UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giá và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giá và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

(GD&TĐ)-Chiều 11/4, tiếp tục phiên họp lần thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Giá cả
Việc quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ bảo đảm tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho quản lý và thực thi (ảnh MH)

Thảo luận về dự án Luật Giá, tại Điều 19 quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí và xác định ngay trong Luật Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo đó, việc quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong Luật là cần thiết vì đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Việc quy định cụ thể sẽ bảo đảm tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho quản lý và thực thi. Theo đó, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thực sự thiết yếu, phục vụ quốc kế dân sinh; căn cứ vào tình hình thực tế, với trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được lập trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá hàng hóa, dịch vụ trong đời sống sản xuất. Tuy nhiên không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong Danh mục. Cơ quan có thẩm quyền chỉ chọn lựa hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ban soạn thảo cần tiếp tục thảo luận, rà soát và thống nhất lại danh mục những mặt hàng bình ổn giá và danh mục Nhà nước định giá.

Sau khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tính đến ngày 25/3/2012, đã có 52 Đoàn đại biểu Quốc hội, 04 đại biểu Quốc hội và 1 chuyên gia gửi ý kiến góp ý về dự thảo luật. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án Luật. Tuy nhiên, còn một số vấn đề lớn về phạm vi điều chỉnh, về quy hoạch tài nguyên nước, về giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về tài nguyên nước… còn có ý kiến khác nhau.

Về việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đa số ý kiến đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhất trí với đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Ông cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Luật phòng, chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai và sẽ trình UBTVQH ngay trong năm nay.

Theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại; khai thác nước mặt, nước dưới đất để cấp nước phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và hoạt động sản xuất phi nông nghiệp; khai thác sử dụng mặt nước sông, hồ, mặt nước biển nhằm mục đích kinh doanh, dịch vụ tập trung với quy mô lớn thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xác định rõ “tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước” là phí, lệ phí hay thuế,  bởi vì mỗi loại có cơ chế quản lý khác nhau.

Tán thành quy định thu “tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước” như dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng đây chính là lệ phí và cần quy định rõ trong luật chuyên ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước” thực chất giống như tiền cấp quyền sử dụng đất hiện nay.

Đối với các tranh chấp về tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, quan điểm của Ủy ban này là: “Trước hết khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc thông qua việc tổ chức hòa giải ở cơ sở. Khi các bên tranh chấp có yêu cầu thì Ủy ban nhân dân cấp xã tại cơ sở có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ