Vấn đề kiểm soát súng đạn ở Mỹ vẫn còn “bỏ ngỏ“

GD&TĐ - Nhiều năm qua, sở hữu súng đạn luôn là đề tài gây tranh luận khắp nước Mỹ. Sau vụ xả súng ở trường tiểu học ở thành phố Newtown, bang Connecticut hồi năm 2012 làm cho gần 30 người thiệt mạng, vấn đề kiểm soát súng đạn đã được đặt ra, song cho đến nay vấn đề này vẫn còn “bỏ ngỏ”…

Vấn đề kiểm soát súng đạn ở Mỹ vẫn còn “bỏ ngỏ“

Theo thống kê của nhóm vận động kiểm soát súng đạn Everytown for Gun Safety, tính từ đầu năm 2018 đến nay, nước Mỹ đã chứng kiến 18 vụ xả súng tại các trường học. Còn nếu kể từ tháng 1/2013 đến nay, đã có ít nhất 283 vụ xả súng trên khắp nước Mỹ, trung bình mỗi tuần một vụ.

Trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ, ông Obama cũng dành nhiều nỗ lực để có một dự luật về súng đạn. Nhưng cuối cùng khi rời Nhà Trắng, ông vẫn không đạt được ý nguyện của mình bởi sự phản đối của những người bảo thủ trong Đảng Cộng hoà và Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA).

Mới đây, ngày 14/2, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida làm cho 14 học sinh và 3 giáo viên thiệt mạng.

Vụ việc làm dấy lên mạnh mẽ vấn đề kiểm soát súng trên cả nước Mỹ.

Trước hết là những người phản đối sở hữu súng đạn. Đó là những người dân, sinh viên, học sinh yêu cầu bãi bỏ hoặc có dự luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ để không xảy ra những vụ thảm sát.

Đáng chú ý là những lời kêu gọi nhằm trực tiếp vào việc kiểm soát loại súng trường AR-15, loại súng mà thủ phạm xả súng ở Floria, Nikolas Cruz, đã mua một cách hợp pháp. Một số kêu gọi ban hành lệnh cấm người dân sử dụng súng AR-15 và các loại súng trường khác chỉ được sử dụng trong quân đội.

Hai là, thái độ phản ứng của chính quyền. Tổng thống Trump và giới nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang đối mặt với sức ép của dư luận là phải có các biện pháp siết chặt kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu trên, trong khi vẫn phải tránh làm mất lòng các cử tri của Đảng Cộng hòa, vốn đa số đều ủng hộ quyền sở hữu súng, cũng như các nhóm lợi ích như NRA.

Sau khi ghi nhận những ý kiến từ quan chức các cấp cùng học sinh và thân nhân nạn nhân trong vụ xả súng, ngày 23/2, phát biểu với tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại trường học.

Dự kiến dự luật sẽ có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học của Mỹ. Dự luật kiểm soát súng đạn toàn diện với việc mở rộng các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng, kiểm soát súng chặt chẽ nhằm ngăn chặn vũ khí nóng lọt vào tay những đối tượng có vấn đề về tâm thần, đảm bảo an toàn trường học và hạn chế việc bán súng cho trẻ thành niên.

Tin tức cho hay, hiện một số nghị sĩ Mỹ đang soạn thảo dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó đặc biệt kiểm soát loại súng AR-15 được sử dụng trong vụ xả súng tại Florida và quy định về số tuổi được cấp phép sở hữu súng đạn cũng như không chuyển đổi từ súng bán tự động sang tự động...

Thứ ba, lực lượng phản đối kiểm soát súng đạn. Có một thực tế trong nhiều thập niên qua, việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ không thể thực thi một sớm một chiều và phải vượt qua nhiều "ải", trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ và NRA - nhóm vận động hành lang đầy quyền lực thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình.

Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, chắc chắn NRA không dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này, thậm chí, nhóm này đang tìm cách nới lỏng một quy định siết chặt trong đó có đạo luật cho phép người dân mang súng từ bang này sang bang khác.

Bởi vậy, giới lãnh đạo phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ không ủng hộ tiến hành cuộc cải cách lớn đối với đạo luật súng đạn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/2, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng không nên cấm những công dân tuân thủ luật pháp sở hữu súng mà cần tập trung vào việc bảo đảm các công dân vốn ngay từ đầu được xác định không nên sở hữu vũ khí có thể tiếp cận với súng đạn.

Ông cũng cho biết các nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ không nhất trí với đề xuất của Tổng thống Donald Trump về việc trang bị súng cho giáo viên và nâng độ tuổi tối thiểu để có thể mua một số loại súng từ 18 lên 21.

Bốn là, có sự tác động ít nhiều trước những nỗi đau. Những cái chết của người dân lương thiện, nhất là học sinh, sinh viên đã và đang làm cho những người buôn bán súng đạn phải chia sẻ.

Tin tức từ nước Mỹ cho hay, hãng bán lẻ đồ thể thao Dick’s Sporting Goods vừa quyết định ngừng bán súng trường tấn công; còn Tập đoàn bán lẻ Walmart cũng điều chỉnh quy định bán súng đạn.

Theo đó, Walmart quyết định nâng độ tuổi tối thiểu của khách hàng được phép mua súng và thiết bị quân sự lên 21 tuổi và sẽ giám sát chặt việc thực thi sự điều chỉnh này.

Walmart còn cho biết sẽ gỡ bỏ hình ảnh về các loại súng trường tấn công, trong đó có đồ chơi và súng hơi hạng nhẹ không gây sát thương, trên trang bán hàng trực tuyến của mình; ngừng bán thiết bị "độ súng" và các ổ đạn lớn…

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ