Tỷ phú vùng quê nghèo
Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt thư sinh khiến người mới nhìn đều lầm tưởng anh Mạnh chỉ mới đôi mươi. Là ông chủ trẻ của cơ sở sản xuất cơm cháy nổi tiếng khắp cả nước, anh Mạnh khiến bao người nể phục bởi sự mạnh bạo, dám nghĩ dám làm trong công việc.
Cơm cháy là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình ra đời từ thế kỷ 19. Đến năm 2000, mặt hàng này được sản xuất tại một số cơ sở nhỏ và quy mô không vượt quá tầm địa phương. Cho đến khi chàng thanh niên huyện Nho Quan bắt tay vào làm thì cơm cháy mới trở thành đặc sản nổi tiếng, mang thương hiệu Ninh Bình.
Anh Bùi Văn Mạnh xây dựng thương hiệu sản xuất cơm cháy trong suốt 6 năm nay. Với tổng diện tích 2700m2, cùng hệ thống dây chuyền máy móc, nhân lực, mỗi ngày cơ sở của anh Mạnh sản xuất được hơn 1 tấn cơm cháy.
Sản phẩm của anh được phân phối tới khắp 20 tỉnh thành trên cả nước từ các tỉnh thành phía Bắc cho đến miền trung như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… Chúng có mặt trên cả những sạp hàng nhỏ đến siêu thị lớn. Cơ sở sản xuất của anh Mạnh đạt doanh thu 12 tỷ đồng/năm.
Cơ sở sản xuất của anh tạo công ăn việc làm với mức thu nhập khá cho hơn 20 nhân công, là những người dân tại địa phương. Đời sống của họ được cải thiện hơn nhiều so với việc chỉ trông chờ vào cây lúa.
Mô hình sản xuất cơm cháy của anh Mạnh được sở Y tế, sở Nông nghiệp, sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng chỉ an toàn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên khắp vùng miền. Cách làm của anh Mạnh còn tạo động lực cho tầng lớp thanh niên trẻ muốn làm giàu.
"Cơm cháy quan trọng nhất là độ giòn và xốp, nếu không sấy trước khi chiên thì cơm cháy không nở được đều", anh Mạnh cho biết
Có quyết tâm là có thành công
Tốt nghiệp phổ thông, anh Mạnh tiếp tục học tập tại tỉnh Ninh Bình. Một lần đi ăn cơm nhà hàng, anh Mạnh tình cờ được thưởng thức và có ấn tượng sâu sắc với món cơm cháy, thịt dê.
Cũng có lần anh bắt gặp cảnh khách hàng yêu cầu chủ nhà hàng gói xuất cơm cháy mang về nhưng bị từ chối bởi cơm cháy chỉ có thể ăn nóng, còn nếu mang về thì không còn ngon như ban đầu.
Nhìn ra được tiềm năng và hạn chế của món cơm cháy, anh Mạnh đã bàn với bố học cách làm và mở xưởng sản xuất. Tuy bố còn băn khoăn, lo lắng, phân vân nhưng anh Mạnh thì đã quyết tâm thì phải làm cho bằng được.
Tận dụng thế mạnh của vùng đất Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, nắm được tâm lý của khách quan du lịch muốn có quà mang về mỗi khi đặt chân đến một vùng đất nào đó, anh Mạnh càng tự tin hơn và quyết định của mình.
Hơn nữa, ở Ninh Bình bấy giờ, cơm cháy chưa được tạo thành sản phẩm đóng gói nên nếu làm được việc này thì ước mơ của anh sẽ nhiều phần thành công.
“Nhìn thấy tiềm năng của thị trường và tin tưởng vào khả năng của sản phẩm, mình đã quyết tâm phải làm ra cơm cháy bằng mọi giá”, anh Bùi Văn Mạnh chia sẻ.
Vừa làm vừa mày mò nghiên cứu, những mảng cơm cháy đầu tiên được anh Mạnh tạo ra bằng cách thủ công.
Anh Mạnh chia sẻ: “Tôi đổ gạo nếp vào nồi nấu xôi nhỏ dùng cho hộ gia đình, sau đó lấy ra một chiếc khay gỗ cán mỏng bằng thân chai rồi đem phơi nắng trên mái nhà. Cơm cháy làm ra ngon nhưng ại phải phụ thuộc vào thời tiết, nắng ráo không sao chứ mưa ẩm thì coi như xôi hỏng bỏng không”.
Vậy là anh Mạnh dày tâm nghiên cứu, sáng tạo ra cách sản xuất mới vừa chủ động vừa hiệu quả. Giờ đây, anh đã có một cơ sở sản xuất khang trang với nhiều lò sấy đạt công suất 600kg/ngày.
Những sản phẩm cơm cháy đóng gói đầu tiên, anh Mạnh hăm hở mang đi chào hàng tại các điểm du lịch gần nhà. Thật bất ngờ, sau khi ăn thử khách rất ưng ý, sản phẩm tiêu thụ rất nhanh. Anh biết mình đã thành công.
Ông Bùi Tuấn Vương (Phó bí thư Đảng ủy xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: “Một địa phương có điểm xuất phát khá thấp như tỉnh Ninh Bình mà có những thanh niên mạnh dạn, dám nghĩ dám làm như anh Mạnh thật sự đáng quý. Mô hình của anh Bùi Văn Mạnh mang lại những tín hiệu rất tích cực”.