Ứng viên “ghế nóng” Lầu Năm Góc đua nhau rút lui

Quá trình tìm kiếm người tiếp quản “ghế nóng” tại Bộ quốc phòng Mỹ dường như đang diễn biến không mấy thuận lợi, khi gương mặt được cho là triển vọng nhất, bà Michele Flournoy, đã chủ động rút lui, sau khi một thượng nghị sỹ tên tuổi khác có hành động tương tự.

Ứng viên “ghế nóng” Lầu Năm Góc đua nhau rút lui
Bà Michele Flournoy
Bà Michele Flournoy

Ngay từ trước khi quyết định từ chức của Bộ trưởng Chuck Hagel được chính thức công bố, báo giới Mỹ đã đồng loạt đăng tải những bài viết khẳng định bà Michele Flournoy, 53 tuổi, là ứng viên hàng đầu kế nhiệm ông Hagel. Và nếu được bổ nhiệm, bà Flournoy sẽ đi vào lịch sử với tư cách nữ Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của nước Mỹ, một dấu ấn nữa cho nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, bà Flournoy đã viết thư gửi ban lãnh đạo Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), nơi bà là đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành, khẳng định mình sẽ không tiếp nhận vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc.

“Tôi có thể xác nhận bà ấy đã viết thư cho ban lãnh đạo CNAS để thông báo việc đã tự loại mình khỏi cuộc đua và vị trí Bộ trưởng quốc phòng”, nguồn tin của AFP cho biết. Lý do bà Flournoy đưa ra cho quyết định này đó là “liên quan đến gia đình”. Thông tin này cũng được tờ Foreign Policy đăng tải.

“Đêm qua tôi đã nói chuyện với Tổng thống Obama và rút tên khỏi những người được xem xét vì lý do gia đình”, bà Flournoy viết cho ban lãnh đạo CNAS. “Sau nhiều cân nhắc, chúng tôi quyết định giờ không phải lúc phù hợp để tôi trở lại chính phủ. Tin tốt là giờ các bạn sẽ phải tiếp tục chịu đựng tôi vô thời hạn!”, bức thư có đoạn viết.

Việc bà Flournoy rút lui có khả năng khiến ông Obama phải đau đầu với quá trình chọn người thay thế Bộ trưởng Hagel. Trước bà Flournoy, thượng nghị sỹ Jack Reed, một người được đánh giá là “đáng tin cậy” cho vị trí đứng đầu Bộ quốc phòng Mỹ cũng đã tự rút lui trong sáng 24/11, ngay sau khi được báo giới đồn thổi.

“Thượng nghị sỹ Reed yêu công việc của mình và muốn tiếp tục phục vụ người dân Đảo Rhode tại Thượng viện Mỹ”, người phát ngôn của ông Reed tuyên bố. “Ông ấy đã tuyên bố rất rõ ràng rằng không muốn được cất nhắc vào vị trí Bộ trưởng quốc phòng hay bất kỳ vị trí nào khác trong chính phủ. Ông ấy vừa mới đề nghị người dân bang Đảo Rhode thuê mình thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa, và muốn tôn trọng cam kết này”.

Còn ai muốn làm Bộ trưởng quốc phòng Mỹ?

Giờ đây, tin đồn sẽ tập trung vào các lựa chọn còn lại, trong đó có ông Ash Carter, một cựu thứ trưởng quốc phòng và là chuyên gia về ngân sách và vũ khí công nghệ cao.

Dù vậy, theo nhìn nhận của nhiều tờ báo Mỹ, sẽ không có một cuộc chạy đua gay gắt nào giữa các ứng viên, là khi ông Obama không có vẻ gì sẽ thay thế nhóm cộng sự thân cận về chính sách đối ngoại của mình, những người đã có nhiều bất đồng với ông Hagel cũng như các Bộ trưởng quốc phòng trước. Trong 6 năm qua, Mỹ đã 3 lần thay thế lãnh đạo Lầu Năm Góc và chuẩn bị chọn người thứ tư.

“Nếu không có sự thay đổi tại Nhà Trắng, bao gồm sự ra đi của cả bà Susan E. Rice - cố vấn an ninh quốc gia và ông Ben Rhodes - chánh văn phòng Nhà Trắng làm sao có bất kỳ Bộ trưởng quốc phòng nào có thể giải quyết những vấn đề mà ông Hagel đã thất bại?”, tờ Freebeacon bình luận.

“Đánh bại nhà nước Hồi giáo tại Iraq và làm suy yếu chúng tại Syria – nhưng không có nguồn lực. Ngăn chính phủ Afghanistan khỏi sụp đổ trước Taliban – nhưng không có nguồn lực. Phát đi một tín hiệu mạnh mẽ với Nga tại Đông Âu – nhưng không được đe dọa sử dụng vũ lực hoặc thậm chí là những đe dọa nghiêm khắc về ngoại giao dưới dạng các lệnh cấm vận cứng rắn”, tờ báo trên đặt câu hỏi.

Nhiệm vụ của Bộ trưởng quốc phòng tiếp theo không hề hấp dẫn. Người này phải sẵn sàng triển khai một loạt chiến dịch quân sự ở nước ngoài, vốn không được thiết kế để thành công, mà chỉ nhằm thỏa mãn những cân nhắc chính trị trong nước, rằng Tổng thống phải làm gì đó trước mối đe dọa từ nhà nước Hồi giáo hay Taliban.

Phải làm gì đó trong khi tiếp tục phải rút sạch nguồn lực thông qua cắt giảm ngân sách và triển khai các chính sách xã hội vốn không được ủng hộ trong quân đội. Phải sẵn sàng bị quản lý vi mô bởi một đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia nổi tiếng thiếu năng lực và chính trị hóa thô bạo. Phải làm gì đó trong khi vẫn trung thành tuyệt đối với Tổng thống và đội ngũ giúp việc thiếu năng lực thích quản lý vi mô.

Có rất nhiều người có thể làm công việc này, nhưng họ không được tin tưởng. Còn những người được tin tưởng thì liệu có ai muốn công việc này?, tờ báo Mỹ chốt lại.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ