Nhiều chính sách cụ thể
Theo chỉ đạo của Chính phủ từ 1/1/2017 Bộ LĐ-TB&XH quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Tổng cục Dạy nghề đã chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về GDNN; Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm GDNN; quy chế tuyển sinh đào tạo; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; Quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo; quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình GDNN….
Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tuyển sinh 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg 600.000 người; trong đó hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật cho khoảng 20.000 người). Năm 2016, tổ chức thi tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo cho 1,931 triệu người trong đó cao đẳng, trung cấp khoảng 450.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,481 triệu người. Kết quả tuyển sinh năm 2016 đạt trên 92%. Do đó, năm nay, hy vọng kết quả tuyển sinh sẽ hoàn thành chỉ tiêu.
Sẵn sàng cho công tác tuyển sinh
Về công tác tuyển sinh, PGS. TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định, đây là công tác thường xuyên của tất cả các cơ sở đào tạo, chấp nhận cuộc cạnh tranh giữa các trường nghề, cạnh tranh với các trường CĐ, ĐH. Thu hút học sinh học nghề, các trường phải gắn học nghề với giải quyết việc làm, gắn học nghề với doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng phát triển kỹ năng nghề, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đưa phát triển kỹ năng sản xuất, dịch vụ vào đào tạo. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông tạo sự chuyển hóa nhận thức tích cực của xã hội đối với GDNN.
Một điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay là Bộ LĐ-TB&XH đã giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người học cũng như doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động. Các trường được tự chủ tối đa trong tuyển sinh nhưng phải đảm bảo nội dung tối thiểu mà Bộ LĐ-TB&XH quy định về ngành nghề đào tạo, thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh. Thời gian tuyển sinh của các trường được thực hiện một hay nhiều lần trong năm. Với trình độ trung cấp, các trường được tuyển học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên, trong khi trình độ cao đẳng được tuyển học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên.
Các trường được chọn hình thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Nội dung đề thi phù hợp với trình độ chung của thí sinh và thời gian làm bài quy định cho mỗi môn thi. Đề thi đạt được yêu cầu về kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình THPT (chủ yếu là chương trình lớp 12). Riêng với môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù, thực hiện theo quy chế tuyển sinh do hiệu trưởng ban hành.