Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 20: Thảo luận pháp lệnh Cảnh sát cơ động

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 20: Thảo luận pháp lệnh Cảnh sát cơ động

(GD&TĐ) - Sáng 12/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bắt đầu phiên họp thứ 20. Với thời gian làm việc dự kiến diễn ra trong 10 ngày (trong đó có 8 ngày làm việc chính thức), UBTVQH tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các dự án Luật, dự thảo Pháp lệnh và Nghị định.

Ảnh: Thành Chung (VGP)
Ảnh: Thành Chung (VGP)

Cụ thể tại phiên họp này, UBTVQH sẽ nghiên cứu, cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hộ tịch; Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Việc làm; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Hai pháp lệnh gồm: Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân và Dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, hoạt động kinh doanh casino cũng sẽ được xem xét tại phiên họp này. 

Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nghe và góp ý Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được dành trọn một ngày 21/8 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đồng thời truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong ngày làm việc 12/8, ngay sau lễ khai mạc, TVQH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Dự án Pháp lệnh này gồm 5 chương và 26 điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đa số ý kiến tán thành ban hành Pháp lệnh này vì cho rằng, cảnh sát cơ động là lực lượng hoạt động tác chiến tập trung đặc thù, với nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc gia và phối hợp với các lực lượng khác trấn áp các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức. 

Tuy nhiên, một số nội dung của dự án Pháp lệnh vẫn còn có ý kiến khác nhau như về tên gọi giữa dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” và “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang”; phạm vi điều chỉnh, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động…Về tên gọi của dự án Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giữ nguyên tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” vì các thuyết minh về “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” lập luận chưa rõ. 

Tán thành với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều nội dung của Pháp lệnh, tuy nhiên ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng Pháp lệnh còn nhiều nội dung chưa phù hợp vì liên quan tới Hiến pháp và các luật khác, cần quy định chặt chẽ hơn. Về nội dung trang thiết bị, khí tài cho lực lượng cảnh sát cơ động cũng được nhiều đại biểu quan tâm và kiến nghị cần quy định rõ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Kso Phước đề nghị xem xét lại phạm vi điều chỉnh và cần quy định rõ lực lượng này được trang bị hay được sử dụng trang thiết bị tàu bay, tàu thủy… để thực hiện nhiệm vụ, tránh đầu tư dàn trải cho các lực lượng cảnh sát, gây lãng phí, phân tán. Điều 14 cũng không nói rõ về điều này. 

Phát biểu kết luận nội dung làm việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với hầu hết các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị giữ nguyên tên gọi dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động cũng như đề nghị tiếp tục hoàn thiện để ban hành Pháp lệnh theo kế hoạch.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ