“Giải cứu” phim Việt - lẽ nào?

GD&TĐ - Dư luận đang ồn ào khi nhắc đến hai từ “giải cứu” vốn rất quen với dưa hấu, củ cải, dứa, hành, tỏi… của bà con nông dân. Nhưng lần này thì khác, hai từ “giải cứu” này được dành cho… phim Việt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cuộc vận động “giải cứu” đặc biệt này được bắt đầu từ bài viết đầy cảm xúc cùng lời cảm thán không thể buồn hơn của đạo diễn Chung Chí Công trên trang cá nhân rằng: “Trời ơi phim chưa muốn chết!”.

Cùng với đó, trên fanpage của bộ phim cũng kêu gọi đội ngũ fan của mình lan tỏa lời cảm thán ấy, kèm theo những câu thơ thảm thiết: “Nếu có yêu phim thì hãy yêu phim bây giờ/Đừng đợi ngày mai đến lúc phim rời rạp/Đợi ngày mai đến khi phim bị cắt suất…”.

Bộ phim mà đạo diễn Chung Chí Công nhắc đến ở đây là “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi” - một dự án phim mới ra rạp cuối tuần qua nhưng chỉ đạt mức doanh thu thấp nên có nguy cơ bị rời rạp từ sớm.

Ngay lập tức theo “chân rết” của Facebook, bạn bè của đạo diễn, bạn bè của bạn đạo diễn rồi bạn bè của bạn bè của bạn đạo diễn… cùng cảm thương, cùng chia sẻ (lên đến 5.500 lượt), cùng rủ nhau lập nhóm quyết tâm “giải cứu” phim.

Từ đó, hiệu quả của lời cảm thán đã được thấy rõ khi “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi” tiếp tục trụ rạp.

Còn nhớ hồi tháng 8 vừa qua, bộ phim “Thưa mẹ con đi” cũng từng được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh kêu gọi trên trang cá nhân của mình rằng khán giả hãy ủng hộ bằng cách ra rạp để phim không bị xếp vào khung giờ xấu.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng mà có liền hai lời kêu gọi “giải cứu” phim Việt của các đạo diễn. Những lời kêu gọi này bên cạnh việc “hò nhau” ủng hộ thì cũng có những ý kiến thẳng thắn bày tỏ sự cám cảnh và thật tội khi giờ đây chẳng lẽ phim Việt trụ rạp bằng lòng thương hại của khán giả hay sao?

Vẫn biết là làm nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi luôn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với những bộ phim bom tấn của thế giới. Thế nhưng, không phải vì thế mà trong những năm qua không có những bộ phim Việt chiếm doanh thu phòng vé như “Hai Phượng”, “Em chưa 18”… Vậy nên, đừng vội trách cứ khán giả lạnh nhạt với phim Việt khi chỉ khư khư rằng mình đã làm tốt.

Đừng vội trách cứ các đơn vị phát hành phim ép suất chiếu khi phim không có người đến xem. Đừng để phim “sống” nhờ lòng thương hại của khán giả vì liệu khán giả có “giải cứu” mãi được không?

Và, hơn bao giờ hết, trước mỗi thất bại thì hãy cùng lắng lại để rút ra bài học như xem xem câu chuyện mình kể có phải là câu chuyện khán giả đang muốn quan tâm hay không?

Nhất là, sao không chịu khó học tập xem vì sao những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc… nhiều khi rất đơn giản, nhẹ nhàng mà vẫn kéo khán giả Việt đến rạp cả tháng – điển hình như phim Hàn Quốc “Điều ba mẹ không kể” mới đây?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ