Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Đa dạng các hình thức xét tuyển

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đến thời điểm này, trên cả nước chỉ duy nhất có Đại học Quốc gia Hà Nội là chính thức tuyển sinh qua bài thi đánh giá năng lực của thí sinh.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Đa dạng các hình thức xét tuyển

Các trường đại học khác từ tốp đầu, tốp giữa cho đến tốp dưới đều đã công bố các phương án tuyển sinh riêng, tất cả đều xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều ngành học đã được đưa ra để thí sinh tham khảo có sự lựa chọn tối ưu cho mình.

Học viện Ngân hàng đầu tiên thông báo sẽ xét tuyển dựa theo kết quả của Kỳ thi quốc gia chung, chỉ ở cụm thi do các đại học tổ chức.

Tổ hợp nằm trong số các trường khối kinh tế môn thi được trường này đưa ra tương ứng với các khối thi những năm trước gồm: A, A1, D1.

Tiêu chí đầu tiên để xét tuyển vào Học viện Ngân hàng là thí sinh phải có điểm trung bình chung mỗi môn tương ứng với khối thi đại học trong cả 3 năm THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào, tuyển chọn được thí sinh giỏi toàn diện một cách chính xác, việc sơ tuyển học bạ cũng đặt ra đối với trường này.

Đại học Ngoại thương cũng thông báo năm 2015 sẽ xét tuyển đầu vào dựa trên kết quả Kỳ thi quốc gia của cụm thi do các đại học tổ
chức.

Trường này cũng đưa ra tiêu chí đầu tiên để sàng lọc hồ sơ thí sinh đăng ký vào trường là phải có điểm tổng kết trung bình cả ba năm THPT từ 6,5 điểm trở lên và hạnh kiểm từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ loại Khá trở lên.

Những thí sinh qua vòng sơ tuyển, trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả tổng điểm 3 môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia tương ướng theo từng khối thi. Điểm trúng tuyển xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi.

Đại học Y Hà Nội là trường luôn có điểm trúng tuyển cao nhất nước cũng đã quyết định sẽ tuyển sinh dựa trên kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia với 3 môn Toán, Hóa, Sinh tương ứng với khối thi vào trường.

Tuy nhiên, trường sẽ tiến hành sơ tuyển đầu vào với tiêu chí tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước) của mỗi môn: Toán, Hóa, Sinh phải trên 7 đối với hệ bác sĩ và trên 6 đối với hệ cử nhân.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh trong mùa tuyển sinh năm 2015, nhưng trường sẽ bổ sung tổ hợp các môn cho một số ngành, trên cơ sở môn thi truyền thống.

Ví dụ, ngành Kỹ thuật Hóa học ngoài thi khối A như năm trước, sẽ thi thêm khối thi A3 (Toán, Hóa, Tiếng Anh). Ngành Công nghệ thực phẩm, ngoài thi khối A sẽ thêm khối B cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.

Được biết, cũng như năm trước Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục sơ tuyển từ vòng hồ sơ, thí sinh sẽ bị loại nếu tổng điểm trung bình trong 6 học kỳ của 3 môn thi (tương ứng với từng ngành) không đạt 20 điểm.

Học viện Báo chí & Tuyên truyền sẽ sử dụng kết quả của Kỳ thi quốc gia chung để xét tuyển vào trường năm 2015 này.

Trường thực hiện sơ tuyển ngay từ vòng nộp hồ sơ, thí sinh đăng ký vào trường phải có điểm tổng kết trung bình 2 học kỳ lớp 11, một học kỳ lớp 12, trung bình cộng điểm thi tốt nghiệp THPT phải đạt từ 6,5 trở lên

Trường xét tuyển ở 3 nhóm ngành: Báo chí, Khoa học chính trị và Thông tin đối ngoại.

Nhóm Khoa học chính trị, thí sinh được chọn một trong ba môn: Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ làm môn thi thứ ba.

Nhóm Thông tin đối ngoại xét tuyển hai môn chính là Ngữ văn và Tiếng Anh (nhân hệ số 2), môn thứ ba thí sinh tự chọn trong các môn: Toán, Lịch sử, Địa lý.

Nhóm ngành Báo chí có môn xét tuyển bắt buộc là Văn, môn tự chọn gồm Toán, Lịch sử, Tiếng Anh. Môn thi thứ ba của nhóm ngành này là Năng khiếu báo chí do học viện tự ra đề, tổ chức chấm thi, thi tại trường.

Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đầu tiên trong năm 2015 này thực hiện tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực thí sinh. Đây là cách thức trường này đã thực hiện thành công trong tuyển sinh sau đại học nhiều năm nay, năm 2014 trường này cũng thí điểm cho thí sinh dự thi vào các hệ kỹ sư tài năng, chương trình tiên tiến.

Năm 2015 này, thí sinh dự thi vào ĐHQG Hà Nội sẽ phải làm 1 bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung.

Bài thi theo dạng này bao quát những lĩnh vực kiến thức cơ bản của môn Toán học, môn Ngữ văn, các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của bậc THPT nhằm đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy của người học, với thang điểm 140, thời gian làm bài là 195 phút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.