“Giải cứu” hai bức phù điêu thời Đông Dương

GD&TĐ - Việc kêu gọi “giải cứu” cho hai bức phù điêu do các giáo sư, sinh viên khóa 1 và 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tác bị “mắc kẹt” mấy chục năm qua do nhà nghiên cứu mỹ thuật độc lập Phạm Long khởi xướng vẫn tiếp tục được dư luận và giới mỹ thuật đặc biệt quan tâm. 

Bức phù điêu bị mắc kẹt trên tường ở Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Ảnh: Hà Nguyễn
Bức phù điêu bị mắc kẹt trên tường ở Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Ảnh: Hà Nguyễn

Mới đây, họa sĩ Lê Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có đơn kiến nghị UBND TP Hà Nội.

Những tác phẩm giá trị

Là khóa học sinh sau năm 1954, PGS, họa sĩ Huy Oánh – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam kể: Ngày ấy, ông cùng bạn bè vẫn tập thể dục, tập quân sự, chạy bộ trên con phố Trần Quốc Toản và thấy sự hiện diện của hai bức phù điêu. Hai bức phù điêu này chặt chẽ về bố cục, đẹp về ý tưởng. Đặc biệt, khối nổi của hai bức phù điêu rất hài hòa, đạt độ chuẩn về tỉ lệ, mảng phối cũng như chiều nổi, chiều sâu.

Trong ký ức của họa sĩ, hai bức phù điêu được gắn trên bức tường của ngôi nhà lịch sử được xây dựng từ năm 1925 theo đúng tiêu chuẩn cho sáng tác mỹ thuật (về ánh sáng, độ cao…). Hiện nay, ngôi nhà vẫn được sử dụng là nơi trưng bày tác phẩm tốt nghiệp và nơi sáng tác của sinh viên.

Họa sĩ nhận định thêm: “Thời đó, rất hiếm tác phẩm phù điêu được sáng tác. Đây là những tác phẩm được nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm cùng 2 cộng sự khác thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giáo sư trong trường. Vũ Cao Đàm là một nhà điêu khắc tài năng thời Đông Dương. Ông đã nặn tượng Bác Hồ thời kỳ đầu cách mạng khi Người sang Pháp – một bức tượng được giới mỹ thuật trong nước đánh giá là đẹp nhất Việt Nam. Giờ bức tượng này vẫn được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung – nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, trong thời gian học tập tại trường có thấy hai bức phù điêu đó. Theo ông, dãy nhà sáng tác được xây dựng từ năm 1925, có cửa sau mở ra phía đường Trần Quốc Toản để xuất xưởng những bức tranh lớn. Có thể, hai bức phù điêu này đã được đưa ra và gắn trên tường của dãy nhà từ cửa sau này.

PGS, họa sĩ Nguyễn Trọng Cát – nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm nay đã ở tuổi 92 kể rằng, ông vốn là sinh viên khóa đầu tiên vào học tại trường từ năm 1946. Vậy nên, ông không chỉ được thưởng lãm hai bức phù điêu ấy, mà còn đặc biệt quan tâm đến lai lịch của chúng.

Lão họa sĩ chậm rãi cẩn thận ghi từng dòng vào trang sổ của phóng viên Báo GD&TĐ: “Georges Khánh – tốt nghiệp khóa 1 khoa Điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là tác giả phác thảo 2 bức phù điêu có đề tài về ngư dân miền biển ở mặt đường Trần Quốc Toản. Đây là một công trình tập thể của sinh viên khóa 1, thể hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy người Pháp như Victor Tandieu, Évariste Jonchère, Joseph Ingumimberty… Tôi biết được vài nét về lai lịch của 2 bức phù điêu đó là qua sự tham khảo ý kiến và ký ức của các thầy: GS, họa sĩ Lương Xuân Nhị; GS, nhà điêu khắc Phạm Gia Giang; Họa sĩ, hiệu trưởng Trần Đình Thọ; Họa sĩ, hiệu trưởng Trần Văn Cẩn”.

Cần được đưa đến công chúng

Tiếc cho hai bức phù điêu bao năm bị khuất lấp sau dãy nhà tạm của Bộ Công an (trên đoạn phố Trần Quốc Toản thông ra Lê Duẩn bị chắn lại mấy chục năm qua), các chuyên gia, họa sĩ đều nhấn mạnh rằng, là những tác phẩm nghệ thuật công cộng có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, chúng cần có đời sống. “Không nên di dời chúng đi chỗ khác. Để bảo đảm giá trị lịch sử đặc biệt, theo tôi, hai bức phù điêu được “sinh ra” ở đâu thì nên để chúng được “sống” ở đó”, PGS, họa sĩ Huy Oánh quả quyết.

Không chỉ đồng tình với ý kiến này, họa sĩ Nguyễn Văn Chung còn đề xuất: “Nên mở trở lại đoạn phố Trần Quốc Toản thông ra đường Lê Duẩn để công chúng được trực tiếp chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc quý giá, hiếm hoi được sáng tác trong thời kỳ Đông Dương”.

Là người học 12 năm ở trường mỹ thuật từ hệ sơ trung cấp đến đại học (từ 1961 - 1972), họa sĩ Lê Trí Dũng chia sẻ, ông được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đoạn phố Trần Quốc Toản – nơi có cổng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và có ba bức phù điêu của ba họa sĩ sinh viên học tại trường làm dài 39 mét, cao 2 mét... Cụ thể, ban đầu đoạn phố này thông đến đường Lê Duẩn nhưng sau đó Bộ Công an sử dụng làm nơi tập kết vật liệu để xây dựng trụ sở. Theo họa sĩ, khi khu nhà xây xong, lẽ ra Bộ Công an phải giải phóng mặt bằng con phố như cũ, nhưng họ lại ngăn hai đầu phố và sử dụng đến nay nên những bức phù điêu vẫn “mắc kẹt” ở đó. “Với tư cách là một họa sĩ, tôi đề nghị Bộ Công an trả lại đoạn phố trên để công chúng được thưởng lãm ba bức phù điêu, một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị lịch sử và quý giá của Việt Nam”, họa sĩ Lê Trí Dũng kiến nghị.

Cách đây khoảng ba bốn năm tình cờ được nhìn thấy 2 bức phù điêu ở góc chéo do Bộ Công an làm lại dãy nhà tạm, PGS. TS Lê Văn Sửu – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói rằng, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy hiện trạng của hai bức phù điêu còn nguyên vẹn với màu patin khá mới. Không chỉ đánh giá hai bức phù điêu đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử vô cùng quý giá, ông Sửu còn nhận định, như những quan sát của ông, hiện nay, bức phù điêu to lớn được làm bởi các nhà điêu khắc thời Đông Dương như hai bức phù điêu này ông chưa thấy ở Hà Nội.

“Không phải đến bây giờ chúng tôi mới lên tiếng mà ngay khi được thấy hai bức phù điêu, tôi đã làm công văn gửi Bộ Công an đề nghị cho trường sang đổ khuôn lưu lại nhưng không nhận được hồi đáp. Còn hiện nay, vì việc này không thuộc thẩm quyền của mình, chúng tôi chỉ có thể bày tỏ nguyện vọng, mong sao Bộ Công an và TP Hà Nội có những cách giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế. Có thể bước đầu mong rằng, các cán bộ đang làm việc ở Bộ Công an cùng giữ gìn, đừng tác động trực tiếp hay gián tiếp (đóng đinh, xả nước…) để hai tác phẩm không bị hư hại, xuống cấp. Từ đó, có thể tiến tới làm sao có thể mở ra không gian này để công chúng được tham quan, chiêm ngưỡng”, ông Sửu nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.