Ủy ban TVQH họp phiên thứ 2 cho ý kiến 7 dự án Luật

Ủy ban TVQH họp phiên thứ 2 cho ý kiến 7 dự án Luật

(GD&TĐ)-Hôm nay 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu họp phiên thứ 2, kéo dài trong 6 ngày. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án Luật (trong đó có 6 dự án lần đầu được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến) gồm Luật Cơ yếu, Luật Quảng cáo, Luật Quản lý giá, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định Tư pháp, Luật Giáo dục Đại học, Luật Phòng chống tác hại của Thuốc lá.

Trong khuôn khổ phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; các báo cáo của Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011- 2015; Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương nãm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Ban dân nguyện báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Sáng nay (26/9), UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật cơ yếu, Luật quảng cáo.

Phó Chủ tích Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì việc thảo luận dự thảo Luật cơ yếu. . Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh  dự thảo Luật Cơ yếu đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, QH Khóa XII. Tại Phiên họp UBTVQH lần này, Thường trực Ủy Ban Quốc phòng và An ninh  báo cáo với UBTVQH về một số vấn đề lớn của dự thảo còn nhiều ý kiến khác nhau.Cụ thể, về trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu và vị trí của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Cơ yếu, các   thành viên của UBTVQH nhất trí với đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội Vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn giữ ổn định tên gọi về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban cơ yếu Chính phủ như hiện nay. Bên cạnh đó  có ý kiến lưu ý cần lý giải cụ thể hơn về việc chuyển Ban Cơ yếu từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng; cần làm rõ xung quanh việc hưởng chế độ chính sách của người làm lĩnh vực cơ yếu.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến về dư thảo Luật Quảng cáo . Theo tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh Quảng cáo ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo đi vào nền nếp, định hướng và thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế: các quy định trong Pháp lệnh Quảng cáo còn thiếu cụ thể và chưa bao quát hết được thực tiễn quảng cáo; một số quy định trong pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn; các quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo còn phân tán và chưa có tính thống nhất cao.  

Có ý kiến cho rằng  tờ trình về dự thảo luật  quảng cáo chưa rõ các chính sách lớn và cơ sở để đưa ra các quy định cụ thể cũng chưa được đề cập rõ; cần cân nhắc để có khái niệm cụ thể và đúng mức ở hoạt động quảng cáo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đề nghị giải trình rõ thêm phạm vi điều chỉnh và phải làm rõ mối quan hệ giữa các quy định trong dự thảo với các luật hiện hành khác; đồng thời làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật. Về vấn đề cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH đều thống nhất như tờ trình của Chính phủ là giao về một đầu mối cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Tiếp tục chương trình làm việc chiều nay (26/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày.

Đánh giá chung về Dự thảo Luật, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng so với Pháp lệnh giá, Dự thảo Luật đã hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý, bổ sung một số quy định mới, chi tiết hơn một số nội dung như quyền, nghĩa vụ của tổ chức giá… Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ Dự thảo Luật, Tờ trình và các văn bản liên quan cho thấy, Dự án Luật chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bàn, chưa làm nổi bật những điểm đột phá, chưa làm rõ bước tiến mới về chất khi nâng thành Luật để khắc phục hạn chế so với khung pháp lý hiện hành và mục tiêu đề ra như: nhiều quy định Dự thảo Luật mâu thuẫn mục tiêu phù hợp với cơ chế thị trường, vẫn còn thể hiện sự can thiệp sâu của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu, về quyết định giá. Ngoài ra, Dự thảo chưa đảm bảo tính cụ thể, nhiều nội dung quan trọng được giao Chính phủ, Bộ Tài Chính quy định bằng văn bản dưới luật.

Về một số vấn đề cụ thể như: hàng hoá, dịch vụ, về thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá hay về hàng hoá dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định giá và căn cứ, phương pháp định giá.

Nhiều vấn đề quy định trong Luật chưa được lập luận cụ thể, thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Những tài sản, hàng hoá, dịch vụ nào thì phải định giá. Giả sử như giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu… thuộc danh mục định giá, danh mục quản lý giá hay không. “Như vậy, điều quan trọng của Luật là cần xác định tiêu chí nào để quy định đó là danh mục quan trọng mà Nhà nước phải định giá” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng: thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc quyết định các biện pháp bình ổn giá phải do tập thể Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Việc định giá của Nhà nước tuân theo cơ chế thị trường phù hợp với thị trường và minh bạch. Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường bằng biện pháp bình ổn giá. Trong luật này quy định biện pháp bình ổn giá nhiều nhất  là quỹ bình ổn giá. Các quy định này phù hợp với cam kết quốc tế và hội nhập chứ không dùng biện pháp hành chính trong luật này. Đối tượng áp dụng luật, quy định như vậy không chồng chéo mâu thuẫn với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chỉ có một số quy đinh bổ sung để bảo vệ người tiêu dùng.

Minh Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.