Vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa học đường trong trường ĐH

Vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa học đường trong trường ĐH

(GD&TĐ) - Trong thư ngỏ gửi những người yêu thích văn hóa trên trang web vanhoahoc.net, Giáo sư-Viện sĩ Trần Ngọc Thêm có nói: “Con người tồn tại trong môi trường văn hoá. Môi trường ấy thể hiện trong không gian và qua thời gian. Cuộc sống trong ta và quanh ta thấm đẫm chất men của không gian văn hoá. Cha ông ta, bản thân ta, rồi con cháu ta, sinh ra trong văn hoá, sống trong văn hoá và chết đi trong thời gian văn hoá”.[1]

Thật vậy, trong đời sống xã hội, con người chịu ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa mà trong đó họ sống và hoạt động. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, nó là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh và bản sắc của dân tộc đó. Tổ chức cũng vậy, nó cũng có một truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa mà ta tạm gọi là văn hóa tổ chức. Văn hóa tổ chức là một yếu tố rất quan trọng mà nhà quản lý cần xây dựng và duy trì nhằm tạo động lực đưa đơn vị phát triển nhanh và bền vững. Nhìn một cách tổng thể, văn hóa tổ chức bao gồm những giá trị và chuẩn mực chung được biểu hiện thành những nguyên tắc sống, những nguyên tắc ứng xử có tác dụng chỉ dẫn hành vi của cá nhân trong tổ chức đó. Đối với trường học, văn hóa tổ chức có thể được gọi là văn hóa học đường. Vậy văn hoá học đường là gì? Có thể hiểu đó là những quan niệm, chuẩn mực quy định cách xử sự giao tiếp giữa người học với nhau, giữa trò với thầy và ngược lại; là cách học và tiếp thu kiến thức. Văn hoá còn được thể hiện qua triết lí giáo dục của nhà trường, qua hành vi giao tiếp, cách ăn mặc, cách ứng xử với cảnh quan môi trường...

Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến các khía cạnh nhỏ của văn hóa học đường trong trường Đại học. Đó là thái độ và hành vi giao tiếp giữa sinh viên với nhau; giữa sinh viên với giáo viên; thái độ ứng xử đối với môi trường, cảnh quan…

Về giao tiếp và ứng xử giữa sinh viên với nhau trong thời gian gần đây đã có nhiều sự thay đổi, nhất là trong cách nói chuyện với nhau nơi công cộng. Nếu để ý lắng nghe những cuộc đối thoại của nhiều sinh viên (cả nam và nữ) ta sẽ dễ dàng nhận thấy một điều là ngày nay các bạn thường sử dụng nhiều từ lóng, tiếng lóng để nói với nhau mà nếu không phải là người trong cuộc thì khó mà hiểu được. Rồi những câu nói tục, những câu thơ, đoạn nhạc được cải biên lại luôn luôn xuất hiện, những từ ngữ “đệm” vào nghe không có ý nghĩa gì trong câu nói cứ được lặp đi lặp lại như là sự mở đầu cho mọi câu nói. Những câu nói cực ngắn, những câu nói mang đầy tính gợi hình cũng được tận dụng mọi lúc mọi nơi. Sự cẩu thả trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, sự thiếu tinh tế trong lựa chon ngôn từ, sự sáng tạo ra nhiều từ ngữ mới chẳng những không làm phong phú thêm vốn từ của cá nhân mà đôi khi còn làm nghèo nàn thêm vốn ngôn ngữ của chính người sử dụng và sự trong sáng của tiếng Việt đồng thời cũng như tạo nên một không khí mang tính chất “chợ búa” ngay tại môi trường giáo dục Đại học. Thói quen được hình thành từ những hành động thường ngày mà ta không chú ý đến. Thói quen tốt là cả một tài sản vô cùng quý giá. Thói quen xấu là một trở lực trên con đường dẫn đến thành công. Hơn nữa, thói quen sử dụng ngôn ngữ đó hoàn toàn không phù hợp với một môi trường giáo dục như trường Đại học.

Về trang phục và cách ăn mặc của sinh viên hiện nay. Nhìn chung, hầu hết các bạn có ý thức tốt trong vấn đề ăn mặc kín đáo, lịch sự khi đến giảng đường. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận sinh viên thích thể hiện mình, không mặc đồng phục của lớp, quần áo phải thật khác bạn bè, tóc để quá dài hoặc nhuộm nhiều màu không tự nhiên. Trang phục đẹp là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Trang phục có thể làm cho người ta trở nên đẹp hơn, duyên dáng hơn, che lấp đi một số khiếm khuyết của cơ thể. Trang phục đẹp không những phù hợp với cơ thể của người mặc mà còn phải thể hiện được tính chất lịch sự, trang trọng, phù hợp với môi trường xung quanh, với tính chất công việc và đáp ứng được quan niệm thẩm mỹ của cộng đồng. “Cái răng cái tóc là gốc con người” và cùng với trang phục nó thể hiện một phần nào quan niệm thẩm mỹ và văn hóa của một con người.

Vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa học đường trong trường ĐH ảnh 1
 

Trong giao tiếp giữa sinh viên với giáo viên ngày nay cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, giáo viên là nhân vật trung tâm trong các buổi học, từng lời nói của giáo viên luôn mang tính giáo dục cao và luôn là khuôn mẫu về mặt kiến thức cũng như đạo đức cho sinh viên tiếp nhận. Ngày nay, vị trí trung tâm của bài giảng đã chuyển về phía người học. Sinh viên không còn là người tiếp thu kiến thức một cách thụ động và thiếu tính phê phán. Khoảng cách giữa thầy và trò cũng ngày càng được thu hẹp. Quan hệ thầy trò cũng trở nên bớt mang nặng tính chất một chiều thầy nói trò nghe. Sinh viên ngày càng thể hiện mình là đối tượng tiếp nhận tri thức một cách chủ động. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận sinh viên cũng như giáo viên chưa thật sự có ý thức tốt trong quan hệ giao tiếp. Nhiều sinh viên còn có thái độ thiếu tôn trọng đối với giảng viên và bài giảng của họ, cũng như thiếu lịch sự và lễ độ trong giao tiếp với giảng viên, nhất là đối với giảng viên trẻ. Một số cán bộ giảng viên thiếu nghiêm túc trong công việc như đến lớp trễ mà không có lý do cũng như không xin lỗi trước lớp, coi chuyện đó là hoàn toàn bình thường, giảng bài khan mà thiếu sự chuẩn bị đầu tư, giảng dạy không đúng chuyên môn được đào tạo dẫn đến sự chán học và thái độ thờ ơ của sinh viên. Sử dụng công nghệ thông tin giảng dạy giáo án điện tử như một cách thay thế cho viết bảng. Sự cẩu thả trong mọi công việc đều là điều đáng lên án, sự cẩu thả trong giáo dục lại càng nguy hiểm và đáng lên án hơn hết. Hơn nữa, giao tiếp trong môi trường giáo dục cần nhiều sự mẫu mực nhằm thể hiện một không gian văn hóa khác hẳn với những môi trường và thiết chế văn hóa khác.

Vấn đề thái độ ứng xử của sinh viên với môi trường và cảnh quan cũng có điều đáng bàn. Để tồn tại và phát triển, con người không thể tách khỏi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong quan hệ với môi trường tự nhiên, thông qua hành vi của mình, con người thể hiện văn hóa của mình đối với môi trường, thể hiện trình độ nhận thức của bản thân. Đối với học đường đó là thái độ, hành vi đối với môi trường, cảnh quan. Đó là hành vi không hái hoa bẻ cành, không làm hư hỏng hoặc làm sai lệch cấu trúc của các trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất nói chung. Đó là việc không sử dụng các trang thiết bị của nhà trường sai mục đích, có ý thức trong việc giữ gìn và bảo quản tài sản của nhà trường. Theo dõi nhiều hoạt động giao lưu, văn nghệ, thể thao của các bạn sinh viên chúng ta không thể không thấy khó chịu khi thấy một số bạn hái hoa trong khuôn viên trường một cách tự nhiên để làm quà tặng. Và nếu hành động đó bị các bạn khác phản đối thì có lẽ vấn đề cũng không đáng nói ra ở đây. Nhưng ngược lại, hành động đó lại được sự cổ vũ và ủng hộ của những người khác. Rõ ràng ở đây thể hiện một sự lệch lạc trong quan niệm của một bộ phận không nhỏ những sinh viên có học thức. Những việc làm sai trái nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến người ta coi nó là bình thường và người ta lại không thấy sợ, không thấy xấu hổ về điều họ làm, lâu dần sẽ trở thành thói quen. Và điều này là vô cùng tai hại.

Cuối cùng, dưới góc độ quan sát của bản thân và tinh thần học hỏi, tôi xin đề xuất một số ý kiến nhằm góp phần xây dựng và ngày càng phát triển một môi trường văn hóa học đường, nhất là trong trường Đại học, ngày càng trong sạch và lành mạnh, cụ thể là:

Thứ nhất, mỗi nhà trường nên có sự nghiên cứu, khảo sát thực trạng tại trường để nắm bắt được thông tin thực tế. Đồng thời dự đoán tình hình để có thể đưa ra những chuẩn mực có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng trong thời gian dài, phù hợp với tình hình cụ thể của trường và đồng thời phù hợp với văn hóa con người tại địa phương và nhất là đáp ứng được nhu cầu hội nhập và phát triển theo xu hướng chung của đất nước.

Thứ hai, trong quá trình đó nên có sự tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo những quy định tương tự của các trường bạn[2].

Thứ ba, là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của sinh viên một cách thiết thực như thư viện, phòng học, phòng tự học, sân bãi thể thao. Không thể yêu cầu hay phát động mọi người xây dựng môi trường văn hóa, sống có văn hóa mọi lúc mọi nơi trong khi các cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ thực hiện điều đó lại thiếu hoặc không có.

Thứ tư, là việc đưa ra các phong trào thi đua và các hoạt động xã hội cần có tính thực chất hơn, có chất lượng và hiệu quả xã hội hơn, không chạy theo hình thức, tổ chức những phong trào không thiết thực với đời sống sinh viên cũng như thực tế ở địa phương.

Thứ năm, tổ chức một cách có hiệu quả hơn nữa các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ thu hút sinh viên tham gia như chiếu phim vào các buổi tối cuối tuần, câu lạc bộ hát với nhau, câu lạc bộ đờn ca tài tử, các câu lạc bộ bạn giúp bạn, câu lạc bộ thể thao…

Thứ sáu, đưa các quy định về văn hóa học đường vào làm một trong số các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện cũng như xét kết quả thi đua của từng cá nhân, đơn vị.

Văn hóa là mặt tinh thần của xã hội. Một xã hội nói chung và một tổ chức nói riêng không thể gọi là phát triển toàn diện nếu thiếu đi mặt tinh thần đó. Mong rằng với những vấn đề đã được trình bày trong bài viết, với sự nỗ lực của tập thể nhà trường và sự gương mẫu của mỗi cán bộ, giảng viên và sự ủng hộ cũng như đồng lòng của toàn thể sinh viên, mỗi nhà trường sẽ thiết lập được những chuẩn mực cụ thể và đúng đắn cho việc xây dựng và phát triển một môi trường văn hóa tiên tiến, lành mạnh góp phần vào sự ổn định và phát triển không ngừng.

Trần Hoàng Phong


[1] Xem thêm tại http://www.vanhoahoc.net

[2] Ngày 10-12-2008 trường Đại học Cần Thơ đã ban hành “Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa học đường trong Trường Đại học Cần Thơ” gồm 3 chương, 10 điều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ