Tuyển sinh ĐH, CĐ 2019: Nhiều thí sinh mạnh dạn thay đổi nguyện vọng

GD&TĐ - Sau khi chính thức biết điểm thi THPT quốc gia 2019, nhiều thí sinh ở Nghệ An đã đến các điểm tiếp nhận để thay đổi nguyện vọng. Xu hướng chính là điều chỉnh nguyện vọng phù hợp sở thích ngành nghề, năng lực của bản thân và cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Thí sinh đến thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng
Thí sinh đến thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

Thay đổi nguyện vọng theo điểm thực tế

Ngay trong ngày đầu tiên được thay đổi nguyện vọng, thí sinh Nguyễn Khắc Hoàng Vũ – nguyên HS lớp 12A5, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh đã điều chỉnh ngành đăng ký. Trước đó, Vũ chọn xét tuyển nguyện vọng 1 vào Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Nhưng nay em quyết định thay đổi sang Khoa Công nghệ thông tin (Chất lượng cao – Ngoại ngữ Nhật) dù điểm trúng tuyển vào khoa này có thể cao hơn khoa cũ.

Nam sinh cho hay: “Em tìm hiểu thì được biết học khoa này có nhiều cơ hội để làm việc ở nước ngoài sau khi ra trường. Thời điểm đăng ký nguyện vọng ban đầu, do chưa tự tin về điểm số đạt được nên em chọn phương án an toàn vào Khoa Quản trị kinh doanh. Còn bây giờ biết điểm rồi nên em tự tin hơn để đăng ký vào khoa mình yêu thích”.

Trước đó, qua tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh có 32.413 nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, Trường Đại học Vinh có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với 9.279 nguyện vọng. Tiếp đó là các trường Đại học: Kinh tế Quốc dân: 4.118 nguyện vọng, Bách khoa Hà Nội: 3.822 nguyện vọng, Công nghiệp Hà Nội: 2.738 nguyện vọng, Kinh tế Đà Nẵng: 2.260 nguyện vọng. Các trường còn lại của Nghệ An như Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có khoảng 300 – 1.700 nguyện vọng.

Hoàng Vũ cũng cho biết thêm, trong lớp em có khoảng 35/42 bạn dự kiến sẽ thay đổi nguyện vọng. Đây là điều bình thường vì trước khi thi, các bạn đều cân nhắc giữa nguyện vọng và năng lực của mình; trong đó, dựa vào điểm của các lần thi thử và điểm tổng kết trung bình môn học để quyết định xem sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành nào.

Trong khi đó, Đoàn Văn Kiên một thí sinh tự do lại thay đổi hoàn toàn nguyện vọng. Kiên vốn là học sinh Trường THPT Đô Lương 1, cách đây 3 năm từng thiếu điểm vào ĐH nên em đi nghĩa vụ công an. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Kiên tiếp tục nuôi ước mơ ĐH và đăng ký thi THPT quốc gia với nguyên vọng duy nhất vào Khoa CNTT, Trường ĐH Vinh.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, với kết quả thi khá cao 26,8 điểm (khối D1), Kiên thay đổi nguyện vọng vào ngành Kinh tế đối ngoại – Trường Đại học Ngoại ngữ. “Em ước mơ vào ngành này từ lâu rồi, nhưng sau 3 năm gián đoạn đi nghĩa vụ công an, em không tự tin mình theo kịp kiến thức so với các bạn vừa học xong lớp 12. Lúc biết điểm em rất mừng và chờ đến ngày để được đổi nguyện vọng, vì năm ngoái khoa này chỉ lấy khoảng hơn 24 điểm” - Kiên chia sẻ.

Bổ sung nguyện vọng

Khác với nhiều bạn thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm, Nguyễn Ngọc Toản (Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh) lại bổ sung thêm khối xét tuyển. Cụ thể, trước đó, em đăng ký nguyện vọng 1 khối D1 (Toán – Văn – Anh) vào ngành Ngôn ngữ Anh – Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, em đăng ký thêm 1 nguyện vọng nữa, vào cùng khoa, cùng trường nhưng với tổ hợp môn D96 (Toán – Khoa học Xã hội – Tiếng Anh). “Khoa Ngôn ngữ Anh của trường xét tuyển 3 tổ hợp môn là D1, D78 và D96. Trong đó, tổ hợp môn D96 của em điểm cao hơn D1, nên em bổ sung thêm nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển”, Toản cho biết.

Theo thầy Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật: Trong 2 ngày qua, có một số thí sinh đã đến trường để điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển ĐH. Qua tìm hiểu, các em đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng về sở thích cũng như năng lực của bản thân. Điểm thi chính thức là một căn cứ quan trọng để các em so sánh, đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Về phía nhà trường đã cắt cử các bộ phận trực, chuẩn bị máy tính kết nối mạng Internet để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh thay đổi nguyện vọng.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được thay đổi nguyện vọng từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7. Có hai cách để thay đổi nguyện vọng là trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển ở các điểm tiếp nhận. Theo thầy Phan Xuân Phàn: Hình thức trực tuyến khá thuận lợi và không có hiện tượng nghẽn mạng nhưng thí sinh vẫn lựa chọn cách thứ 2 khá nhiều. Lý do các em không chỉ thay đổi nguyện vọng, mà còn thay đổi ưu tiên và đăng ký thêm các nguyện vọng. Trong khi đó, với hình thức trực tuyến, thí sinh chỉ được chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ