Tuyển sinh, đào tạo sư phạm: Chủ động nâng cao chất lượng

GD&TĐ -Chất lượng tuyển sinh và đào tạo ở các trường sư phạm là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, thế nên thông tin về một số trường sư phạm tuyển sinh ở mức sàn khiến dư luận có nhiều ý kiến. 

Phải thường xuyên học tập và nâng cao nghiệp vụ sư phạm để trở thành người giáo viên có đầy đủ phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới
Phải thường xuyên học tập và nâng cao nghiệp vụ sư phạm để trở thành người giáo viên có đầy đủ phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh phân tích và cho rằng: Sự việc không phải như vậy, số trường sư phạm tuyển ở mức sàn chỉ là số ít ngành đào tạo ở các trường cao đẳng, trường đại học địa phương, còn những đại học sư phạm lớn thì điểm trúng tuyển vẫn cao. Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Toán dạy tiếng Anh của trường mức điểm chuẩn đầu vào là 27,75 điểm.

Điểm chuẩn trúng tuyển không thấp

Số liệu thống kê đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm 2017 được Bộ GD&ĐT đưa ra. Trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển, có 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên (điểm trúng tuyển trung bình là 27,75 điểm); 158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 23,35 điểm); 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20 điểm).

Tuy có 197 ngành lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5 điểm. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn đầu vào như vậy là không hề thấp, nhiều thí sinh có điểm thi cao hơn nhiều điểm chuẩn các trường sư phạm đặt ra.

Không thể nói điểm ngưỡng được đưa ra nhận hồ sơ ngang sàn có nghĩa là điểm chuẩn cho các trường sư phạm là thấp vì thực tế như ngành Y có những trường ngưỡng điểm xét tuyển chỉ là 17 – 18 nhưng thực tế là điểm chuẩn trúng tuyển rất cao.

Con số thực tế cũng nói lên điều này khi số lượng thí sinh nhập học vào các trường sư phạm có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn rất ít. Như Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) chỉ có chưa đến 1% thí sinh có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm. GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh - cho biết: Trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các ngành Sư phạm của trường thì chỉ có 44/638 thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm dưới 18 điểm, trong đó chỉ có 2 em có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm (đăng ký vào ngành Giáo dục quốc phòng an ninh).

Như vậy không thể nói là điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường sư phạm là quá thấp, cũng như các ngành đào tạo khác, sư phạm cũng có những ngành học hấp dẫn điểm cao và ngành chưa hấp dẫn nhiều với thí sinh thì điểm thấp, đây là quy luật.

Nói về điểm chuẩn của các ngành Sư phạm năm nay của trường, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết: Điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay vẫn ổn định so với mọi năm như ngành Sư phạm Toán, dạy tiếng Anh của trường mức điểm chuẩn đầu vào rất cao là 27,75. Các ngành còn lại đều có điểm chuẩn từ 17 điểm trở lên. Các trường đại học sư phạm đào tạo truyền thống khác cũng có mức điểm cao tương tự như vậy.

Tăng hấp dẫn với ngành Sư phạm

Bức tranh toàn cảnh điểm chuẩn của các trường sư phạm năm nay cho thấy điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình là cao hơn năm 2016. Tuy nhiên, những lo lắng về sức hút của các trường sư phạm không phải không có cơ sở.

Chính việc một số trường đưa ra mức điểm ngưỡng xét tuyển thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Thêm nữa tính hấp dẫn đối với nghề đang ngày một giảm, đây mới thực sự là điều mà xã hội, các nhà quản lý giáo dục đang trăn trở.

Nguyên nhân khách quan là do quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, vì thế, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế; nhưng chủ quan thì nhiều người cho rằng do nghề này khó xin việc, chế độ đãi ngộ không tương xứng.

Không chỉ mùa tuyển sinh 2017 này mà nhiều năm trước, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, chính bất hợp lý về chỉ tiêu và quy mô đào tạo đã tác động đến điểm chuẩn cao hay thấp và cũng giảm tính hấp dẫn của trường sư phạm.

Thực tế, chất lượng nguồn tuyển ảnh hưởng thế nào đến đào tạo và tại sao ngành Sư phạm không hấp dẫn như với một số ngành đào tạo khác là điều trường nào cũng biết. Tuy nhiên, vấn đề là bản thân các trường có chủ động sàng lọc và hướng đến nâng cao chất lượng không hay vẫn chạy theo số lượng, về phía nhà trường thì chất lượng đào tạo chính là nền tảng làm nên tính hấp dẫn cho nghề. Thêm nữa, việc quy hoạch; đào tạo sư phạm và cơ chế tài chính đặc thù dành cho sinh viên sư phạm cũng góp phần tăng tính hấp dẫn cho nghề.

Để tăng tính hấp dẫn và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, GS.TS Nguyễn Văn Minh phân tích: Nếu cứ bình quân chủ nghĩa như hiện nay thì mãi mãi sẽ không có trường đào tạo nguồn nhân lực đỉnh cao. Thế nên, cần phải xác lập rõ trường sư phạm nào trọng điểm có khả năng đào tạo đỉnh cao, các trường nào thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu hiện tại, còn các trường nào chủ yếu sẽ làm công tác bồi dưỡng đội ngũ, trở thành trường vệ tinh cho các trường sư phạm trọng điểm.

Với các trường sư phạm đang được đầu tư từ Nhà nước thì càng cần sự quy hoạch bài bản, công tác dự báo đến nơi đến chốn để sinh viên ra trường nhất định phải có việc làm. Để thực hiện, cần phải có các giải pháp tổng thể, đó là: Việc làm, tiền lương và sự tôn vinh của xã hội.

 Nếu so sánh trên một phổ điểm chung thì cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, các trường sư phạm truyền thống điểm trúng tuyển chênh lệch không quá lớn. Còn điểm chuẩn thấp đều rơi vào các trường sư phạm ở địa phương, đặc biệt là hệ thống cao đẳng. Lý giải điều này, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Trong khi tổng chỉ tiêu đào tạo các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT chưa đến 10.000 thì chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm từ các trường đại học địa phương lại gấp 3 - 5 lần như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.