(GD&TĐ) - Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân Nam Bộ cùng cả nước đứng lên chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Cùng với sự trưởng thành của lực lượng vũ trang với việc các đội du kích tấn công vào đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định; việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân ở vùng giải phóng được khẩn trương xúc tiến. Năm 1947, chính quyền nhân dân được củng cố, Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) và Đoàn thể Cứu quốc được thành lập trên 1000 xã Nam Bộ [1].
Để đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội ở vùng giải phóng, trong tình hình kháng chiến hết sức khó khăn, mặc dù vậy, UBKCHC Nam Bộ đã ra quyết định thành lập Sở Giáo Dục Nam Bộ và Viện Văn Hóa Kháng Chiến Nam Bộ (VHKCNB) vào tháng 8 năm 1947
Giáo sư Hoàng Xuân Nhị từ Pháp về thẳng chiến khu Nam Bộ để tham gia công tác văn hóa, giáo dục. Ông được Xứ ủy (sau này là Trung ương cục miền Nam ) cử làm giám đốc Viện Văn hoá Kháng chiến Nam Bộ.
Viện lúc mới ra đời ở Đồng Tháp, về sau chuyển về Tây Nam Bộ. Cùng với Sở Giáo dục Nam Bộ do giáo sư Nguyễn Văn Chì làm giám đốc, hai cơ quan có cùng chung chức năng, nhiệm vụ xóa mù chữ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho kháng chiến. Viện Văn Hóa và Sở Giáo Dục đã căn cứ vào lời dạy của Hồ Chủ tịch nêu trong các văn kiện đầu tiên về văn hoá giáo dục sau ngày đất nước được độc lập như: Lời kêu gọi toàn quốc “Chống nạn thất học” ( 4/10/1945) và thư Hồ Chủ tịch “ Gửi các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xác định quan điểm và nội dung hoạt động.
Tư tưởng của Hồ Chủ tịch trong các văn kiện nói trên và “Đề cương văn hóa mới” của Tổng Bí thư Trường Chinh theo ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng trở thành đường lối cơ bản của nền giáo dục kháng chiến Nam Bộ, được quán triệt và thể hiện trong mọi hoạt động của ngành văn hóa giáo dục lúc bấy giờ.
Ngoài ra, Viện còn phối hợp với Sở Giáo Dục nghiên cứu nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội như: Chính trị, văn, sử, địa, công dân giáo dục, v.v... Viện còn đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng giáo viên trung học cho các trường trung học kháng chiến và trung học bình dân.
Năm 1948, UBKCHC Nam Bộ quyết định mở một số trường trung học nội trú giao cho Sở Giáo Dục và Viện VHKCNB chịu trách nhiệm thực hiện. Khó khăn lớn nhất là tìm đâu ra thầy để dạy. Số giáo sư trung học thời Pháp thuộc đi theo kháng chiến có thể đếm trên đầu ngón tay, trong đó một số đang đảm nhận những trọng trách khác.
Tái hiện hoạt động dạy học trong thời kháng chiến (ảnh mang tính MH) |
Viện VHKCNB có sáng kiến mở một lớp đào tạo giáo viên trung học. Đó là Lớp Sư phạm và Văn hóa đặc biệt mang tên Phan Chu Trinh do giáo sư Hoàng Xuân Nhị phụ trách. Có gần 100 giáo sinh trình độ văn hóa bậc tú tài, thành chung (đíp lôm) hoặc tương đương, công tàc từ các ngành quân, dân, chính Đảng được quy tụ để bồi dưỡng thành giáo viên trung học. Được sự dìu dắt của các giáo sư như Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị, ... các giáo sinh trẻ tốt nghiệp khóa Sư phạm và Văn hóa đặc biệt Phan Chu Trinh là nguồn bổ sung kịp thời, làm lực lượng nồng cốt cho sự thành lập một loạt trường trung học kháng chiến.
Tập thể các giáo sư có tuổi, có nhiều kinh nghiệm sư phạm và các cán bộ giảng dạy trẻ, đầy nhiệt huyết đã hoàn thành trong một thời gian ngắn việc soạn thảo chương trình và tài liệu giáo khoa với nội dung mới. Điều đặc biệt có ý nghĩa là tất cả các môn học vể khoa học xã hội cũng như tự nhiên đã được biên soạn và dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, thoát khỏi sự lệ thuộc vào nền giáo dục thực dân.
Trong suốt 9 năm kháng chiến, Viện VHKCNB và Sở Giáo Dục Nam Bộ đã phối hợp hoạt động, cung cấp, bồi dưỡng nguồn nhân lực có văn hóa cho chiến trường Nam Bộ lúc đó. Phối hợp với Sở Giáo Dục Nam Bộ, hoạt động của Viện VHKCNB đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các tỉnh thành, lãnh đạo phong trào giáo dục toàn diện ở các trường phổ thông, bổ túc văn hóa, giúp đỡ các cơ quan lãnh đạo, quân, dân, chính, Đảng tổ chức học tập văn hóa. Đã đào tạo được 10.000 cán bộ, học sinh, giáo viên. Các tỉnh Nam Bộ đã mở hơn 70 trường bậc tiểu học và trung học, nâng cao trình độ cho hơn mười vạn học sinh, học viên phục vụ kháng chiến [2].
Nguyễn Văn Kha
Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ