Ước vọng mùa thi

Ước vọng mùa thi

(GD&TĐ) - Cái hầm hập của không khí thi cử đã len lỏi khắp cái xã ven đô ấy. Nó dội vào từng căn nhà, từng góc bàn của những cô cậu học trò vừa qua kỳ thi tốt nghiệp đầy cam go. Không rõ kết quả của kỳ tú tài ra sao, các em đã hăm hở với dự định dài về một kỳ thi đại học đầy thử thách.

“Kỳ thi này của con, bố mất nguyên vụ vải” – câu nói của ông bố trẻ có cô con gái đầu lòng năm nay thi ĐH khiến tôi bật cười và buông lời thắc mắc: Vì sao lại là “mất nguyên vụ vải”?

Ông bố trẻ cười phá lên, bảo mọi năm, cứ vào thời điểm này, ông lại phóng con “Cup ghẻ” lên tận Lục Ngạn – Bắc Giang, chở vải về HN bán kiếm lời. Người ta thuê ô tô chở, còn ông thì cương quyết chở bằng xe máy. Mỗi chuyến hàng cũng 5 – 7 tạ với sức vóc của một người đàn ông 40 tuổi nào có thấm vào đâu. Cứ nhìn ánh mắt lấp lánh của đàn con ở nhà, ông lại phấn khởi lao đi. Tính nhẩm ra, mỗi vụ vải thu lời cả vài chục triệu đồng. Số tiền đâu có ít! Nó giúp cả cái gia đình 6 người đó sống cuộc sống sung túc, cả 4 đứa con đều được chăm chút học hành.

Năm nay, cô con gái lớn của ông thi vào ĐH. Cũng biết lượng sức mình, cô bé nộp đơn thi tận ĐH Thái Nguyên. “Nó thi khoa gì đó, tôi cũng chẳng rõ. Miễn là đỗ ĐH. Ở cái làng này, cứ nhìn con nhà người ta đi học trên thành phố về là tôi lại thèm cho con đi học. Cho nó nhàn cái thân”.

Bố con cùng
Bố con cùng "lai kinh ứng thí" trong đợt thi ĐH năm 2010, ảnh gdtd.vn

Ông bố trẻ kể rằng, năm nay, ông quyết tâm bỏ cả những chuyến hàng kiếm tiền lời tiền triệu, để đích thân chở con gái đi thi tốt nghiệp cách nhà hàng chục cây số. “Xa lắm, lại nắng nóng, để nó đi mình tôi không yên tâm. Bỏ chuyến hàng buôn mất cả tiền triệu cũng xót của. Nhưng thấy nó bảo làm bài tốt là tôi mừng…”

 Ánh mắt lấp lánh của người cha khiến lòng tôi vui lạ. Cái sự học ở làng quê ấy, cách đây vài năm đâu có được trọng vọng như thế. Nhớ lại cái thời bọn trẻ chúng tôi cắp sách đến trường, cha mẹ còn mải lo đầu tắt mặt tối kiếm cơm nuôi cả bầy con, có thời giờ đâu chăm lo đến học hành, thi cử. Chúng tôi, thế hệ 7X, 8X cứ gọi là “tự thân vận động”. Đến tập vở viết, cuốn sách giáo khoa cũng thiếu thốn đủ bề. Làm gì có chuyện được đầu tư ôn luyện, đưa đón học hành như giờ. Vì thế nên ngày đó đứa nào đỗ ĐH sẽ là chuyện “kỳ tích” xôn xao cả vùng quê…

Giờ thì rõ là sự học đã lên ngôi. Các em được cha mẹ chăm lo nhiều thế cũng là sự đáng mừng.

Hôm thi tốt nghiệp xong, buổi cuối chiều trời mưa tầm tã, mấy cô cậu tú tài lại tất bật lo chuyện ra “luyện thi cấp tốc”. Cũng không rõ chất lượng đến đâu, chỉ thấy con nhà người ta đi được thì con mình cũng phải đi. Nghe đâu, mỗi một ca luyện thi “cấp tốc” có giá từ 25.000 – 30.000. Cả khoá cấp tốc mà cô con gái ông đóng cho cả 3 môn: Toán – Lý – Hoá hết hơn 2 triệu. Tiền thuê phòng trọ và ăn uống trong 1 tháng luyện thi cũng tầm 4 triệu… Vị chi cho kỳ thi ĐH năm nay của cô con gái hết gần chục triệu. Lại còn chưa kể những “thiệt hại” vì bỏ chuyến hàng buôn để lo sự thi cử với con…

“Tiền thì kiếm cả đời chứ. Còn sự học của con cái nó quan trọng lắm. Cho nó học để sau này nó không vất vả như mình bây giờ…” - ông bố nói vậy, rồi lại tất bật sắm sanh, nào bếp ga du lịch, tương cà, mắm muối… xong chở theo cô con gái với cả bao sách nặng trên lưng băng băng lao đi ngay trong chiều mưa bão để cho con ra ở trọ học ngoài HN. Chẳng là sáng mai cô con gái đã có buổi luyện thi đầu tiên trong khoá “cấp tốc” nên phải đi vội ngay trong chiều.

Tôi nhìn theo hai bố con ông, với cái dáng tất tả của ông bố, cái nét thư sinh của cô con gái… thầm ước cho cô bé năm nay sẽ đậu kỳ thi ĐH. Ước sao 4 năm sau, cô bé sẽ ra trường, có một cái nghề nhàn hạ hơn cha, để sau này sẽ không phải tính cái sự học của con bằng nguyên vụ vải như bố bây giờ…

Phấp phỏng một mùa thi, không phải niềm riêng của các cô cậu học trò, mà ở đó, gửi gắm bao nỗi yêu thương, bao kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Ước mong đó gửi trong ánh mắt lấp lánh của người cha ấy, trong cái dáng mảnh mai của cô nữ sinh khoác trên vai cả một ba lô sách vở - hành trang bước vào đời vững chắc của thế hệ trẻ hôm nay.

Sự học lên ngôi, ấy là lẽ mừng trong thời kỳ ta đang cần nhiều hơn nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hôm nay!

Hoàng Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ