“Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long“: Cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam

GD&TĐ - Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam. Vừa bước vào thế kỷ mới, với tâm thế khởi động một thập kỉ chuẩn bị cho đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát lộ ra những dấu tích của một Hoàng thành Thăng Long xưa trong lòng đất Hà Nội.

“Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long“: Cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam

Ngày 12.12 vừa qua, Hội thảo "Lịch sử phát lộ Hoàng Thành Thăng Long" đã được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (1973-2018) và 25 năm thành lập Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội (1993-2018).

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả: GS. TS. Andrew Hardy, nhà sử học, trưởng đại diện EFEO; TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) - nhà khảo cổ học, thành viên nhóm các nhà khảo cổ học tiến hành cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long; TS. Nguyễn Gia Đối - nhà khảo cổ học, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học; PGS. TS. Tống Trung Tín - nhà khảo cổ học, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học và phụ trách dự án khai quật Hoàng thành Thăng Long.

Hoàng thành Thăng Long là một cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam. 

Vừa bước vào thế kỷ mới, với tâm thế khởi động một thập kỉ chuẩn bị cho đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát lộ ra những dấu tích của một Hoàng thành Thăng Long xưa trong lòng đất Hà Nội.

 Viện Khảo cổ học

Được thành lập vào năm 1968 tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học là một trong 34 viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ học và trực tiếp quản lý di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, Ba Đình trong thập niên đầu tiên thế kỉ 21. Viện khảo cổ học đã hợp tác khoa học lâu năm và hiệu quả với Trung tâm EFEO tại Hà Nội.

Những nhát cuốc khai quật đầu tiên (tiến hành vào những năm 2002-2004) chỉ nhằm thám sát mặt bằng cho công trình xây dựng Nhà Quốc hội không ai ngờ đã hé lộ những dấu tích nhanh chóng thu hút mối quan tâm của nhân dân cả nước, của giới chuyên môn và bạn bè quốc tế.

Những phát hiện này sau đó được giới chuyên môn của nhiều nước, các tổ chức quốc tế và UNESCO quan tâm, hỗ trợ thiết thực.

Nội dung trên cũng chính câu chuyện được truyền tải trong cuốn sách "Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long" do NXB Thế Giới, EFEO (trung tâm tại Hà Nội) và Viện Khảo cổ học xuất bản vào tháng 12.2018.

Cuốn sách không chỉ là nhắc lại những cảm xúc từ buổi ban đầu của đội ngũ những người đã khám phá và đang tiếp tục khám phá giá trị của di sản, mà còn đưa dẫn người đọc theo những lưỡi bay, nhát cuốc của các nhà khảo cổ học để dần thấy được hình hài thực sự của Hoàng thành Thăng Long.

Đồng thời, cuốn sách cũng đưa ra những nghiên cứu lịch sử mới nhất trên kết quả của việc phát lộ di tích và những suy nghĩ đầu tiên về việc gìn giữ, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long.

Sách "Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long" do nhà sử học GS. TS. Andrew Hardy (EFEO) và nhà khảo cổ học TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) biên tập, tập hợp bài viết của nhiều tác giả trong nước và quốc tế, trong đó có GSVS. Phan Huy Lê, nhà sử học Đào Hùng, PGS. TS. Tống Trung Tín, GSVS. Franciscus Verellen (nguyên giám đốc EFEO), PGS. Diệp Đình Hoa, PGS. Phan Khanh, vv.

Tại Hội thảo, các diễn giả Tống Trung Tín, Nguyễn Tiến Đông và Andrew Hardy giới thiệu cuốn sách và chia sẻ những kinh nghiệm và kỉ niệm của những tháng ngày trong hố khai quật khi các chuyên gia của Viện Khảo cổ học tiến hành việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ