Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Tỉnh táo trong cuộc đua xét tuyển

GD&TĐ - Hôm nay (1/8), các trường ĐH sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Đây có thể xem là thời điểm quyết định với nhiều thí sinh. 

Mỗi thí sinh hãy cân nhắc trước các phương án tuyển sinh của các trường để có quyết định đúng
Mỗi thí sinh hãy cân nhắc trước các phương án tuyển sinh của các trường để có quyết định đúng

Năm nay, do có nhiều thay đổi trong tuyển sinh theo hướng chủ động hơn cho thí sinh (biết điểm mới nộp đơn xét tuyển) nên có thể nói cơ hội cho từng thí sinh là rất lớn. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh cần phân tích điểm chuẩn từng trường, lựa chọn ngành học, sở thích, cũng như theo dõi các phương thức xét tuyển trực tuyến một cách thường xuyên để có thể trúng tuyển ngay đợt đầu xét tuyển.

Nguyên tắc công bằng đã được đảm bảo

Theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 1/8 - 20/8, thí sinh chỉ được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển NV1 để đăng ký. 

Thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 - 4. Trong thời hạn 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng kí ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác. Thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Từ những đổi mới trong tuyển sinh như trên trong năm nay, PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng: Công tác tuyển sinh ĐH năm nay tạo sự công bằng tuyệt đối dựa vào điểm thi của từng thí sinh. 

Sẽ không còn xảy ra tình trạng đậu ĐH nhờ may mắn hoặc rớt do xui xẻo. Thí sinh nào có điểm càng cao thì càng có nhiều ưu thế vào ngành mình ưa thích, thí sinh điểm thấp thì kém ưu thế hơn.

Ông phân tích: “Như trước đây, thí sinh phải chọn ngành trước khi mình thi, tức là các em không biết điểm của mình là bao nhiêu nên không thể thực hiện nguyên tắc “liệu cơm gắp mắm” được. 

Chính vì vậy, việc đậu hay rớt mang sự rủi ro lúc mình chọn. Còn năm nay, mọi thứ rõ ràng, ai cũng có quyền chọn phương án mà thấy mang lại thuận tiện cho mình, nó làm cho mình dễ đậu nhất, đồng thời không bị yếu tố rủi ro chi phối nữa. 

Điều đó thể hiện sự công bằng, người được đậu hay không tuỳ theo năng lực của họ, năng lực được thể hiện rất rõ ràng”.

Hiện nay, theo quy định trong khoảng thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển, dù thí sinh nộp hồ sơ sớm hay muộn thì đều có giá trị xét tuyển như nhau. 

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thí sinh cần phải tỉnh táo và đưa ra những phân tích, lựa chọn ngành nghề theo sở thích một cách đúng đắn, bởi nếu không lựa chọn ngành phù hợp năng lực, điểm số cạnh tranh, các em có thể phải trả giá.

Thầy Xê phân tích: Có thể năm nay sẽ xảy ra tình trạng một số thí sinh nhất là ở khu vực TP, chưa vội nộp hồ sơ ngay mà sẽ nghe ngóng, xem xét tình hình nộp hồ sơ ở các trường, sau đó khi cầm chắc cơ hội đậu ở một trường nào đó, sẽ ồ ạt nộp hồ sơ vào các ngày cuối, thành ra có những em nghĩ mình đậu có thể sẽ rớt bởi xuất hiện tình trạng “lật ngược thế cờ” vào giờ chót.

Chính vì thế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đưa ra lời khuyên, Các thí sinh cần phải lường trước tình huống “cờ tàn” này, các em dù điểm cao cũng đừng chủ quan mà vẫn phải hết sức lưu ý. 

Với việc được lựa chọn 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, khi chương trình tuyển sinh chạy, nếu không trúng tuyển ưu tiên 1 phần mềm sẽ chạy ưu tiên 2, ưu tiên 3 và 4 nên khả năng trúng tuyển của các em rất cao. 

Nhưng trúng tuyển vào ngành mà các em yêu thích là ưu tiên 1 thì cũng chưa chắc. Tôi khuyên một điều là, các em có trúng tuyển ưu tiên thấp hơn thì cũng nên đi học vì không còn con đường nào khác. Bởi nếu các em trúng tuyển đợt đầu, cơ sở dữ liệu sẽ khóa lại và không cho thí sinh nộp vào trường khác nữa”.

Cân nhắc chọn ngành cho phù hợp

Một vấn đề cũng quan trọng không kém đối với thí sinh trong thời điểm này, đó là việc chọn ngành nghề phù hợp cho mình để điền vào hồ sơ đăng ký xét tuyển. 

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm - nhắc lại một kết quả nghiên cứu các năm trước về hướng nghiệp, đó là có đến 30% sinh viên mong muốn được thi lại đại học vào năm sau, hoặc khi tốt nghiệp ra trường cũng có một tỉ lệ khá lớn các em phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung… cho thấy hướng nghiệp luôn luôn là một vấn đề gắn bó mật thiết với việc chọn ngành, chọn trường.

Để tránh rơi vào trường hợp này, các em cần chọn lựa ngành nghề sao cho phù hợp để tránh sự thay đổi giữa chừng. Điều này cũng có nghĩa, nếu như trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển, nếu có mong muốn rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các em cũng nên nhớ ngành mới mà các em chọn cũng phải tương đồng với sở thích nghề nghiệp ban đầu của mình. 

“Vấn đề quan trọng nhất, các em cân nhắc làm sao việc rút hồ sơ để thay vào một nguyện vọng hoặc là một sự thay đổi nào đó chỉ là vấn đề về mặt kỹ thuật, chứ nếu sự thay đổi về mặt hướng nghiệp, tức là mình chọn cho mình sự thay đổi ngành học khác xa hoàn toàn so với ngành học mình đã đăng ký trước đó, điều này các em hết sức cân nhắc. 

Những sự thay đổi về mặt kỹ thuật hay nghiệp vụ, các trường sẽ hỗ trợ các em một cách tối đa. Nhưng các em phải xác định rõ nguyện vọng, sở trường chính đáng của mình là ngành nào” - TS Lý lưu ý.

Nói về tính ưu việt của phương thức xét tuyển năm nay, TS Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM - nói: Có thể so sánh việc nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 năm nay, cũng giống như xét tuyển nguyện vọng 2 các năm trước. 

Thí sinh so sánh thứ tự của mình trong danh sách với chỉ tiêu của ngành đó để đoán mình có khả năng đậu hay không để có quyết định giữ nguyên ở ngành đó hay chuyển sang ngành khác để có khả năng đậu cao hơn. 

Với thông tin rõ ràng về điểm, sự tự do trong thay đổi ngành xét tuyển sẽ dẫn đến các “ngành hot” sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm trước, ngành kém hấp dẫn sẽ có điểm chuẩn thấp hơn. 

Vì vậy, điều quan trọng là các em cần theo dõi, phân tích, lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình của mình để có cơ hội trúng tuyển cao.

Từ thực tế tưởng dễ mà khó, khó nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tay và sự tính toán của thí sinh nên theo lời khuyên của các chuyên gia, thí sinh cần nghiên cứu trở lại điểm thi của mình, điểm chuẩn của các trường với khả năng mình có, để suy tính xem nên nộp vào trường nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ