Vai trò của chủ quản với trường ĐH: Hiểu thế nào cho đúng?

Vai trò của chủ quản với trường ĐH: Hiểu thế nào cho đúng?

Xung quanh vấn đề mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với trường ĐH tự chủ tài chính, PV Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Quang - Phó Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU).

Tính kế thừa của các quy định pháp luật

    Có hay không sự nhập nhằng giữa trường ĐH công lập và trường ĐH công lập tự chủ tài chính trong phạm vi đối tượng chi phối của các quy định pháp luật về GD, thưa ông?

   - Ông Nguyễn Minh Quang: Luật Giáo dục ĐH (Luật số 08/2012), Điều 7, Mục 2.a) qui định: “Cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất”.

Trên nền tảng của định nghĩa này, Điều 66 (Quản lý tài chính của cơ sở GDĐH) qui định: “Cơ sở GDĐH có sử dụng ngân sách nhà nước, được nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo qui định của Luật ngân sách nhà nước”.

Đồng thời, Điều 67 (Quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở GDĐH) quy định: “1. Cơ sở GDĐH quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước theo qui định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước...”.

Tiếp đến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018), Điều 1, Mục 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 7, Tiểu mục 2.a) nêu: “Cơ sở GDĐH công lập do nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu”.

Từ đó, Mục 34, Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 66) như sau: “Đối với cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc sử dụng nguồn tài chính như sau: (a ) Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; (b) Quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu học phí và thu sự nghiệp… theo quy định của Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở GDĐH.

Cơ sở GDĐH được nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo qui định pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công...”.

Có thể thấy rằng, từ Luật số 08/2012 đến Luật số 34/2018 có những điểm khá nhất quán: Cơ sở GDĐH công lập phải do nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện hoạt động; Cơ sở GDĐH công lập có sử dụng ngân sách nhà nước, có tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước, thì có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách và tài sản theo Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công; Cơ sở GDĐH công lập được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước trong đầu tư dự án và mua sắm trang bị.

Vai trò của chủ quản với trường ĐH: Hiểu thế nào cho đúng? ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Trưởng Phòng Tổ chức hành chính TDTU.

   Các trường ĐH tự chủ tài chính có thể gặp phải những rủi ro nào khi có sự hiểu và vận dụng không thống nhất?

   - Một điều dễ nhận thấy, ngay cả với những cơ sở GDĐH công lập được “nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện hoạt động”, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong triển khai dự án đầu tư cũng như mua sắm trang thiết bị bằng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước đã được xác lập từ năm 2012, khi chưa có Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 77/NQ-CP, Nghị quyết 19-NQ/TW. Tuy nhiên, với những cơ sở GDĐH công lập mà không có ngân sách đầu tư ngay từ đầu, thì rõ ràng quyền quyết định dự án đầu tư và mua sắm trang thiết bị là quyền hạn có tính thuộc tính đương nhiên của các đơn vị này.

Thế nhưng câu chuyện không phải vậy! Theo một số nhà nghiên cứu, quyền lực làm phát sinh ra lý lẽ! Một số cơ quan chủ quản không thuộc ngành GD&ĐT bất chấp các thực tế đã được pháp luật định hình, diễn giải theo cách riêng của mình để quy trường ĐH trực thuộc mình phải chịu sự quản lý, điều chỉnh của Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công… Trong khi cơ sở GDĐH công lập này hoàn toàn không phải là đối tượng thi hành luật đó, mà thuộc đối tượng thi hành của Luật GDĐH và các luật chuyên ngành.

Đây cũng là một hình thái rủi ro mà công văn của TDTU đã phản hồi với nội dung không đồng ý với Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý và quy trình thủ tục công nhận Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐ). Điều này thêm lần nữa cho thấy một số quy định pháp luật hiện nay đang không được chấp hành nghiêm túc; và còn có một bộ phận cơ quan chủ quản thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.

Quyền hạn thực sự của cơ quan chủ quản?

   Theo ông thì cơ quan chủ quản có nên làm chủ tịch hội đồng trường hay nắm quyền kiểm soát HĐT hay không?

   - Luật số 08/2012, Điều 16 (Hội đồng trường - HĐT), Mục 2 qui định: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường.”. Mục 3 (Thành viên HĐT) qui định: “đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học”.

Như vậy, đại diện cơ quan chủ quản của trường ĐH chỉ là một bộ phận thành viên của HĐT. Không có qui định nào qui định rằng cơ quan chủ quản phải chiếm đa số hoặc phải đương nhiên giữ nhiệm vụ Chủ tịch HĐT. Đại diện cơ quan chủ quản chỉ là một phần bình thường của HĐT.

Thậm chí Bộ GD&ĐT là chủ quản rất nhiều trường ĐH nhưng Bộ trưởng và các Thứ trưởng không đứng đầu HĐT một trường nào cả. Chỉ có trường hợp duy nhất là thời GS Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có làm chủ tịch HĐT Trường ĐH Việt-Đức vì thời điểm này trường mới thành lập và cũng là nơi thể hiện mối bang giao giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức.

Đến Luật số 34/2018, Mục 10 (Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau), Mục 1 qui định: “HĐT của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Từ Luật số 08/2012 đến Luật số 34/2018 là một bước tiến dài về định nghĩa HĐT. Tiến từ chỗ “quyền sở hữu” sang “quyền đại diện của chủ sở hữu”; tiến từ chỗ “nhà nước sở hữu trường ĐH công lập” sang “quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên lợi ích có liên quan”. Nghĩa là chủ sở hữu trường ĐH công lập (HĐT) không còn “duy nhất là nhà nước”; mà bây giờ là “đại diện của các bên có lợi ích liên quan” như: cơ quan quản lý trực tiếp, đại diện địa phương, người học, cựu sinh viên, nhà giáo, viên chức, các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học… có liên quan đến nhà trường, doanh nghiệp sử dụng lao động.

Quá trình phát triển này, theo các nhà nghiên cứu đã phản ảnh một việc có thật: trường ĐH không còn là một cơ sở có 1 người chủ duy nhất như thời nhà nước bao cấp 100% ngày xưa. Trong xu thế phát triển, việc đóng góp của xã hội và của người học ngày càng chiếm tỷ lệ rất lớn so với phần đóng góp của nhà nước, của cơ quan chủ quản trong một trường công lập tự chủ (như mô hình của Trường ĐH Tôn Đức Thắng). Do đó, chủ nhân của trường ĐH công lập tự chủ không nhất thiết và duy nhất của nhà nước (hay của cơ quan chủ quản); mà là của tất cả các bên có lợi ích liên quan. Từ đó, trường ĐH công lập tự chủ trở thành trường có sở hữu toàn dân, được quản trị bởi đại diện cộng đồng.

   Vậy quyền hạn của cơ quan chủ quản/cơ quan quản lý trực tiếp các trường ĐH nói chung và các trường tự chủ tài chính nói riêng nên hiểu như thế nào cho đúng?

   - Cá nhân tôi và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quyền hạn thực sự của cơ quan chủ quản hay cơ quan quản lý trực tiếp thể hiện ở trường ĐH công lập tự chủ là: Cử đại diện tham gia cuộc họp với Tập thể lãnh đạo và các thành viên chủ chốt của HĐT để thống nhất số lượng, cơ cấu thành viên HĐT; Cử nhân sự đại diện cơ quan chủ quản tham gia vào HĐT như là đại diện của một bên có lợi ích liên quan; Công nhận HĐT/Chủ tịch HĐT, Hiệu trưởng theo đề nghị của HĐT; hoặc không công nhận và phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Nếu các cơ quan quản lý trực tiếp/cơ quan chủ quản hiểu rõ, hiểu đúng Luật và các quy định pháp lý liên quan thì chỉ cần hệ thống luật pháp hiện tại và các quy định của ngành GD&ĐT là đã quá đủ để quản lý vận hành trường ĐH; không cần thiết phải ban hành thêm các loại văn bản quy định quản lý để phục vụ cho những dụng ý khác; nhưng trái với luật định.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát của Quốc hội cần tích cực vào cuộc để rà soát các văn bản dưới Luật do các cơ quan ngang Bộ ban hành, có nội dung vi phạm Luật… để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Nếu không làm sớm thì chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tại các nghị quyết 29-NQ/TW, 19-NQ/TW, Luật số 34/2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP và Nghị quyết 77/NQ-CP… có thể bị kìm hãm, đình trệ bởi những cơ quan chủ quản trường ĐH không am tường về GDĐH mà còn ban hành văn bản hướng dẫn trái luật.

   Xin cám ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ