Vai trò của nhà nước và gia đình trong việc chọn nghề cho học sinh

Vai trò của nhà nước và gia đình trong việc chọn nghề  cho học sinh

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của bà Irina Grishina – chuyên gia người Nga về hướng nghiệp và phát triển thanh thiếu niên.

Vai trò của nhà nước

Vậy bố mẹ muốn con mình làm nghề gì? Đó là nghề sẽ nuôi sống anh ta và gia đình anh ta, một nghề thú vị và đầy hứa hẹn, nơi anh ta cảm thấy phù hợp và thể hiện được những năng lực tốt nhất của mình. Nhiệm vụ của nhà nước lại khác: Nhà nước cần đáp ứng đầy đủ đội ngũ cán bộ chuyên môn cho các lĩnh vực có triển vọng nhất xét trên quan điểm lợi ích nhà nước.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, chính phủ mở các trường đào tạo theo các chuyên ngành nhất định và phân phối các chỉ tiêu ngân sách trong các trường cao đẳng, đại học căn cứ trên mục tiêu tuyển sinh. Nhà nước có nhiều công cụ tác động.

Chẳng hạn, năm 2010, ở Nga có 80% học sinh phổ thông vào học tại các trường đại học, còn từ năm 2016, con số này đã giảm xuống còn 48%. Số liệu trên cho thấy trong một thời gian ngắn, nhà nước có thể “hướng nghiệp” cho một tỷ lệ thí sinh lớn như thế nào.

Gia đình càng dễ bị tổn thương về mặt xã hội, học sinh càng phụ thuộc nhiều vào cơ hội học tập bằng ngân sách. Nhiều người không có khả năng trả học phí. Năm 2019, hơn 18 triệu người Nga sống dưới mức nghèo khổ. Trẻ em từ các gia đình nói trên rất khó vào học các trường đại học.

Cơ hội học bằng ngân sách thường đi kèm với việc thi cử, và ngành học có triển vọng việc làm thì có nhiều thí sinh dự thi. Trong khi các trường trung cấp kỹ thuật, dạy nghề tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm trung bình ghi trên chứng chỉ, các trường đại học căn cứ vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Muốn vào một trường đại học được xếp hạng cao, học sinh phải đạt điểm thi rất cao.

Tuy nhiên, nhà nước cố gắng tạo cơ hội để hướng nghiệp có ý thức hơn cho học sinh. Vì vậy nhiều trường phổ thông thành lập các tổ, nhóm, trung tâm bồi dưỡng kiến thức, nơi học sinh có thể học miễn phí.

Nhà nước cũng thành lập các dự án hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh, cả ở cấp liên bang lẫn khu vực. Ba dự án lớn nhất hiện nay ở Nga là “WorldSkills Russia”, “Ticket to the Future” và “Quantorium”. Với các dự án này, học sinh có nhiều cơ hội để lập nghiệp.

Nhà nước phân bổ các nguồn lực để giúp học sinh chọn công việc yêu thích của mình, nhưng phụ huynh và học sinh là những người quyết định có nên tận dụng hội này hay không.

Vai trò của gia đình

Đôi khi lời khuyên của mẹ phù hợp với nguyện vọng của con.
Đôi khi lời khuyên của mẹ phù hợp với nguyện vọng của con.

Gia đình là một cộng đồng, trong đó tính cách của đứa trẻ và thái độ của nó đối với bản thân và thế giới được hình thành. Chính trong gia đình, những phẩm chất quan trọng như ý chí, niềm tin vào sức mạnh của mình, kỹ năng tìm tiếng nói chung với người khác được phát triển.

Bố mẹ có thể tạo ra những điều kiện góp phần phát triển khả năng của con và phát hiện ra những sở thích mới. Những trẻ em tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các tổ, nhóm, các trò chơi chung khác nhau, khi lớn lên, sẽ hiểu rõ mình muốn gì và sẽ làm gì để thành công.

Những trẻ em hay bị gia đình cấm đoán thì khác: Bất kỳ việc gì mới cũng khiến các em sợ hãi, sự thiếu tự tin biến thành tính lười và sự thờ ơ với mọi thứ.

Trong trường hợp đó, tốt nhất là bố mẹ đưa con tới gặp các chuyên gia hướng nghiệp. Nhiều người trong số họ là những nhà tâm lý học, họ không chỉ có thể giúp tìm hiểu về nghề nghiệp, mà còn khích lệ học sinh.

Lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh

1. Giải thích cho con nghề nghiệp là gì, nó cần để làm gì? Cần lưu ý, nhờ có nghề nghiệp, con người không chỉ kiếm sống mà còn tự thể hiện, phát triển những phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp của mình. Hầu hết những người chúng ta ngưỡng mộ đều nổi danh nhờ những thành công trong nghề nghiệp.

2. Giúp con tìm hiểu những lĩnh vực nghề nghiệp hiện có và sự phát triển của chúng. Thật bổ ích khi bố mẹ cùng con tìm hiểu và trao đổi về các ngành nghề và về sự hấp dẫn của chúng. Đôi khi ý kiến của con không chính xác. Bố mẹ cần nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vì sao và trình bày những ưu điểm thực sự của ngành nghề trong các lĩnh vực khác nhau.

3. Giúp con hình dung cụ thể về bản thân: Về năng lực, sở thích, điểm mạnh và điểm yếu… Chỉ cho con thấy những tài năng nào có thể được sử dụng trong các xu hướng nghề nghiệp khác nhau.

4. Giúp con lựa chọn một số phương án bổ sung kiến thức khi khởi nghiệp.

5. Cùng con đi tham quan các công ty khác nhau: Hiện nay nhiều công ty mở cửa đón học sinh. Có thể tìm một cơ hội thực tập ở các công ty đó. Điều này có thể cung cấp kinh nghiệm để các em quyết định lựa chọn nghề nghiệp.

6. Giới thiệu con bạn với các cán bộ chuyên môn thành đạt trong lĩnh vực con bạn quan tâm để họ chia sẻ kinh nghiệm.

7. Hãy giúp con bạn phân tích tất cả những kinh nghiệm có được, cũng như những dự định về công việc trong tương lai. Hãy khuyên con bạn chọn những nghề thực sự thích thú và không tiếc thời gian, sức lực cống hiến cho nó. Nếu làm được điều đó, chắc chắn thành công sẽ chờ đợi con bạn trong tương lai.

Đối với nhà nước, đứa trẻ là một trong hàng triệu trẻ em khác trong tương lai sẽ hòa nhập vào hệ thống hiện hành và làm việc cho nó, mang lại lợi ích tối đa cho đất nước.

Đối với gia đình, đứa trẻ là người kế tục nòi giống, lưu giữ những truyền thống và giá trị gia đình, chăm sóc bố mẹ khi về già. Thoạt nghe, hai điều đó không mâu thuẫn với nhau, nhưng trên thực tế, không phải mọi thứ đều đơn giản như vậy.

Theo Báo “Giáo viên” Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ