Sân chơi riêng của phim tư nhân

GD&TĐ - BTC Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 vừa công bố danh sách đề cử ở hạng mục phim truyện điện ảnh. Lần đầu tiên, LHP hoàn toàn vắng bóng phim truyện điện ảnh do các hãng phim Nhà nước sản xuất và đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của dòng phim tư nhân ở lĩnh vực phim nghệ thuật.

 Sân chơi riêng của phim tư nhân

Phim tư nhân khởi sắc

Nhìn danh sách những phim dự thi, dễ nhận ra, phim truyện điện ảnh tại LHP năm nay là “sân chơi” riêng của các hãng phim tư nhân. 16 bộ phim dự thi liên hoan năm nay, hầu hết là những bộ phim tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.

Có thể kể đến bộ phim “Cha cõng con” đã được vinh danh giải “Phim có cốt truyện hay nhất” tại LHP quốc tế Boston lần thứ 15. Trước đó bộ phim cũng đoạt nhiều giải thưởng tại LHP quốc tế Arizona lần thứ 26 với giải thưởng “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” và “Quay phim ấn tượng nhất” do Ban giám khảo bình chọn.

Bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” mới đây đã giành được giải thưởng đặc biệt tại LHP Á – Âu… Bên cạnh những thành công về giải thưởng, danh sách đề cử cũng ghi nhận những bộ phim đạt kỷ lục về doanh thu phòng vé như “Em chưa 18”, “Sắc đẹp ngàn cân”…

Sự vắng bóng của phim Nhà nước tại sân chơi điện ảnh lớn nhất cả nước này mở ra cơ hội cho phim tư nhân, nhưng là một điều đáng tiếc bởi vì phim Nhà nước có sắc màu riêng, tiêu chí riêng, mang những giá trị nhân văn và thường tập trung vào những đề tài phim tư nhân ít khai thác.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng đó không vì thế mà LHP Việt Nam lần thứ 20 kém đi sự hấp dẫn. Bởi thực tế chính các hãng phim tư nhân hiện nay đang nỗ lực giành lại thị phần phim chiếu rạp đang bị nước ngoài chiếm đến 80% đang làm khởi sắc bức tranh điện ảnh Việt Nam trong hai năm qua.

Vắng bóng phim Nhà nước

Lần đầu tiên trong lịch sử 20 kỳ tổ chức, tại LHP Việt Nam 2017 không có bộ phim điện ảnh nào do Nhà nước sản xuất tham gia. Không chỉ ở LHP Việt Nam, mà ở Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng vậy.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, sự vắng bóng phim Nhà nước cũng dễ hiểu khi các hãng phim Nhà nước lâu nay cũng không có một kịch bản nào thực sự chất lượng để “chọn mặt, gửi vàng” đầu tư vốn sản xuất.

Từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực thì việc tài trợ làm phim cho các hãng phim Nhà nước cũng bị cắt giảm để tránh tình trạng bám víu vào “bình sữa Nhà nước” và phải đối mặt với cơ chế thị trường. Điều này buộc các hãng phim Nhà nước phải “vận động”, thay đổi tư duy, tránh tình trạng tiền “trút” xuống, sản xuất phim rồi cho nằm “đắp chiếu”.

Về việc thiếu vắng phim Nhà nước tại LHP Việt Nam lần thứ 20, bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho rằng, đó thực sự là thiếu hụt. “Nếu có phim Nhà nước tham gia thì sẽ vui hơn, trọn vẹn hơn”.

Trong bối cảnh các hãng phim Nhà nước đang gặp khó khăn, công chúng yêu điện ảnh vẫn cần những bộ phim “made in Việt Nam” chất lượng. Sự khởi sắc của phim tư nhân chỉ nên là xu hướng tạm thời, trong hoàn cảnh thiếu trầm trọng kịch bản phim tốt như hiện nay, chứ không nên là dòng chảy chính trong nền điện ảnh. Một liên hoan điện ảnh cấp quốc gia được tổ chức bằng ngân sách, mà chỉ có phim tư nhân tranh giải, quả là một thực trạng đáng ngại.

Thiết nghĩ, nếu không có giải pháp kịp thời và không có hành động tích cực, sự mai một dòng phim chính thống sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống văn hóa. Hãng phim Nhà nước cần phải chứng minh sứ mệnh của mình, chứ không thể bỏ mặc sự thịnh suy của nền điện ảnh dân tộc cho các hãng phim tư nhân.

Một trong những nguyên nhân vắng bóng phim Nhà nước tại Liên hoan là do các hãng phim của Nhà nước như Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Truyện 1, Hãng phim Giải Phóng vừa trải qua công cuộc cổ phần hóa, chưa “bắt tay” vào công việc chuyên môn. Chưa kể, 2 hãng phim trong giai đoạn chuyển giao còn đang vướng vào những “lùm xùm” trong nội bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.