(GD&TĐ) - Theo số liệu thống kê của Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH,CĐ năm 2013 là 1.710.983 bộ giảm 6% tương đương với gần 100.000 bộ hồ sơ so với năm 2012.
Trong đó, hồ sơ dự thi ĐH chiếm 79% (1.343.656 hồ sơ), hồ sơ dự thi CĐ chiếm 21% (367.327 hồ sơ). Theo thống kê của Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, nhóm ngành khoa học giáo dục tăng 3,1%; khoa học sức khỏe tăng 1,7%; công nghệ kỹ thuật tăng 0,5%; môi trường và bảo vệ môi trường tăng 1,4%; nông, lâm, thủy sản tăng xấp xỉ 0,3%.
Đã có định hướng
Trong tổng số 1.710.983 hồ sơ ĐKDT thu nhận được thì lượng hồ sơ đăng ký dự thi khối A1 và B tăng hơn khối A và C. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ khối A là 39,1% (năm 2012 47,2%); khối C là 6% (giảm 0,2% so với năm 2012); khối A1 đạt 10,2% (tăng 5% so với năm 2012); khối B đạt 23,2% (tăng 1,9% so với năm 2012). Ở khối thi cao đẳng lượng hồ sơ ĐKDT giảm đáng kể tới 13% so với năm 2012 ở khối A; các khối khác thì có tỷ lệ tăng từ 0,3% đến 3,7%. Nhóm ngành Khoa học giáo dục tăng 3,1%; Khoa học sức khỏe tăng 1,7%, Công nghệ kỹ thuật tăng 0,5%; Môi trường và bảo vệ môi trường tăng 1,4%; Nông, lâm, thủy sản tăng xấp xỉ 0,3%.
Trong đào tạo liên thông, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo liên thông mới bắt buộc thí sinh phải thi cùng với hệ chính quy, thí sinh phải có thời gian làm việc nhất định mới được ĐKDT và chỉ tiêu liên thông CĐ, ĐH chính quy giao cho các trường được xác định trong tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy của trường chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu. Thống kê cho thấy ở kỳ thi tuyển sinh liên thông theo quy chế mới, tổng số hồ sơ liên thông là 16.710, trong đó liên thông lên ĐH là 13.295; liên thông lên CĐ là 3.415.
Thí sinh dự thi môn năng khiếu |
Theo đánh giá của Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, số hồ sơ ĐKDT vào nhóm ngành Kinh tế và quản lý đã giảm 10,5% so với năm 2012, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi theo nhóm ngành là 19,9%. Tỷ lệ hồ sơ ĐKDT như vậy đã phần nào đáp ứng được định hướng của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật... Lượng hồ sơ giảm đáng kể như vậy cũng cho thấy công tác hướng nghiệp trong các nhà trường được thực hiện tốt, người học, xã hội đã thực tế hơn.
Trường ngoài công lập giảm hồ sơ
Trường Đai học Thành Tây năm 2013 này được giao chỉ tiêu đào tạo là 900 nhưng mới nhận được hơn 330 bộ hồ sơ. Trường Đại học Hà Hoa Tiên tiếp tục lặp lại điệp khúc khó khăn khi chỉ tiêu được giao là 900 nhưng cũng chỉ mới nhận được 600 bộ hồ sơ ĐKDT, trong đó có tới 300 bộ hồ sơ ĐKDT là của thí sinh dự thi nhờ. Được biết, năm 2012, trường chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu trên tổng số 900 chỉ tiêu Bộ giao. Trong số các trường mới thành lập, có vẻ như được xã hội chú ý nhiền nên Trường Đại học Đại Nam đã nhận được hơn 700 bộ hồ sơ tương đương với năm trước.
Nhìn vào lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường ngoài công lập ở khu vực phía Bắc cho thấy một điều là sức hút của hệ thống trường này đang rất yếu. Chỉ một số ít các trường có thương hiệu, hoạt động ổn định như Đại học Thăng Long, Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.... còn nhiều trường rơi vào khó khăn. Như Đại học dân lập Hải Phòng, cho dù thành lập cũng khá lâu nhưng năm nay gánh nặng tuyển sinh không hết chỉ tiêu đang đè lên vai nhà trường. Theo ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Đại học dân lập Hải Phòng, hiện trường nhận được 1.400 bộ hồ sơ ĐKDT thấp hơn năm trước. Để tuyển sinh hết chỉ tiêu được giao, chắc chắn trường cũng chỉ lấy điểm chuẩn vào trường bằng điểm sàn.
Trông chờ vào xét tuyển nguyện vọng 2 là tâm lý chung của các trường ngoài công lập. Theo TS. Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học dân lập Đông Đô, khó khăn trong nguồn tuyển là điều dù không muốn nhưng phải thừa nhận. Năm nay, trường sẽ tiếp tục chờ đón tuyển thí sinh ở nguyện vọng 2. Cũng như vậy ở Đại học Đại Nam, TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ rằng trường ông cũng chỉ hy vọng tuyển sinh ở nguyện vọng 2. Lý giải điều này ông cho rằng, các trường ngoài công lập sinh sau đẻ muộn, như trường ông dù có cố gắng đào tạo chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất tốt nhưng vẫn vướng vào tâm lý xã hội khi người học chưa tin mình. Đây là nguyên nhân căn bản nhất để những trường này không có cơ sở cạnh tranh ở nguyện vọng 1, tìm xuống nguyện vọng 2 là điều dễ hiểu.
Dĩ Hạ