Bỏ lương cao, về quê nuôi heo
Anh Nguyễn Thanh Tồng - 34 tuổi, ở ấp 11 (xã Vị Trung, Vị Thủy, Hậu Giang) là con thứ 3 trong gia đình 4 anh em. Năm 2009, anh Tồng tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y của trường Đại học Cần Thơ.
Với tấm bằng trong tay, anh được nhận vào làm việc cho một công ty thức ăn chăn nuôi của nước ngoài chi nhánh tại Việt Nam. Công việc của anh là phụ trách quản lý kỹ thuật ở khu vực ĐBSCL với mức lương gần 9 triệu đồng/tháng. Trong thời gian này, anh có điều kiện học hỏi và tiếp xúc với nhiều hộ nuôi heo trong vùng.
Đầu năm 2010, với những kiến thức tích lũy được trên giảng đường và kinh nghiệm trong quá trình làm việc nên anh quyết định từ bỏ công việc hiện tại để trở về nhà làm giàu trên quê hương của mình bằng cách mở đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trại nuôi heo bằng phương pháp xây chuồng có mương nước cho heo tự tắm.
Giải thích về quyết định này, anh Tồng, nói: “Gia đình gặp khó khăn, thường xuyên làm việc xa nhà. Trong khi ở quê người dân nuôi heo thiếu kỹ thuật, nuôi nhỏ lẻ. Từ đó, tôi quyết tâm về đây đầu tư nuôi heo để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ người dân quanh xóm”.
Để làm được điều mong muốn, anh được gia đình, bạn bè cho mượn 150 triệu đồng đầu tư. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn hỗ trợ, giới thiệu Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng mua 2 con heo nái giống và xây chuồng trại.
Năm đầu, từ 2 con heo nái cho đẻ được 16 heo con. Sau đó, anh giữ lại tiếp 5 con nái làm giống, còn lại bán 11 con heo thịt để trang trải chi phí.
Theo anh Tồng, ưu điểm của phương pháp xây chuồng có mương nước để heo tự tắm so với xây chuồng truyền thống là nhẹ công chăm sóc, tăng trọng nhanh, giảm chi phí gần 50%. Cụ thể, chuồng truyền thống có nền gạch xi măng dễ bị nhiễm bệnh ngoài da do nước tiểu bám trên nền gạch, giảm khí amoniac (NH3).
Khi heo đẻ tỷ lệ chết cao vì heo con bị heo mẹ giẫm đạp. Ngoài ra, tắm heo theo quán tính nhiều lúc nhiệt độ bên trong và bên ngoài chênh lệch dễ bị bệnh do thay đổi nhiệt độ đột ngột và heo tốn nhiều calo hơn.
Còn phương pháp heo tắm tự động thì khi heo thiếu nước sẽ tự động xuống tắm, hoặc thấy heo không xuống tắm là biết có biểu hiện bệnh để khắc phục ngay.
Đầu năm 2011, từ 7 con heo nái cho đẻ được 45 heo con và bán giá khoảng 1,7 triệu đồng/con, thu lời gần 50 triệu đồng. Sau đó, anh mở rộng thêm 3 chuồng, mỗi chuồng nuôi 20 con heo.
Tuy nhiên, đến năm 2012 xảy ra dịch bệnh heo tai xanh, toàn bộ đàn heo nái, heo con và heo thịt của anh chết hết, bị lỗ hơn 40 triệu đồng nhưng anh vẫn không nản lòng mà đợi hết dịch nuôi tiếp.
Thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm
Đầu năm 2014, anh Tồng xem trên mạng internet thấy mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học của GS Nguyễn Khắc Tuấn ở trường ĐH Hà Nội nghiên cứu có hiệu quả.
Sau đó, anh liên hệ với GS Tuấn để được hướng dẫn về phương pháp và áp dụng thử nghiệm thực tế song song với phương pháp hiện tại cho đến nay.
Cạnh chuồng cũ, anh xây 3 chuồng mới bằng đệm lót sinh học, mỗi chuồng 20 m2 để nuôi từ 15 - 20 con; xung quanh xây gạch và sắt, phần nền trang bị đệm gồm: trấu và mạt cưa trộn với chế phẩm vi sinh rồi nén một lớp dày hơn 50 cm.
Với phương pháp này, kết quả đến nay đã xuất được 2 lứa, heo phát triển tốt, ít bệnh, trọng lượng cao hơn chuồng bên cạnh khoảng 10 kg/con.
“Mô hình này có lợi là khử được mùi hôi, không phải tắm heo, rửa chuồng, quét dọn, tiết kiệm điện, nước. Bên cạnh đó, chuồng nuôi có không khí sạch, giảm về bệnh hô hấp, tiêu chảy và không can thiệp kháng sinh” - Anh Tồng nói.
Anh Tồng tính toán, một con heo nuôi trong vòng hơn 3,5 tháng xuất chuồng, chi phí gần 3,5 triệu đồng, bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg heo hơi, mỗi con 100 kg thì lãi trên 1 triệu đồng/con.
Hơn nữa, ở nhà là đại lý thức ăn số lượng lớn, công ty giao tận nhà nên giá “mềm” hơn nơi khác. Năm 2014, trang trại của anh Tồng bán được gần 200 con heo thịt, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Thêm vào đó, anh còn thu nhập từ việc bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng nữa.
Hiện tại, anh Tồng đang xây 3 chuồng bằng phương pháp đệm lót sinh học để nuôi heo nái và heo thịt khép kín để quản lý giống, dịch bệnh với chi phí gần 100 triệu đồng.
Dự kiến, trong thời gian tới, anh sẽ còn mở thêm trại heo giống tại nhà để tự quản lý tốt chất lượng tinh trùng nhằm đảm bảo nguồn giống heo tốt khi cung cấp cho người dân.
Mô hình kinh tế trang trại không chỉ giúp gia đình anh Tồng kinh tế ổn định mà còn giúp về mặt kỹ thuật, vốn cho nhiều thanh niên khác trong xóm vươn lên.
Cụ thể, đầu năm 2014 anh thành lập tổ hợp tác chăn nuôi ấp 11 với 16 thành viên, quy mô lên đến hàng trăm con heo. “Mỗi người nuôi đơn lẻ, số lượng ít nên bị thương lái ép giá.
Từ đó, tôi vận động thanh niên tập hợp lại để bán số lượng nhiều và tìm đầu ra để giá được cao hơn. Hơn nữa, khi vào tổ hợp tác mọi người học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau dễ dàng hơn”, anh Tồng tâm sự.
Anh Huỳnh Quốc Linh - Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Vị Thủy - cho biết: “Mô hình nuôi heo của anh Tồng là điển hình của huyện vì áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập cao và bền vững.
Chúng tôi sẽ tổ chức cho thanh niên toàn huyện đến tham quan, học tập. Ngoài ra, anh Tồng luôn nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn về kỹ thuật cho thanh niên khi có nhu cầu…”.
Vào tháng 6/2015, anh Tồng vinh dự là một trong hai thanh niên tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015 tại thủ đô Hà Nội