Xuất hiện từ đầu tháng 4/2017, loại SIM ghép "thần thánh" hiện vẫn đang làm mưa làm gió trên thị trường iPhone lock do có thể nhanh chóng biến một chiếc iPhone lock (bản khóa mạng) sử dụng bình thường như bản quốc tế, không gặp bất cứ một lỗi nào.
Thậm chí ngay cả với những lỗi như không thể kích hoạt iMessage, lỗi không tra được tài khoản bằng cú pháp *101#, không hỗ trợ 4G, lỗi cuộc gọi đến… cũng không thấy xuất hiện trên loại SIM ghép mới. Không giống như các loại SIM ghép trước đây yêu cầu người dùng phải chọn mạng thì SIM ghép này sẽ tự động kết nối với mạng của loại SIM được lắp vào máy (như Viettel, VinaPhone, MobiFone…).
Tuy nhiên đúng như dự đoán của giới kinh doanh trong nước, đến vài ngày gần đây, cộng đồng người dùng iPhone tại thị trường trong nước đã phải lo lắng hơn khi nhiều nguồn tin cho hay đã xuất hiện các vụ lừa đảo bán iPhone lock đội lốt hàng quốc tế bằng việc cấy ghép SIM ghép “thần thánh” vào bên trong để bán với giá cao kiếm lời.
Cụ thể, do SIM ghép chỉ là bản mạch nhỏ nên dân kinh doanh thiếu uy tín bung máy, cấy sẵn vào bên trong chiếc iPhone lock để đánh lừa khách hàng, bán iPhone lock với giá cao như của bản quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ICTnews, anh Công Thành, chủ cửa hàng Chính hãng Telecom tại Trương Định (Hà Nội) cho hay loại SIM ghép “thần thánh” mới rất tinh vi.
Trước đây, để kiểm tra được một chiếc iPhone có phải là máy lock hay không, người dùng có thể vào mục “Cài đặt” -> “Điện thoại”, nếu không thấy có mục "Ứng dụng SIM" thì đó là máy lock. Tuy nhiên loại SIM ghép “thần thánh” mới hiện nay còn có thể fix được lỗi này, cho khả năng hiển thị như máy quốc tế.
Dù vậy, vẫn có thể phân biệt được đó có phải là máy lock hay không. Trước hết, có thể căn cứ vào xuất xứ của máy.
Nếu là máy xuất xứ Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… thì khách hàng có thể yên tâm hơn vì hầu hết đều là bản quốc tế. Nhưng hãy dè chừng hơn với những loại máy có xuất xứ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Nhật, Đức… bởi máy lock đang xuất hiện tại Việt Nam đa phần có xuất xứ từ những thị trường này.
Bước tiếp theo, để kiểm tra đó có phải là máy lock hay không, người dùng có thể kiểm tra thông qua việc check IMEI.
Hiện nay có một số website cho kiểm tra IMEI miễn phí (tuy nhiên chất lượng chỉ tương đối). Ngoài ra người dùng có thể nhờ hoặc thuê các cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone uy tín check (như tại Chính hãng Telecom hiện hỗ trợ khách hàng phát hiện iPhone lock miễn phí - PV).
Hoặc có thể dùng giải pháp gọi điện trực tiếp với Apple trong khoảng thời gian từ 9h15 đến 17h45, các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Trước khi có thể trao đổi qua điện thoại, người dùng cần cung cấp thông tin IMEI, thông tin máy, thông tin người dùng và lỗi gặp phải trên website hỗ trợ (support.apple.com, hỗ trợ tiếng Việt) và đặt lịch hẹn để Apple sẽ chủ động gọi lại. Cuộc gọi có thể thực hiện bình thường bằng tiếng Việt và không bị mất phí.
Bộ phận hỗ trợ của Apple có thể trao đổi qua email, điện thoại với người dùng bằng tiếng Việt.
Cũng theo khuyến cáo của anh Công Thành, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, người dùng mua iPhone (đặc biệt là model đời mới như iPhone 6S Plus, iPhone 7, 7 Plus có trị giá cao) cần lựa chọn những nơi uy tín có địa chỉ bán hàng rõ ràng, áp dụng bảo hành lâu dài
“Việc mua máy trôi nổi, trao tay tại các địa điểm công cộng rất rủi ro giữa lúc SIM ghép “thần thánh” chưa bị Apple vá lỗi như hiện nay. Không chỉ với người dùng, mà ngay cả những người làm nghề mua bán iPhone nếu ít kinh nghiệm khi mua lại máy từ khách hàng vãng lai cũng cần dè chừng với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này”, anh Công Thành khuyến cáo.