(GD&TĐ) - Trường có tỷ lệ "chọi" càng cao, tính cạnh tranh càng lớn - đó là một quan điểm không hoàn toàn đúng. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn thể hiện quan điểm:
Bản thân tỷ lệ "chọi" thực ra không nói lên được gì nhiều. Qua thực tế nhiều năm tuyển sinh, những trường tốp trên, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi không nhiều, tỷ lệ "chọi" không lớn nhưng điểm đầu vào vẫn rất cao. Có những trường 8.000 thí sinh dự thi trên tổng chỉ tiêu 4.000, tỷ lệ "chọi" rất thấp nhưng vẫn lấy đến 20 điểm đầu vào; trong khi đó, có trường số dự thi 25.000, chỉ tiêu 3.000 - 4.000 cũng chỉ lấy 15 - 16 điểm. Tuy nhiên, nếu so sánh với những trường lượng thí sinh đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu thì đó lại là chuyện khác.
Kỳ tuyển sinh năm nay có sự phân hóa khá rõ nét về tỷ lệ "chọi" giữa các trường, nhận định của ông về hiện tượng này như thế nào?
- Tỷ lệ "chọi" có trường cao vọt nhưng cũng có trường rất thấp, đó là chuyện bình thường. Mấy năm gần đây, một số trường tốp trung như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Tài nguyên - Môi trường ..., lượng sinh viên đăng ký rất đông, thường đây là những thí sinh chất lượng đại trà. Các trường tốp trên, số thí sinh đăng ký không đông nhưng chất lượng lại cao hơn. Còn việc tỷ lệ “chọi” có sự phân hóa rõ nét trong những năm gần đây có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân.
Trước hết phải nói đến do chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua đã đến được với người dân và thí sinh nên xu hướng lựa chọn ngành nghề, chọn trường đã có sự thay đổi. Không giống cách lựa chọn chủ yếu theo xu hướng thị trường, theo tâm lý đám đông trước đây, hiện thí sinh cân nhắc rất kỹ, đa số chọn ngành nghề hướng tới việc làm trong tương lai; cùng với đó, người học cũng quan tâm tới chất lượng và uy tín của ngành, nghề và trường sẽ đăng ký dự thi.
Thứ hai là nguyên nhân từ cơ cấu ngành nghề của các trường. Một số trường cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, không gắn được với nhu cầu của xã hội, không phản ứng kịp nhu cầu của thị trường. Ví dụ, trong 2 năm 2012 và 2013, số thí sinh thi vào ngành kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh giảm 10% mỗi năm. Nhưng, trong khi nhu cầu giảm sút, vẫn rất nhiều trường chỉ tập trung vào các ngành nghề này, dẫn đến thí sinh đăng ký dự thi sụt giảm, đó là điều tất yếu. Cũng nói thêm, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013, lượng thí chọn các ngành kỹ thuật, công nghệ có chiều hướng tăng, đây là tín hiệu đáng mừng.
Một nguyên nhân khác liên quan tới sự quan tâm đầu tư phát triển chiều sâu của các nhà trường, điều này cũng quyết định đến việc thu hút thí sinh. Trên thực tế, có thí sinh thi đông là những trường quan tâm đến phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường sư phạm và môi trường đào tạo.
Còn phải kể đến định hướng của ngành trong giai đoạn vừa qua ảnh hưởng đến việc thu hút người học. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có những cảnh báo rộng rãi với xã hội, người học và nhà trường về những ngành nghề dư thừa nhân lực; từ đó, góp phần định hướng thí sinh lựa chọn ngành học phù hợp; đồng thời nhiều trường đã chủ động mở những ngành mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, thu hút thêm được thí sinh.
Định hướng ngành nghề trong tuyển sinh đã có chuyển biến rõ rệt |
Ông có thể chia sẻ đôi chút về điểm sàn - câu chuyện luôn được quan tâm nhiều nhất trong mỗi mùa tuyển sinh?
- Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi xây dựng phương án điểm sàn là phải đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển và đảm bảo được nguồn tuyển. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng đã đưa lên diễn đàn Báo Giáo dục & Thời đại để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Tôi cho rằng đó là những ý kiến tư vấn rất quan trọng giúp Bộ GD&ĐT xây dựng được một phương án điểm sàn hợp lý. Quan điểm của Bộ là mở, cầu thị, luôn sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh
Quy định mới các trường được tự xác định chỉ tiêu dựa trên điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất đã nhận được sự hưởng ứng của các trường như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định tại thông tư 57, các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào những điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất. Bộ GD&ĐT chỉ khuyến cáo các nhà trường năm nay và trong thời gian tới đây, ngành nào đang bão hoà, ngành nào có nhu cầu lớn... Trên cơ sở như vậy, các trường tự cân đối năng lực đào tạo, chỉ tiêu đào tạo. Tôi nghĩ rằng, cách làm này đều được các trường ủng hộ.
Thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới đến đâu thưa Vụ trưởng?
- Về công tác chung, có thể nói mọi việc đã được chuẩn bị hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.
Xin cảm ơn Vụ trưởng!
Hải Bình (thực hiện)