(GD&TĐ) - Thấp – cao về thu nhập ở nước ta thực tế chỉ là một định lượng. Kiếm được 4 – 5 triệu đồng/tháng mới vừa đủ chi tiêu ở thành phố lớn, nhưng đã là thu nhập cao của hầu hết công chức nhà nước.
Nhìn mặt bằng chung, thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng mới được coi là thấp. Đây phần lớn là công nhân, cũng là những đối tượng khó khăn nhất về nhà ở và được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó có chương trình phát triển nhà ở xã hội. Tuy vậy, chính bởi sự nửa vời nên khả năng đáp ứng mới chỉ được một phần nhỏ so với nhu cầu.
Ảnh minh họa/internet |
Trước hết, cần phải nói rõ chương trình phát triển nhà ở xã hội mà Nhà nước đang triển khai có hai loại hình: Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (đối tượng thu nhập trung bình 5 – 6 triệu/tháng mới đủ khả năng hướng tới) và nhà ở xã hội dành cho công nhân (có thu nhập trung bình từ 2 triệu trở xuống, hầu như không có khả năng mua nhà ở). Thực tế, đây mới là nhóm đối tượng đáng lo ngại nhất, bởi chiếm số lượng lớn trong xã hội và thuộc nhóm lao động chủ lực của đất nước hiện nay, trải đều tại các khu công nghiệp (KCN) và doanh nghiệp (DN) trong cả nước.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2012, cả nước đã có 289 KCN được thành lập với khoảng 1,6 triệu công nhân đang làm việc, cùng với khoảng một triệu lao động cung cấp các loại dịch vụ. Hãy khoan nói về tác động của các KCN đối với nền kinh tế, chỉ nhìn về khía cạnh xã hội, sự phát triển của các KCN đã và đang đặt ra vấn đề nan giải về nhà ở cho người lao động.
Thực tế hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định; số còn lại đang phải thuê chỗ ở do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư. Không nói ai cũng có thể hình dung ra một hình ảnh của những khu thuê trọ này: Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích bình quân từ 2 – 3 m2/người); điều kiện vệ sinh, môi trường hoàn toàn không đảm bảo.
Trong khi đó, với mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN chỉ từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/người/tháng, thì khoản chi tiêu dành cho nhà ở chỉ có thể đáp ứng với trung bình từ 150 – 200 nghìn đồng/người/tháng.
Việc triển khai các quy định hiện hành về phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, trong đó đặc biệt là cho công nhân lao động tại các KCN (Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ; Nghị quyết số 18/ND/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ và Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy các cơ chế, chính sách đã ban hành chưa đủ để thu hút được sự tham gia của các DN.
Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế ưu đãi đối với DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN hầu như mới chỉ được miễn tiền sử dụng đất, việc miễn giảm thuế chỉ được thực hiện trong năm 2009; khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng và các nguồn tài chính ưu đãi khác (từ Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư phát triển của địa phương…) cũng còn khá nhiều trở ngại.
Đó là lý do mà theo thống kê mới đây của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2009 – 2012, cả nước mới chỉ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng được 62 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô 12.500 căn hộ; tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng, đáp ứng cho khoảng 100.000 công nhân - một con số quá nhỏ so với gần 3 triệu công nhân đang lao động trong các KCN hiện nay.
Thực tế theo quy định hiện hành thì Nhà nước mới chỉ có cơ chế ưu đãi đối với các DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN thuê. Giá cho thuê cũng không được Nhà nước quản lý mà nằm trong thoả thuận của công nhân với DN (không theo một khung giá cố định nào). Trong khi đó, ngoài số công nhân đơn thân còn có số lượng rất lớn công nhân các KCN ở cùng với gia đình, có nhu cầu mua, thuê căn hộ cho cả gia đình.
Thế nhưng, hiện không có cơ chế chính sách ưu đãi nào dành cho các dự án đầu tư xây dựng để bán hoặc cho thuê mua đối với công nhân lao động KCN. Cơ chế ưu đãi hiện hành cũng mới chỉ dành cho các KCN tập trung, bỏ qua các nhà máy, xí nghiệp đơn lẻ, các cơ sở sản xuất hay thậm chí cả cụm công nghiệp vừa và nhỏ…
Đây chính là những lý do dẫn đến việc dù Nhà nước đã rất nỗ lực bằng các chính sách ưu đãi và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng DN cũng như toàn xã hội trong việc thực hiện chương trình nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, trong đó có bộ phận quan trọng là công nhân, nhưng kết quả đạt được đến nay mới chỉ được phần nhỏ so với kỳ vọng. Người thu nhập thấp (và… cực thấp) muốn thuê nhà ở đàng hoàng cũng không có, trong khi giấc mơ sở hữu nhà thì nằm ngoài tầm tay của phần lớn người trong nhóm đối tượng này.
Ưu đãi nửa vời là vậy!
Nhất Nguyên