(GD&TĐ) - Kỳ tuyển sinh 2013, nhiều trường ĐH, CĐ chỉ để một khe hẹp dành xét tuyển thẳng cho thí sinh huyện nghèo với việc đưa ra tiêu chí khá cao và mức chỉ tiêu thấp.
Tiêu chí khắt khe
Trường ĐH Công đoàn năm 2013 xét tuyển thẳng thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (HS học PTDTNT tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKXT; thí sinh là người dân tộc rất ít người và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Tuy nhiên điều kiện xét tuyển được ghi rõ: Chỉ những thí sinh có học lực các năm lớp 10, 11, 12 đạt loại giỏi; tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi mới được xét tuyển thẳng vào các ngành bậc ĐH. Trường hợp xét tuyển vào các ngành bậc CĐ phải đạt học lực 3 năm cấp THPT loại khá và tốt nghiệp THPT đạt loại khá.
ĐH Thương mại đưa ra tiêu chí nhẹ hơn, đó là xếp loại học tập các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT từ loại khá trở lên. Tuy nhiên, trường chỉ dành một số lượng rất ít, không vượt quá 1% chỉ tiêu tuyển sinh theo từng chuyên ngành đào tạo. Trường hợp số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào chuyên ngành nào đó vượt quá 1% chỉ tiêu, trường sẽ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT từ cao đến thấp; trường hợp đặc biệt do hiệu trưởng xem xét quyết định.
Những tiêu chí của các trường đưa ra khép dần cánh cửa tuyển thẳng đối với học sinh huyện nghèo |
Học viện Chính sách và Phát triển năm 2013 yêu cầu đối tượng xét tuyển thẳng phải có học lực 3 năm THPT đạt khá trở lên, trong đó 3 môn học lớp 12 tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào Học viện, mỗi môn phải đạt điểm 8 trở lên và hạnh kiểm đạt loại tốt thì mới được tham gia xét tuyển.
Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) chỉ xem xét, quyết định xét tuyển thẳng vào học thí sinh huyện nghèo khi các em có học lực ba năm cấp 3 đạt loại giỏi và xếp loại tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng chỉ có 5 em, trong đó ngành Luật học 3 và ngành Luật Kinh doanh 2 em. Trường hợp thí sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu công bố, Khoa sẽ xét điểm trung bình chung của lớp 12 của các môn học Toán, Vật lý, Hóa học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và lấy từ điểm cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2013 chỉ xét tuyển thẳng thí sinh diện nghèo theo quy định không quá 2% tổng chỉ tiêu ĐH chính quy. Đối tượng này phải tốt nghiệp THPT loại khá trở lên.
Một số trường ĐH tuy không quy định điều kiện cho đối tượng thí sinh huyện nghèo nhưng ghi rõ những thí sinh này sau 1 năm học dự bị phải đạt kết quả theo quy định mới được xét tuyển vào học chính thức.
Nhiều trường không mặn mà
Các trường cho rằng, chủ trương xét tuyển học sinh các huyện nghèo vào thẳng ĐH, CĐ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khi thực hiện nhà trường gặp không ít khó khăn, như chất lượng học sinh không đồng đều; số lượng thí sinh ít rất khó tổ chức dạy học; nhiều em đủ điều kiện nhưng không đi học vì không có điều kiện tài chính do phải học thêm 1 năm dự bị... Chính những khó khăn thực tiễn này khiến cách trường không mặn mà xét tuyển thẳng
NGND.GS.TS Lương Xuân Hiến - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình cho biết: Năm 2012, trường chưa có chủ trương nhưng sẽ thực hiện xét tuyển thí sinh huyện nghèo trong kỳ tuyển sinh 2013 mặc dù biết sẽ có nhiều khó khăn. Số lượng thí sinh trường tuyển chỉ khoảng vài chục em với tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT loại khá trở lên. Văn bản thông báo xét tuyển sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo GS Lương Xuân Hiến, việc các trường đưa ra điều kiện quá cao như học sinh phải đạt loại giỏi, thi tốt nghiệp loại giỏi thực chất là làm khó học sinh. Nếu đạt được mà nhiều trường đưa ra, các học sinh huyện nghèo chắc sẽ đậu vào ĐH mà không cần đến chính sách ưu tiên trong tuyển sinh.
Hiếu Nguyễn