Tuyển sinh năm 2020: Gắn “cung” với “cầu”

Tuyển sinh năm 2020: Gắn “cung” với “cầu”

Bên cạnh đó, một số ngành sư phạm đã bám sát nhu cầu thực tế, để sinh viên ra trường không lo thất nghiệp.

Gắn với nhu cầu thực tế

TS Trần Mạnh Cường - Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Từ năm học 2020 – 2021, nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành Khoa học dữ liệu. Đây được xem là một trong những ngành học “hot” bậc nhất trong thời đại công nghiệp 4.0.

TS Trần Mạnh Cường viện dẫn: Trung bình mỗi ngày có 5 tỷ video được đăng tải lên YouTube, mỗi giây có khoảng 40.000 lượt tìm kiếm Google ... nhưng chỉ hơn 1% trong số dữ liệu khổng lồ đó được phân tích. Ai khai thác và tận dụng được kho thông tin quý giá này người đó sẽ thành công. Khoa học dữ liệu giúp bạn làm điều đó. Hiện ngành này lọt vào top 10 ngành có nhu cầu cao nhất tại Mỹ.

Theo TS Trần Mạnh Cường, chương trình đào tạo khoa học dữ liệu được xây dựng dựa trên việc tham khảo của trường đại học Michigan (Hoa Kỳ), một trong những trường danh tiếng nhất thế giới về đào tạo ngành này. Ngoài việc trang bị về ngoại ngữ, kỹ năng cho sinh viên, chương trình đào tạo tập trung trang bị 3 nhóm kiến thức cơ bản là: Khoa học máy tính, thống kê và toán ứng dụng. Đây cũng là 3 lĩnh vực mà Khoa Toán - Cơ - Tin học có thế mạnh so với các cơ sở đào tạo tại Việt Nam. Chương trình đào tạo cũng chú trọng đến việc thực tập, thực tế. Sinh viên, từ năm thứ 2 trở đi sẽ được gửi đến thực tập tại các doanh nghiệp đang có quan hệ hợp tác với khoa. Đại diện các doanh nghiệp cũng tham gia giảng bài, hướng dẫn sinh viên làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp.

“Trước khi xây dựng đề án mở ngành, chúng tôi đã khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, 100% các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng, đang cần tuyển dụng nhân lực phân tích dữ liệu, đặc biệt là nhân lực phân tích dữ liệu trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, viễn thông. Tổng hợp kết quả điều tra trên 20 doanh nghiệp được chọn ngẫu nhiên theo các lĩnh vực hoạt động khác nhau cho thấy, nhu cầu tuyển dụng hàng năm vào khoảng 320 nhân sự tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu. Như vậy, nếu tính trên cả nước, rộng ra là quốc tế, nhu cầu nhân lực cho ngành này không hề nhỏ” - TS Trần Mạnh Cường trao đổi.

Không lo thất nghiệp

Năm nay, Trường ĐH Bạc Liêu chính thức tuyển sinh ngành Nuôi tôm công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu phấn đấu trở thành “thủ phủ” của ngành nuôi tôm, vì thế “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Số lượng đào tạo có hạn, trong khi nhu cầu nhân lực của địa phương và vùng bán đảo Cà Mau rất lớn. Sinh viên ra trường không lo không có việc làm, thậm chí còn “đắt như tôm tươi”.

Theo đó, sau khi ra trường, các em có thể làm việc tại cơ quan quản lí Nhà nước như: Cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài, liên doanh, tư nhân chuyên về nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản xuất và chế biến thuỷ hải sản. Hoặc các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thuỷ sản, nuôi thủy sản công nghệ cao; Viện nghiên cứu liên quan đến ngành thủy hải sản và cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề…

Theo PGS Từ Diệp Công Thành, trong quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng một số môn học kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, với các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường nước, giảm chi phí, tăng tỷ lệ sống của tôm. Trong quá trình đào tạo, Trường ĐH Bạc Liêu sẽ kết hợp với doanh nghiệp để sinh viên có điều kiện được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Cùng với đó, nhà trường đã liên kết với các trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM; Trường ĐH Cần Thơ thông qua các chương trình trao đổi sinh viên… Từ đó, sinh viên được thực tập nghề nghiệp thực tế trong chương trình đào tạo…

Bên cạnh ngành được cho là “đón đầu” xu thế, một số trường đào tạo giáo viên đã bám sát nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực. TS Hoàng Nam – Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết: Hầu hết các ngành sư phạm đều được giao chỉ tiêu đào tạo 20 sinh viên. Có 3 ngành sư phạm đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, mỗi ngành được giao đào tạo 10 chỉ tiêu. Cụ thể là: Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn.

“Chúng tôi bám sát nhu cầu thực tế để đào tạo, tránh lãnh phí nguồn nhân lực và vật lực. Quá trình đào tạo sẽ bám sát vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, sinh viên ra trường sẽ tiếp cận được chương trình mới” – TS Hoàng Nam chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Vì là đào tạo theo nhu cầu thực tiễn nên các giáo sinh ra trường không lo thất nghiệp.

Nhà trường hướng đến phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên: Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, sắp xếp và đánh giá kết quả công việc chuyên môn; Làm việc độc lập, làm việc nhóm, có khả năng quản lí và lãnh đạo nhóm làm việc có hiệu quả; Thuyết trình, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống linh hoạt; Thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng giải pháp thay thế phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất…  - PGS Từ Diệp Công Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ