Bài viết này giới thiệu và chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc vận dụng Bản đồ tư duy khá thành công đáng ghi nhận ở Bộ môn Tâm lý và Giáo dục trong đào tạo theo học chế tín chỉ.
1. Những ưu điểm của việc vận dụng Bản đồ tư duy trong dạy học Tâm lý học, Giáo dục học theo học chế tín chỉ
Bản đồ tư duy được thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình ảnh. Dùng bản đồ tư duy để minh họa sẽ làm giảm tính trừu tượng của nội dung bài học.
Mặt khác, được tự tay vẽ những đường nét, hình ảnh mình thích để minh họa cho bài học, sinh viên cảm thấy rất thịch thú. Điều đó góp phần làm cho giờ học sôi nổi, sinh viên có hứng thú để học tập, phát huy cao độ tính tích cực của người học.
2. Quy trình vận dụng bản đồ tư duy trong dạy học các môn Tâm lý học, Giáo dục học
Trong quá trình dạy học các môn Tâm lý học, Giáo dục học điều chúng tôi luôn trăn trở là làm sao để giảm bớt tính trừu tượng của kiến thức để giờ học hiệu quả hơn? Khi dạy tác giả đã chú ý liên hệ tri thức khoa học với thực tiễn cuộc sống, minh hoạ bằng các ví dụ cụ thể, câu chuyện kể, các video clip, bài hát, bài thơ…và bản đồ tư duy.
Việc áp dụng sơ đồ tư duy trong dạy học bắt đầu được nẩy sinh trong một tiết dạy về Tâm lý học trẻ em cho hệ Trung cấp sư phạm mầm non sau khi đã cố gắng đàm thoại, giảng giải nhưng sinh viên vẫn không hiểu bài.
Nhìn thấy các hộp bút màu học sinh mang theo dùng để học môn Tạo hình, giảng viên đề nghị các em thể hiện nội dung bài học bằng bản đồ tạm thời trên giấy A4. Từ đó, tìm hiểu thêm về bản đồ tư duy và mạnh dạn áp dụng rộng rãi hơn ở các tiết học khác.
Hoạt động 1: Lập Bản đồ tư duy
- Chia lớp thành các nhóm lớn, mỗi nhóm khoảng 10 - 15 sinh viên được giao chuẩn bị một nội dung của bài học, mỗi nhóm lớn chia thành 2-3 nhóm nhỏ. Giảng viên hướng dẫn bài học về nhà theo đề cương môn học.
- Cá nhân chuẩn bị bài học theo hướng dẫn của giảng viên
- Các nhóm nhỏ thảo luận và trình bày nội dung bài học dưới dạng bản đồ tư duy (trên giấy A3 hoặc tận dụng mặt sau của tờ bìa treo tường).
Hoạt động 2: Báo cáo, thuyết minh về bản đồ tư duy
Cho đại diện của các nhóm sinh viên lên báo cáo, thuyết minh về bản đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập. Qua hoạt động này vừa biết rõ việc hiểu kiến thức của các em vừa là một cách rèn cho các em khả năng thuyết trình trước đám đông, giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn.
Các nhóm còn lại phản biện hoặc yêu cầu nhóm trình bày phân tích rõ hơn về vấn đề đã trình bày.
Tổ chức cho sinh viên thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện BĐTD về kiến thức của bài học.
Hoạt động 4: Kết luận nội dung bài học
Giảng viên là trọng tài khoa học giúp sinh viên hoàn chỉnh bản đồ tư duy, từ đó dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm và chính xác hóa kiến thức của bài học.
Lưu ý: BĐTD là một sơ đồ mở nên không yêu cầu tất cả các nhóm HS có chung một kiểu BĐTD, GV chỉ nên chỉnh sửa cho HS về mặt kiến thức, góp ý thêm về đường nét vẽ, màu sắc và hình thức (nếu cần).
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu lí luận và thực nghiệm dạy học ở một số lớp cho thấy, sử dụng Bản đồ tư duy trong dạy học giúp sinh viên học tập một cách chủ động, tích cực và huy động được cả lớp tham gia xây dựng bài một cách hào hứng.
Thiết nghĩ, Bản đồ tư duy là một công cụ có tính khả thi cao trong dạy học vì có thể vận dụng được với bất kì điều kiện cơ sở vật chất nào của các nhà trường hiện nay. Có thể thiết kế bản đồ tư duy trên giấy, bìa, bảng phụ,… bằng cách sử dụng bút chì màu, phấn, tẩy,… hoặc cũng có thể thiết kế trên phần mềm bản đồ tư duy.
Kết quả bước đầu cho phép kết luận rằng: việc vận dụng Bản đồ tư duy trong dạy học sẽ dần hình thành cho người học tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Đình Châu, Sử dụng Bản đồ tư duy - một biện pháp hiệu quả hỗ trợ HS học tập môn toán, Tạp chí Giáo dục, kì 2, tháng 9-2009.
2. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy; Bản đồ tư duy - công cụ hiệu quả hỗ trợ dạy học và công tác quản lý nhà trường, Báo Giáo dục &Thời đại, số 147 ngày 14/9/2010.
3. Tony Buzan, Bản đồ Tư duy trong công việc , NXB Lao động – Xã hội.
4. www.google.com.vn