Tuyển sinh đại học: Nên kết hợp cả chung và riêng

Tuyển sinh đại học: Nên kết hợp cả chung và riêng
 

(GD&TĐ) - 10 năm trước đây các trường ĐH đều tổ chức tuyển sinh riêng. Phương án này gây ra nhiều tốn kém và không bảo đảm công bằng về chất lượng trong cả nước nên đã được thay bằng phương pháp “3 chung”.

Tuy nhiên trong tình hình hiện nay và theo luật GD ĐH phương pháp 3 chung cũng thể hiện những bất cập nhất định nên năm nay Bộ chủ trương cho phép các trường được tổ chức thi riêng nhưng vẫn tổ chức “3 chung” 3 năm nữa.

Đây được coi như giai đoạn quá độ để tất cả các trương phải tự tổ chức thi riêng bảo đảm tính độc lập, tự chủ.

Tuy nhiên, Bộ không cho phép các trường và SV thi riêng được hưởng những kết quả thi chung. Phương án này làm mất đi nhiều cơ hội vào ĐH của những SV tham gia thi riêng và như vậy liệu SV có dám mạo hiểm để chỉ được 1 con đường  duy nhất thay vì có nhiều cơ hội hơn khi tham gia thi chung? Các trường muốn thi riêng vì hy vọng có thể tuyển được nhiều SV hơn nhưng nay Bộ “thắt” như thế này chắc nhiều trường cũng không giám “hăng hái” nữa.

Trước băn khoăn này chúng ta hãy cùng quan sát cách thi ĐH của các nước trên thế giới để cùng nhau tìm thêm biện pháp hữu hiệu cho Việt Nam.

Trên thế giới hiện nay có nhiều cách tuyển sinh ĐH. Có những nước dùng ngay kết quả của kỳ thi phổ thông Quốc gia như: Áo, Pháp, Anh, Úc. Có những nước không thi phổ thông mà chỉ thi ĐH chung như: Trung Quốc, Tây Ban Nha…

Có những nước tổ chức 1 kỳ thi Quốc gia và lại thêm kỳ thi tại trường như: Nhật, Nga, Pháp. Đặc biệt Hoa Kỳ, Thuỵ Điển không tổ chức thi để đánh giá kiến thức mà chỉ tổ chức kiểm tra năng lực SV (4 lần/năm) theo chương trình SAT (trắc nghiệm tiếng Anh, Toán và 1 phần tự luận) hoặc chương trình ACT (trắc nghiêm tiếng Anh, Toán, Đọc hiểu và Khoa học).

Các trường ĐH dựa vào kết quả SAT hoặc ACT có giá trị chung toàn quốc kèm thêm kết quả tốt nghiệp phổ thông TH của HS  để tuyển chọn. Phương pháp tuyển sinh theo đánh giá năng lực khá toàn diện, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm thời gian  nên được nhiều nước đánh giá cao và hiện nay đang là xu hướng cải cách thi cử của nhiều nền GD.
 
Nói chung, dù tổ chức thi, tuyển theo phương án nào thì hầu hết các nước trên thế giới vẫn dành 60 - 70% đánh giá dựa trên kết quả kỳ thi hoặc kiểm tra chung toàn quốc qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hoặc kỳ thi ĐH quốc gia.

Ví dụ, ở Hàn Quốc việc tuyển sinh dựa trên kết quả của thi ĐH chung 65%, kết quả PTTH 25%, tự luận tại trường 10%. Nhật Bản tổ chức thi chung toàn quốc  với 31 môn thi, SV được chọn 5/18 môn thi theo khả năng và trường ĐH tổ chức thi thêm 1 - 2 môn nữa theo ngành nghề. Thái Lan cũng tổ chức 1 kỳ thi chung nhưng việc tuyển thì phải dựa thêm vào kết quả THPT và thể lực ( khoảng 20 - 30% kết quả tùy theo trường).

Hiện nay Thái Lan đang cải cách theo phương án thi tuyển của Hoa Kỳ nhằm hướng tới thu nhận những SV có năng lực toàn diện cả KH tự nhiên và xã hội, có chú ý đến năng khiếu theo ngành nghề.

Hiện nay thế giới cũng còn một vài nước tổ chức thi ĐH riêng cho từng trường ĐH nhưng đó là những nước có nền GD khá ổn định và ít cải cách GD như Argentina, Paraguay, Secbi.

Mấy năm nay giáo dục Việt Nam có  khá nhiều biến động, phát triển quá nhanh, số trường ĐH mới còn non yếu nay đã vội vàng ra ở riêng ngay e rằng quá sức. Điều này gây khó khăn cho các trường. Hơn nữa càng gây khó khăn cho sự quản lý chung của Bộ GD&ĐT và khiến dư luận xã hội hoang mang.

Chúng tôi mong Bộ GDĐT nghiên cứu kỹ vẫn giữ kỳ thi ĐH chung toàn quốc nhưng cải tiến về nội dung theo hướng tiếp cận năng lực. Kết quả kỳ thi này sẽ chiếm 70% thành tích của thí sinh và các trường ĐH được chủ động thêm 30% cho việc tuyển chọn thí sinh vào trường mình, Như vậy vừa bảo đảm tính công bằng chung toàn quốc lại bảo đảm tính độc lập, sáng tạo của từng trường.


                             PGS.Ts. Phạm Lan Hương

(Giảng viên môn Giáo dục so sánh. Hiện đang dạy thỉnh giảng tại khoa GD, ĐH KHXHNV thuộc ĐHQG TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ