Ứng dụng CNTT trong dạy học Tiếng Anh: “Xóa sổ” đọc - chép

GD&TĐ - Tiếng Anh không còn là môn học tự chọn ở cấp tiểu học mà là một môn học bắt buộc (bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12) trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo. Vì vậy, để góp phần nâng cao chương trình dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025, không thể thiếu việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy - học ngoại ngữ.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hỗ trợ tích cực dạy và học

Ứng dụng CNTT vào tiến trình giảng dạy và học tập nói chung, đào tạo ngoại ngữ nói riêng đưa các ứng dụng của công nghệ vào lớp học là xu thế mới, phát triển sâu rộng ở các nhà trường. Việc làm này biến quá trình học tập không chỉ bó gọn trong bốn bức tường của lớp học mà mở rộng khả năng tương tác của người học.

Theo thầy Nguyễn Xuân Thảo, GV môn Tiếng Anh, Trường TH Ký Phú (Thái Nguyên), chương trình Tiếng Anh tiểu học có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh các kỹ năng giao tiếp cơ bản, đơn giản bằng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày ở nhà trường và gia đình:4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói.

Việc ứng dụng các phần mềm trợ giảng cho môn Tiếng Anh là rất cần thiết, không chỉ giúp học sinh có hứng thú trong học tập mà còn giúp cho học sinh có thể được tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn ngay từ ban đầu.

Thừa nhận vai trò quan trọng của công nghệ trong việc chuyển đổi giáo dục và truyền cảm hứng cho người học, thầy giáo Ngô Thành Nam - Phó phòng Tiểu học Ban chuyên môn

K-12, Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết: Tại hệ thống các trường học của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, giáo viên đã đưa các công nghệ hiện đại như VR, 3D, 4D, Skype… vào lớp học để việc học tập của học sinh trở nên trực quan, gắn liền với thế giới bên ngoài. Bản thân người thầy cũng được giải thoát khỏi cảm giác bởi những bài giảng khô khan. Với công nghệ, người thầy có thể giúp học sinh biến mỗi tiết học là một hành trình khám phá để từ đó việc học đối với học sinh, việc dạy với giáo viên là một công việc thú vị và nhiều niềm vui.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Kết nối nhờ công nghệ

Theo thầy Ngô Thành Nam, ngày nay, học sinh không cần ra khỏi 4 bức tường của lớp học vẫn có thể kết nối với thế giới bên ngoài dựa vào công nghệ như Skype. Việc tương tác giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng diễn ra thuận lợi hơn bao giờ hết mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Công nghệ chính là phương tiện để giúp việc học của học sinh đến gần hơn với thế giới thực tại bên ngoài.

Chia sẻ hiệu quả ứng dụng CNTT trong dạy học môn Tiếng Anh đã mang lại kết quả rất tốt, thầy Nguyễn Xuân Thảo cho biết: Trong 3 năm gần đây, thầy mạnh dạn ứng dụng CNTT đặc biệt là ứng dụng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy vào bộ môn Tiếng Anh. Trong mỗitiết học các em học sinh cơ bản đã thay đổi được thói quen học tập, các em sẽ thấy hứng thú hơn qua mỗi phần của bài học. Các em chủ động tham gia học tập sôi nổi, hào hứng. Bước đầu hình thành thói quen tự giác học môn Tiếng Anh.

Ở mỗi bài học các em có thể khắc sâu kiến thức, nhớ được nhiều từ hơn trong mỗi bài học. Bản thân các em không quá áp lực trong việc học. Chính điều này đã tạo thêm cho HS nguồn hứng thú học tập không chỉ là đạt điểm cao mà còn là nguồn động lực để các em học tập tốt hơn bộ môn Tiếng Anh.

Nhiều học sinh mạnh dạn, tự tin, thoải mái hơn. Có nhiều trò chơi trong tiết học giúp các em năng động và không bị nhàm chán. Đánh giá khá chính xác lực học của các em. Những em học chậm, học yếu hơn những em khác dần dần cũng đã mạnh dạn trong giao tiếp thực hành nói và bày tỏ ý kiến, mạnh dạn hỏi bài khi không hiểu bài.

Cô Phạm Thị Tân, GV Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) cho biết: So với phương pháp dạy và học truyền thống, phương pháp dạy học bằng giáo án điện tử, sử dụng màn hình máy chiếu đã mang lại hiệu quả tích cực, làm thay đổi tư duy, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, giáo viên. Đối với học sinh, các bài giảng theo giáo án điện tử của thầy, cô giáo đã tạo cảm hứng học tập, góp phần phát triển năng lực tư duy của các em.

Tuy nhiên, việc sử dụng CNTT trong GD đòi hỏi một sự đầu tư cơ sở vật chất nhất định, nhắm vào mục tiêu hỗ trợ GV giảng dạy, hỗ trợ HS học tập và hỗ trợ đổi mới tổ chức quản lý trong đào tạo. Song, trong quá trình đổi mới GD, việc bồi dưỡng cho tất cả GV tiểu học sử dụng CNTT trong giảng dạy vẫn là yếu tố then chốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ