Do vậy, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, để tiếp cận và phát hiện nốt 20% số người mắc này, các quận, huyện cần thay đổi cách làm, chủ động hơn nữa trong việc đến từng nhà người dân để xét nghiệm, phát hiện lao.
Đồng thời, các quận, huyện cần tăng cường phối hợp công-tư trong điều trị bệnh lao, nhất là việc hỗ trợ các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư nhân phương tiện điều trị bệnh lao để họ có thể điều trị cho bệnh nhân “tới nơi tới chốn”, hạn chế tình trạng bỏ điều trị, gây tình trạng lao kháng thuốc.
Báo cáo về tình hình phòng chống bệnh lao 2 năm (2016-2017) tại TPHCM, TS. Nguyễn Hữu Lân, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao thành phố, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho hay, Dự án ZTV (Dự án “Hướng đến Việt Nam không còn bệnh lao”) đang được thí điểm tại TPHCM. Thông qua Dự án, công tác phát hiện bệnh lao trong cộng đồng được tăng cường bằng nhiều biện pháp như: Lồng ghép mạng lưới xã hội, tầm soát đối với người tiếp xúc với người mắc lao, sàng lọc người nguy cơ…
Đặc biệt, việc trang bị các thiết bị chẩn đoán, phát hiện hiện đại đã rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh từ vài ngày xuống còn vài giờ; phát hiện ngay lao đa kháng thuốc, giúp sớm khởi đầu điều trị lao và lao kháng đa thuốc.
Ông Nguyễn Hữu Lân cũng cho rằng, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và công tác dự phòng, điều trị bệnh lao vẫn còn hạn chế. Thực tế, dù ảnh hưởng đến sức khỏe người dân lớn hơn, nhưng chương trình phòng chống lao lại được tài trợ ít hơn so với các chương trình khác.
Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao TPHCM đề xuất, cần có hành động phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan chức năng và các nhà tài trợ để đầu tư thêm cho công tác phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao; đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chương trình phòng chống lao và Chương trình phòng chống HIV/AIDS.