiều tỉnh tổ chức thi ca vọng cổ tài tử, thi sáng tác cải lương. Đặc biệt, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Đó là những minh chứng cho thấy, chúng ta đang làm tất cả để giữ gìn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Cũng nhờ chú Chiến giới thiệu, tôi đã tìm đến gia đình hai nghệ nhân dân gian ưu tú là Đặng Hoàng Linh và Phương Hồng Thắm ở phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, An Giang.

Mấy năm gần vợ chồng chú Sáu Lơn (nghệ danh của nghệ sĩ dân gian ưu tú Đặng Hoàng Linh) có mở lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí cho các cháu bé trong thành phố. Chỉ cần cháu nào có năng khiếu, có đam mê tài tử sẽ được đón nhận, dạy dỗ nhiệt tình. Lúc chúng tôi đến, có khoảng hơn 10 cháu đang tập hát, tập đàn dưới sự hướng dẫn của vợ chồng chú Sáu.

Em Hồng Yến, một học viên 13 tuổi tại lớp đờn ca tài tử của chú Sáu Lơn bộc bạch: “Nhờ thầy cô hướng dẫn mà con đã hát đúng hơi đúng điệu nhiều bài bản tài tử Nam Bộ, không chỉ vậy, con còn có thể sử dụng được một số nhạc cụ cơ bản...”.

Yến cất lên điệu Xuân tình dưới phần đệm đờn của chú Sáu, tôi thấy ánh mắt em lấp lánh tia sáng lạ thường. Giọng hát em trong trẻo như làn gió xuân thổi qua cánh đồng quê bát ngát. Tôi cũng bắt gặp ánh mắt chú thím Sáu rạng ngời hạnh phúc, như người ươm mầm đoan chắc mùa quả ngọt.

Hơn lúc nào hết, tôi muốn chạy ngay về xóm Trà Bông để nói với anh Tuấn một điều, rằng Đờn ca tài tử Nam Bộ dễ gì chết. Nó nhất định sống, anh tin tôi đi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.