Vai trò quan trọng của quản lý Nhà nước trong GD

GD&TĐ - Chiều 17/1, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham gia của nhiều chuyên gia. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về quản lý Nhà nước trong giáo dục được quy định tại Chương VIII, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).  

Quản lý Nhà nước trong giáo dục đóng vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Quản lý Nhà nước trong giáo dục đóng vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Giáo dục là một trong những giải pháp cơ bản, tạo hành lang pháp lý quan trọng, từ đó hoàn thiện thể chế và chính sách có liên quan để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đề xuất, kiến nghị của nhóm nghiên cứu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, khẳng định vai trò của các nghiên cứu minh chứng, làm nền tảng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục. Các sản phẩm nghiên cứu, ý kiến tư vấn của các nhà khoa học được chuyển giao và sử dụng phục vụ công tác quản lý của Bộ GD&ĐT; đồng thời cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

  • TS Phan Hồng Dương góp ý về kiểm định chất lượng giáo dục

Cơ bản nhất trí với các nội dung được quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, TS Phan Hồng Dương – Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Giáo dục của học viện trao đổi, dự thảo Luật đã có sự kế thừa và phát triển các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục. Dự thảo Luật lần này đã bổ sung nội dung mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục và quy định về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức, cá nhân nước ngoài và do nước ngoài thành lập. Đây là những bổ sung có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn trong quá trình áp dụng Luật Giáo dục hiện hành.

Góp ý vào một số vấn đề cụ thể, TS Phan Hồng Dương trao đổi, nên thay cụm từ “đúng pháp luật” được quy định tại Khoản 1 Điều 109 dự thảo Luật bằng cụm từ “tuân thủ pháp luật”. TS Phan Hồng Dương phân tích, các nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục là những tư tưởng, quan điểm chi phối toàn bộ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là những tư tưởng, quan điểm có tính chất nền tảng phản ánh bản chất, quyết định định hướng hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần này có quy định các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước ngoài thành lập tại Việt Nam và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước ngoài. Do đó, nếu sử dụng từ “đúng pháp luật” sẽ không thể hiện được bản chất của công tác kiểm định trong bối cảnh hội nhập.

Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia
  • Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia

Tiến tới hội nhập quốc tế

Cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời cụ thể hóa và đưa ra những quy định bao quát hết các lĩnh vực của giáo dục theo nghĩa rộng, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng góp ý thêm: Nên diễn đạt lại ý quy định về vị trí và vai trò của nhà giáo (Điều 65 dự thảo Luật) để không nhầm với vị thế. Vị trí của nhà giáo là những người làm nghề đặc thù liên quan trực tiếp với con người, truyền tri thức và văn hóa để hình thành và phát triển nhân cách. Vai trò của nhà giáo là rất quan trọng vì không có ai thay thế con người dù máy móc hiện đại như thế nào đi chăng nữa. Chính vì vậy, công việc của nhà giáo là rất nhạy cảm, được rất nhiều người quan tâm, coi trọng.

Ở một góc nhìn khác, GS Nguyễn Thị Hoàng Yến – Khoa Giáo dục nhận xét về quy định liên quan đến hợp tác quốc tế về giáo dục: Quy định trong dự thảo đã nêu được quan điểm cơ bản của Nhà nước Việt Nam về hợp tác quốc tế giáo dục giữa Việt Nam với nước ngoài và nước ngoài đối với Việt Nam. Các điều khoản, mục trong chương này tương đối đầy đủ và bao phủ các vấn đề chung nhất về hợp tác quốc tế trong giáo dục.

GS Nguyễn Thị Hoàng Yến góp ý thêm: Đối với giáo dục đại học, cao đẳng, nên cho phép các trường được tự chủ quyết định chương trình nào “nhập khẩu”, chương trình nào tự xây dựng. Nếu các trường tự xây dựng thì cần đạt yêu cầu thẩm định để có thể được các hiệp hội chuyên môn khu vực hoặc quốc tế công nhận, chấp nhận và cấp chứng chỉ. “Thiết nghĩ, giáo dục đại học cần thể hiện sự cởi mở hơn về hợp tác quốc tế trong việc đón nhận các sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập” - GS Nguyễn Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.