Nơi ngôi trường là mái ấm

Nơi ngôi trường là mái ấm

Thế nhưng nói đến trường THCS Nguyễn Tri Phương mà chỉ khẳng định sự nổi trội về thành tích học tập thì chưa đủ. “Danh” Nguyễn Tri Phương thực sự toả sáng hơn trong phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Bắt đầu từ việc tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh.

Nhà trường luôn xem việc dạy học theo hướng đổi mới là nhiệm vụ hàng đầu. Và mỗi một học sinh, là một chủ thể có nhân cách, luôn được xem là trung tâm của quá trình dạy và học. Năm học 2008-2009, trường trực tiếp chỉ đạo lớp 9/4 xây dựng mô hình lớp học thân thiện và năm học 2009-2010 là lớp 6/2; bên cạnh đó mỗi tổ chuyên môn chỉ đạo phong trào một lớp. Sau một quá trình thực hiện nhiều chuyển biến tích cực đã được ghi nhận.

Do đặc điểm trường Nguyễn Tri Phương được tuyển chọn học sinh giỏi trên địa bàn toàn tỉnh nên chất lượng đầu vào tốt, ổn định. Nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo nguồn học sinh giỏi là nền tảng cho nguồn nhân lực cao của đất nước sau này. Nhờ đó mà trong những kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trường luôn dẫn đầu khối THCS. Kết quả kì thi học sinh giỏi và số lượng học sinh giỏi hằng năm đã thể hiện rõ hiệu quả giáo dục của nhà trường.

Hầu hết học sinh của trường đều là những học sinh rất tích cực, chủ động hăng say và hứng thú trong việc chiếm lĩnh kiến thức. Bên cạnh đó, trường còn rất chú trọng đến chất lượng mỗi giờ lên lớp của từng giáo viên thể hiện qua các khâu soạn, giảng, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả giờ học, kích thích, khơi gợi ở học sinh sự hiểu biết và niềm đam mê sáng tạo không ngừng.

Chi bộ Đảng, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng việc bồi dưỡng đội ngũ, quán triệt tư tưởng cán bộ đảng viên, giáo viên thực hiện tốt các cuộc vân động của ngành, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hoạt động dạy học với phương châm "Tất cả vì học sinh thân yêu".

Sự đổi mới thể hiện rõ qua từng giờ dạy, qua việc soạn bài và kiểm tra đánh giá.Ngoài ra, nhà trường còn kết hợp với các bộ phận, các tổ chuyên môn thành lập các câu lạc bộ như CLB kỹ năng, câu lạc bộ Tiếng Anh… nhằm tạo cho học sinh có điều kiện giao lưu, học tập và gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong một môi trường học tập thân thiện. Từ các hoạt động thiết thực nói trên, môi trường học tập của trường đã thật sự ngày càng thân thiện, an toàn và lành mạnh.

Việc "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" còn thể hiện ở các hoạt động ngoài giờ lên lớp như tổ chức sinh hoạt ngoại khoá HIV AISD, An toàn giao thông, tìm hiểu truyền thống anh bộ đội cụ Hồ 22/12... với các hình thức sáng tạo, phong phú, hấp dẫn thu hút nhiều học sinh tham gia như trả lời dưới cờ, rung chuông vàng...

Trong những hoạt động đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của cựu học sinh nhà trường. Bộ phận Đoàn Đội tổ chức các buổi tham quan, cắm trại nhân dịp 26/3, 30/4 nhằm giúp học sinh có điều kiện học hỏi, hiểu biết, cùng nhau vui chơi, sinh hoạt, phát triển trong tình thân ái chan hòa...

Những hoạt động, phong trào thể dục, thể thao được tổ chức thiết thực, phù hợp tâm lý lứa tuổi đã tạo nên trong học sinh sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình.Chẳng hạn, học sinh nữ độ tuổi lớp 6,7 rất hồn nhiên, phù hợp với những trò chơi vận động vừa khoẻ khoắn, vừa nữ tính như nhảy dây tập thể. Vì thế khi Đoàn Đội tổ chức, số lượng học sinh tham gia rất đông, để lại những dư âm tốt đẹp, tạo cho học sinh những giây phút thư giãn, thoái mái sau những giờ học căng thẳng.

Mùa hè năm học 2008-2009, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm huấn luyện TDTT tổ chức lớp bơi cho học sinh, thu hút 491 em tham gia. Ngoài ra, hằng năm nhà trường còn tổ chức giải bóng đá truyến thống cho học sinh khối 8,9 với những giải thưởng qui mô không kém những giải đấu chuyên nghiệp như: Giải Vua phá lưới, Giải phong cách...thu hút tất cả nam sinh. Nhìn gương mặt trẻ thơ phấn chấn sau những phút quần bóng trên sân, được chơi hết mình như thế, mới thấy hết được tác động tích cực của hoạt động thể thao.

Thể thao thực sự là sân chơi lành mạnh, đem lại sức khoẻ cho các em để các em phấn chấn hơn trên con đường học vấn.

Thầy trò nhà trường chú trọng các hoạt động xã hội từ thiện
Thầy trò nhà trường chú trọng các hoạt động xã hội từ thiện

Đối với học sinh ở các huyện trúng tuyển phải trọ học thì mái trường Nguyễn Tri Phương là một tổ ấm thứ hai. Ban giám hiệu cùng Công đoàn nhà trường đã vận động mỗi giáo viên nhận chăm sóc một em học sinh ở huyện có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ động viên về mọi mặt, giúp các em yên tâm học tập.

Nhà trường còn tạo cho học sinh thói quen thể hiện tính tích cực trong mọi hoạt động. Các em được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, được đề xuất ý kiến với Ban giám hiệu, giáo viên bộ môn thông qua các buổi gặp mặt ban cán sự lớp, chi đội, viết phiếu phản hồi hai lần một tháng...Những việc làm như thế sẽ tạo cho các em sự chủ động, tự tin đồng thời các em cũng có ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân đối với trường lớp.Về phía nhà trường, thông qua phản hồi của học sinh để kịp thời điều chỉnh và tạo sự chuyển biến tích cực, phù hợp.

Việc giáo dục học sinh vi phạm kỉ luật cũng được nhà trường tiến hành cương quyết nhưng nhẹ nhàng, tế nhị. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và ban công tác học sinh đã phối hợp đồng bộ để kịp thời tư vấn, giúp đỡ các em nhận ra khuyết điểm, không tự ti, mặc cảm.

Trong năm học 2008-2009, câu chuyện về một em học sinh lớp 9 của trường vẫn đọng lại trong mỗi thầy cô giáo và học sinh những ấn tượng đẹp, nhân văn trong việc giáo dục học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Em H. là một học sinh có sức học khá tốt, có ý thức và đặc biệt là rất tự trọng.Tuy nhiên, qua tìm hiểu, vào khoảng cuối năm em học lớp 7, gia đình xảy ra nhiều biến cố bất ổn.Từ đó, em đã tỏ ra chán nản, bất cần, thường xuyên nghỉ học không có lý do...Qua tư vấn của ban công tác học sinh, đặc biệt là sự quan tâm kịp thời của giáo viên chủ nhiệm, sự động viên của bạn bè, em đã có những chuyển biến tích cực. Em đi học chuyên cần hơn, biết lắng nghe thầy cô khuyên bảo,em còn thổ lộ với giáo viên những tâm tư, khúc mắc, chia sẻ với bạn bè những nỗi niềm tâm sự... Em đã thật sự tin cậy và cảm thấy ấm áp, thân thiện khi ở bên thầy cô, bạn bè. Ban giám hiệu nhà trường đã kịp thời bố trí riêng cho em một lịch kiểm tra bổ sung những môn còn thiếu. Và một tin vui đã đến khi kết quả tuyển sinh vào lớp 10 công lập em H. đã đỗ vào trường THPT Nguyễn Huệ - một ngôi trường chất lượng cao dạy học tốt khối THPT của tỉnh nhà.

Có thể nói, đằng sau những bước chân vào đời vững vàng của cá em, có một tổ ấm thân thương luôn vỗ về, nâng đỡ, trao cho các em niềm tin và nghị lực. Trường Nguyễn Tri Phương thực sự đã là một tổ ấm để đến lúc ra trường, các em vẫn mãi khắc ghi những kỷ niệm đẹp đẽ về những ngày tháng học tập, sinh hoạt dưới mái trường thân yêu.

Nhiều hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
 Nhiều hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Ngoài ra, nhà trường còn rất chú trọng đến công tác xã  hội từ thiện. Các chương trình hành động thiết thực, cụ thể như giúp đỡ trẻ em ở trung tâm khuyết tật, thăm hỏi, tặng quà Hội người mù ở đường Mai Thúc Loan, hỗ trợ học sinh trường Tiểu học Ngự Bình, trường mẫu giáo Phú An, ủng hộ các bạn học sinh THCS thị trấn A Lưới, quyên góp giúp đỡ học sinh gia đình chính sách, khó khăn, vùng bị thiên tai lũ lụt...

Những hoạt động hướng đến cộng đồng như vậy thực sự là bài học nhân ái sâu sắc và có ý nghĩa đối vói tâm hồn trẻ thơ. Trường đã tìm được một số học bổng, kịp thời trao cho các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn như là lời động viên khích lệ chân thành nhất cho những nỗ lực không ngừng của các em: học bổng quỹ Huế học, học bổng của PGS-TS Tạ Phương Hòa và GS Hoàng Trọng Thụy, học bổng của cố PGS-TS Phạm Anh Minh.

Đến với trường THCS Nguyễn Tri phương Huế vào mùa khai trường, hay dịp hè sẽ bắt gặp hình ảnh các em học sinh nhiều quốc tịch nắm tay nhau múa hát, sinh hoạt, vui chơi, giao lưu học tập trên sân trường. Đó chính là một nét đẹp về hoạt động đối ngoại của trường trong chương trình"Giao lưu học tập và phục vụ cộng đồng" giữa trường Nguyễn tri Phương và học viện Raffles Singapore, Trường Nữ trung học Raffles Singapore.

Một điều đáng ghi nhận nữa trong việc thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" ở trường THCS Nguyễn Tri Phương phải kể đến là cách ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Đối mặt với dịch cúm AH1N1 vừa qua, nhà trường đã trang bị phòng cách ly để kịp thời có biện pháp phòng lây nhiễm khi học sinh có biểu hiện bệnh.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh trường lớp cũng được triển khai đồng bộ. Nhà trường đã kêu gọi tất cả các giáo viên chủ nhiệm phân công học sinh trực nhật đến lớp sớm 30 phút để lau bàn ghế bằng nước sát trùng, bảo đảm môi trường học tập sạch sẽ, thoáng đãng. Chứng kiến cảnh thầy cô giáo cùng học sinh đeo khẩu trang, găng tay tích cực vệ sinh trường lớp trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả lũ lụt… mới thấy hết tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của mỗi một thành viên trong mái nhà thân thiện này.

Trường học thân thiện không chỉ được bắt đầu từ quan hệ thầy trò mà còn được mở ra từ quan hệ giữa thầy với thầy trong nhà trường. Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn hết sức quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Tình cảm đồng nghiệp giúp nhau những lúc đau ốm, sự thân thiện giữa giáo viên người Nhật và Hội đồng sự phạm…là những điều đáng trân trọng truyền thống của nhà trường, đồng thời cũng là biểu hiện đẹp đẽ của nhà trường học thân thiện.

Trên đây chỉ mới là những nét phác thảo về những hoạt động trong rất nhiều những hoạt động nổi bật của trường THCS Nguyễn Tri Phương nhằm thực hiện phong trào" Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Thiết nghĩ, đấy không phải là một phong trào nhất thời, ngày một ngày hai mà là một cuộc cách mạng giáo dục cần thiết để đưa nền giáo dục của đất nước lên một tầm cao mới, văn minh hơn, nhân bản hơn. Mỗi ngôi trường là một mái nhà thân thiện, nơi đó các em học sinh được thể hiện mình tốt nhất, trọn vẹn nhất… Sao cho mỗi ngày đến trường của các em thực sự là một ngày vui.

Huế, tháng 01/2010

NTP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.