Ưu tiên cải thiện kỹ năng cho người lao động

GD&TĐ - Đây được xem là một giải pháp quan trọng của Việt Nam khi phải đối mặt với những thách thức từ quá trình chuyển đổi công nghệ, những kỹ năng lao động trình độ thấp đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Ưu tiên cải thiện kỹ năng cho người lao động

Thiếu lao động để vận hành công nghệ

Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quá trình chuyển đổi công nghệ dẫn đến sự thay đổi về việc làm và các doanh nghiệp tại Việt Nam và ASEAN cho thấy, những ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân lực như dệt may – da giày và sản phẩm điện – điện tử có nhiều khả năng bị tác động bởi sự thay đổi về công nghệ.

Điều này dẫn đến những dịch chuyển quan trọng về kỹ năng nghề, đồng thời mở ra triển vọng từ việc ứng dụng công nghệ đối với các doanh nghiệp và sinh viên.

Các doanh nghiệp ASEAN, xét về tổng thể, không phải là các doanh nghiệp dẫn đầu về áp dụng công nghệ và sáng kiến cải tiến. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng theo xu hướng này và trong một số trường hợp thậm chí còn tụt hậu so với mức trung bình của khu vực.

Khảo sát của ILO cho thấy, khoảng 28% các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc bảo vệ IP, tương đương với mức trung bình của khu vực.

Chỉ có 24% các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện cải tiến công nghệ, thấp hơn một chút so với xu hướng của ASEAN. Ngược lại, Việt Nam lại là nước tốt nhất trong khu vực về đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN đều phải đối mặt với các rào cản trong việc cải tiến công nghệ. Trong đó, thiếu hụt một lực lượng lao động có tay nghề để vận hành công nghệ được nhận định là một rào cản lớn thứ hai sau rào cản về vốn cố định.

Đây là một phát hiện quan trọng, chỉ ra xu thế thay đổi nghề nghiệp và kỹ năng sản xuất trong những năm tới do tác động của công nghệ mới.

Điều này cũng chỉ ra sự cần thiết phải cải tiến hệ thống phát triển kỹ năng nhằm chuẩn bị tốt hơn cho những người tìm việc trong tương lai đáp ứng với những thay đổi trong yêu cầu tại nơi làm việc.

Phát triển kỹ năng mới

Cũng theo báo cáo của ILO, nhu cầu về kỹ năng mà doanh nghiệp cần bao gồm: Kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi cũng như khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Đối với các doanh nghiệp, việc thiếu các kỹ năng cốt lõi ở mức nghiêm trọng hơn. Các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng các kỹ năng cốt lõi cần cả một quá trình đào tạo để có thể đạt được.

Gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam không có dự báo về nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Trong khi đó, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hầu như chỉ dừng lại ở hình thức doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập và sự hợp tác trong quá trình phát triển giáo trình và học liệu và xây dựng kế hoạch đào tạo lao động có kỹ năng còn tương đối yếu. 38% số doanh nghiệp được khảo sát, cho biết họ chưa bao giờ tham gia các hoạt động hợp tác này.

Trong bối cảnh này, ILO khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng vào kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nhằm đổi mới hệ thống phát triển kỹ năng để đáp ứng tốt hơn với môi trường làm việc luôn thay đổi và những sáng kiến cải tiến công nghệ mới.

Thúc đẩy các bạn trẻ theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với nữ thanh niên.

Việc nâng cao các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và tư duy phân tích cũng ngày càng đóng vai trò công cụ then chốt trong các doanh nghiệp tập trung vào công nghệ.

Báo cáo của ILO trình bày kết quả nghiên cứu 10 quốc gia thành viên của ASEAN dựa trên khảo sát các doanh nghiệp, sinh viên các trường đại học và sinh viên các trường đào tạo nghề.                                                                                                                                Tổng số 4.076 thông tin trả lời khảo sát từ các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và dịch vụ đã được thu thập, trong đó 446 câu trả lời là từ Việt Nam (khoảng 11%).                                                                                                                                                                       Hơn 2.700 sinh viên các trường đại học và trường kỹ thuật dạy nghề đã được khảo sát, trong đó 462 câu trả lời là từ Việt Nam (khoảng 17%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ