Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, mục tiêu xây dựng NHNN trở thành Ngân hàng TƯ hiện đại, có tính tự chủ và tính độc lập cao là định hướng của Đảng và Nhà nước. Đa số các Ủy viên UBTVQH cho rằng, trước mắt, cần tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, vừa bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế, tài chính quốc gia. Vì vậy, xác định địa vị pháp lý của NHNN là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ. Đối với quy định về mục tiêu hoạt động của NHNN và chính sách tiền tệ quốc gia, nên chỉnh sửa theo hướng không quy định thành một điều riêng; đồng thời bổ sung khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia tại Điều 3, dự thảo Luật.
Về thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị, cần phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, NHNN trong việc quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia phù hợp với Hiến pháp. Về lãi suất, cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác. Bên cạnh đó, cần xác định rõ chính sách tiền tệ quốc gia là một hệ thống bao gồm những gì; việc đưa công cụ và biện pháp điều hành vào điều chỉnh chính sách cần phải xem xét thêm và thận trọng…
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến xung quanh vấn đề này như: nên đưa loại hình Ngân hàng Chính sách vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức Tín dụng; đề nghị Luật không điều chỉnh hoạt động ngân hàng của các công ty chứng khoán; bổ sung quy định về nghiệp vụ phái sinh trên sàn giao dịch hàng hóa như cà phê, cao su… Đối với yêu cầu quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, do đây là vấn đề phải đặt lên hàng đầu nên cùng với các quy định trong Luật, Chính phủ khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành cần có các quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập tổ chức tín dụng. Về mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, có ý kiến đề nghị, quy định cụ thể điều kiện, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng Việt Nam…
Chiều 6/5, UBTVQH tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Ba mươi mốt, cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Thành viên UBTVQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 66).
Sau khi ra đời, Nghị quyết 66 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, do kinh tế xã hội phát triển vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 cho phù hợp với tình hình thực tiễn và để đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện.
Các thành viên UBTVQH tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề chưa thống nhất như ban hành một nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 66 hay hai nghị quyết riêng cho các dự án, công trình đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; Tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng quốc gia...
Theo tờ trình của Chính phủ, có năm tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia bao gồm Quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư; Dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng và dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí về năm tiêu chí trên, nhưng chưa đồng thuận về một số nội dung cụ thể quy định về tổng vốn đầu tư, các quy định về dự án, công trình có ảnh hưởng đến môi trường.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hai phương án mà Tờ trình của Chính phủ đưa ra về tổng vốn đầu tư trong nội dung tiêu chí của các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Nếu giữ mức 20.000 tỷ đồng thì sẽ có rất nhiều dự án trình Quốc hội xem xét mà Quốc hội khó có đủ khả năng, điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cần bổ sung hạn mức sử dụng diện tích đất nông nghiệp vào trong tiêu chí xác định dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cần nghiên cứu ban hành một Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 mà không nên ban hành thêm một nghị quyết mới điều chỉnh hoạt động dự án, công trình quan trọng trong đầu tư nước ngoài.
Tổng kết ý kiến của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần thiết đệ trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 12 về việc xây dựng ban hành một nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66.
Về tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia, đại đa số ý kiến các thành viên UBTVQH đồng ý quy định mức quy mô 35.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên. Tuy nhiên, cần nghiên cứu và thể hiện rõ ràng hơn về tỷ lệ % vốn Nhà nước trong tổng vốn đầu tư của công trình.
Do hoạt động đầu tư ở nước ngoài mang tính rủy ro cao, liên quan đến việc sử dụng, đáp ứng và kiểm soát nguồn ngoại tệ, nên mức quy mô tổng đầu tư của các dự án, công trình đầu tư nước ngoài và tỷ trọng vốn của Nhà nước trong các công trình, dự án này cũng phải thấp hơn mức đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thể hiện cụ thể hơn về quy định liên quan đến thời hạn gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra; hạn mức tỷ lệ phát sinh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian dự án, công trình phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất xem xét, quyết định...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của UBTVQH về nội dung Dự thảo Nghị quyết cũng như kỹ thuật lập pháp trong quá trình xây dựng tờ trình, báo cáo đánh giá tác động... để chuẩn bị trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Quang Anh