(GD&TĐ)-Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2012 của Chính phủ diễn ra trong 2 ngày (ngày 5 và 6/3).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên họp (ảnh Đức Dũng) |
Tại phiên họp, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trước, sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng tháng đầu năm nay tăng 3,9/% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai thác mỏ tăng 5%, công nghiệp chế biến tăng 2,4%, sản xuất và phân phối điện, gas, nước tăng 11,7%. Về lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương đã tập trung gieo cấy và chăm sóc lúa Đông Xuân, diện tích hoa màu; đẩy mạnh hoạt động phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản… Khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế hai tháng đầu năm nay tăng 22% so với cùng kỳ, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng Hai vừa qua tăng 29,4%…
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2012 ước đạt 8,2 tỷ USD; lũy kế hai tháng đầu năm 2012 đạt xấp xỉ 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Nhập siêu tháng 2/2012 là 800 triệu USD; lũy kế hai tháng đầu năm nhập siêu là 628 triệu USD, bằng 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ cho các hộ thiếu đói (trong tháng 2 năm 2012 đã hỗ trợ khoảng 900 tấn lương thực; lũy kế hai tháng đầu năm 2012 đã hỗ trợ cứu đói khoảng 13,6 nghìn tấn lương thực và khoảng 22,4 tỷ đồng). Trong tháng, ước tạo việc làm cho khoảng trên 137 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt 7,2 nghìn người.
Trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giảm nhiều so với cùng kỳ (giảm 17% số vụ, giảm 11% số người bị chết, giảm 18% số người bị thương).
Bên cạnh khẳng định các kết quả đạt được, Chính phủ cũng tập trung phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó nổi lên là lãi suất còn ở mức cao, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng giảm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Sản xuất công nghiệp tăng chậm, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do chi phí đầu vào cao, tồn kho ở mức cao dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể.
Cùng với đó, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; tiến độ gieo cấy lúa đông xuân bị chậm, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng; dịch bệnh gia cầm lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước; nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.…
Bàn về giải pháp thực hiện mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát đi đôi với thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chống suy giảm kinh tế theo các thành viên Chính phủ là các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chính sách đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời tăng cường các biện pháp khắc phục dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm soát giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng tới lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát như lương thực, thực phẩm, gas...; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…
Triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng tồn động hàng hóa hiện nay.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các Bộ, ngành và các địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai đồng bộ và quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn không ít khó khăn và thách thức cả trong nước và kinh tế thế giới tăng trưởng thấp tác động trực tiếp đến xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương theo sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, không chủ quan với mức lạm phát 2 tháng đầu năm, tiếp tục kiên trì ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, kiên định điều hành giá xăng dầu theo thị trường gắn với kiểm tra không để đầu cơ, đồng thời đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, tăng cường công tác điều hành ổn định tỷ giá, tiếp tục cải thiện tính thanh khoản của hệ thống và đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng một cách chặt chẽ. Trên cơ sở phân tích tỷ giá ổn định, khả năng thanh khoản của ngân hàng được giải quyết một bước, lạm phát giảm, bước đầu kiểm soát tốt các ngân hàng khó khăn không có khả năng gây mất ổn định thị trường tiền tệ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tập trung phát triển thị trường chứng khoán, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng loại hình doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; triển khai ngay mua tạm trữ gạo đảm bảo cho nông dân lãi trên 30%, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về vốn để phát triển các cây công nghiệp lợi thế như cao su, cà phê cũng như phát triển thủy sản, chăn nuôi gắn với tăng cường kiểm soát dịch bệnh; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, du lịch, tăng cường đưa hàng hóa về nông thôn.
Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương khuyến khích thu hút đầu tư phải bằng cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội và tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương cấp vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư các dự án hạ tầng nhưng phải quyết liệt kiểm tra chất lượng công trình. Bộ Y tế tăng cường kiểm soát dịch bệnh và sớm trình đề án khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Bộ Công an tăng cường các biện pháp đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và giảm tai nạn giao thông.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng và trình các Đề án, Nghị định, Tờ trình… chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải trình, giải đáp trước nhân dân, cung cấp kịp thời thông tin cho cho báo chí nhằm định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về Đề án một số vấn đề an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 và Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020.
Nguyễn Sơn-Đức Dũng