Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Hướng đến thuận lợi, công bằng cho thí sinh

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ theo hướng để thí sinh được phép chọn 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung, mỗi trường chọn 2 ngành theo thứ tự ưu tiên.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Hướng đến thuận lợi, công bằng cho thí sinh

Điều chỉnh này giúp các em được chọn ngành học theo sở thích hơn là chọn một chỗ để vào học đại học theo ngành mà mình không thật thích thú.

Khắc phục những hạn chế của mùa tuyển sinh năm 2015

Quan điểm trong việc xây dựng Qui chế tuyển sinh năm 2016 được lãnh đạo Bộ GD&ĐT quán triệt theo nguyên tắc những gì đã làm tốt năm 2015 thì năm nay làm tốt hơn, những gì còn bất cập năm 2015 thì khắc phục triệt để, còn những gì không cần thiết phải thay đổi thì giữ nguyên để đảm bảo ổn định tâm lý thí sinh.

Theo đó, tinh thần chung là năm nay thí sinh tiếp tục đăng ký xét tuyển sau khi đã có kết quả thi. Thí sinh có thể tham khảo kết quả xét tuyển vào các trường khác nhau để cân nhắc, lựa chọn việc đăng ký xét tuyển phù hợp với kết quả thi của mình.

Dự thảo Quy chế cho phép thí sinh được phép chọn 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung, mỗi trường chọn 2 ngành theo thứ tự ưu tiên.

Điều này giúp các em được chọn ngành học theo sở thích hơn là chọn một chỗ để vào học đại học theo ngành mà mình không thật thích thú. Đây là điều mà nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng sẽ khắc phục hạn chế của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 này, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu chung để các trường truy cập khi xét tuyển. Khi có kết quả xét tuyển các trường cập nhật lên hệ thống để loại trừ danh sách thí sinh đã trúng tuyển để xét tuyển các đợt tiếp theo.

Hệ thống sẽ từ chối nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vượt quy định. Các trường chủ động qui định phương thức xét tuyển giữa các nguyện vọng thí sinh đã đăng ký. Nhiều chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao cách thức này khi cho rằng việc Bộ cung cấp cơ sở dữ liệu chung để các trường truy cập khi xét tuyển.

Đảm bảo công bằng trong tuyển sinh

Theo TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Dự thảo quy định đối với những trường tuyển sinh theo nhóm trường, sự lựa chọn ngành học phù hợp với sở trường của thí sinh còn đa dạng hơn, đây là thuận lợi lớn cho thí sinh.

Ngoài ra, việc cung cấp cơ sở dữ liệu chung để các trường cũng sử dụng cũng như cho phép thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng qui định của mình để chọn ngành học yêu thích ở các trường khác nhau trong nhóm, cũng như việc lập nhóm xét tuyển không chỉ có lợi cho thí sinh, mà còn giúp các nhà trường loại bỏ được thí sinh ảo là lo lắng hàng năm của không ít trường.

Đại diện nhiều nhà trường cũng đồng tình với việc dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ không qui định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn hay bằng điểm xét tuyển đợt trước.

Như vậy, sẽ giúp các trường chủ động cân chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển, khắc phục tình trạng các trường tốp trên nhận hồ sơ từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, gây phức tạp cho công tác tuyển sinh chung.

Nhiều quan điểm cũng đồng tình với việc Quy chế thu hẹp dần, diện được hưởng ưu tiên cao như dự thảo qui định để được hưởng nhóm ưu tiên 1 thì thí sinh công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số phải có hộ khẩu thường trú 18 tháng trở lên trong thời gian học THPT tại các xã khu vực 1, nhưng những đối tượng thí sinh vùng còn khó khăn, con em dân tộc vẫn cần được duy trì mức chênh lệch điểm ưu tiên như những năm trước để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Thí sinh dự tuyển vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ của quân đội đều phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào các trường và phải tham dự Kỳ thi THPT quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Quy định chung: Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội hiện đang học tại cơ sở giáo dục nào thì đăng ký dự thi tại cơ sở giáo dục đó; Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại địa điểm do các Sở GD&ĐT quy định;

Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ sẽ làm thủ tục và đăng ký dự thi tại địa điểm của thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2015 trở về trước) do các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố nơi đơn vị quân nhân đang đóng quân quy định.

Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT phải dự thi các môn thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi (tổ hợp các môn thi) để xét tuyển đại học, cao đẳng do các trường đại học, cao đẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự Kỳ thi THPT quốc gia chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, đăng ký dự các môn thi theo quy định của các trường đại học, cao đẳng đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, thông tin về tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội sẽ được đăng trên các trang thông tin điện tử Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng và tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh quân sự năm 2016”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ