(GD&TĐ) - Với những người có thể hình “vượt chuẩn” muốn ăn kiêng nhưng không thể kiềm chế cơn thèm muốn thì giải pháp tưởng tượng mà các nhà nghiên cứu mới đề ra đang là cứu cánh giúp họ tránh việc ăn uống quá đà.
Tưởng tượng ảnh hưởng tới ăn uống
Một nghiên cứu mới đây cho biết, để tránh việc ăn uống quá đà, bạn hãy cứ... tưởng tượng rằng mình sẽ phải nhồi nhét một lượng thức ăn “khủng khiếp” vào bụng trước giờ nhập tiệc. Biện pháp này cho thấy nhờ tưởng tượng như vậy bạn sẽ tiêu thụ ít thức ăn hơn nếu như bạn thực sự muốn tránh béo phì hoặc đang muốn giảm cân.
Bà Carey Morewedge, nhà tâm lý học thực nghiệm từ trường Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh (Australia) cho biết: “Mọi người luôn cố gắng tránh suy nghĩ về những món ăn mà họ thực sự thèm muốn. Tuy nhiên, một loạt các nghiên cứu cho thấy việc tự ức chế suy nghĩ là một cách thức không đem lại hiệu quả. Hình thức tưởng tượng mới khẳng định nhận định trên là chính xác”.
Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù chúng ta có đang thực sự trải nghiệm một điều gì đó hay chỉ đơn thuần nghĩ về nó, thì trong não bộ của chúng ta đều nẩy sinh ra một chu trình xử lý như nhau.
Ví dụ như khi chúng ta hát nhẩm một bài hát trong đầu những bộ phận trong não bộ lúc này sẽ hoạt động giống như khi chúng ta đang nghe bài hát đó. Chỉ đơn thuần tưởng tượng rằng có một con nhện đang bò trên vai cũng có thể khiến chúng ta toát mồ hôi và tim đập nhanh hơn. Nghĩ tới chiến thắng khi thi đấu thể thao hay tưởng tượng ra phần trình diễn âm nhạc toàn mỹ trước khi trình diễn sẽ góp phần giúp khả năng và thành tích của chúng ta tốt hơn.
Nhằm nghiên cứu xem “cách thức tưởng tượng” có ảnh hưởng tới việc ăn uống hay không, nhà tâm lý Morewedge và các đồng nghiệp đã tiến hành một loạt các thí nghiệm với kẹo sô cô la M&Ms và viên pho-mát.
Đầu tiên, họ lên danh sách một nhóm gồm 50 người và những người này chỉ nghĩ rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu về vấn đề kích thước. Họ được cho xem lần lượt một bức ảnh kẹo M&Ms trong vòng 3 giây. Một số người xem bức ảnh đó chỉ 3 lần, trong khi nhiều người khác có thể được xem tới tận 30 lần. Tất cả bọn họ đều được yêu cầu tưởng tượng đang ăn sô cô la khi xem những bức ảnh.
Tiếp theo, những người tham gia thí nghiệm được cho xem một loạt các bức ảnh chụp kẹo M&Ms với kích thước khác nhau rồi được yêu cầu chọn ra đúng bức ảnh mà họ từng được xem đầu tiên. Cuối cùng, người tham gia sẽ được nhận một bát chứa đầy kẹo M&Ms, coi như để chuẩn bị cho việc nếm thử sau đó.
Sau đó, các nhà nghiên cứu bí mật cân những bát kẹo để xem mỗi người ăn bao nhiêu kẹo trong bát. Kết quả cho thấy sự khác biệt rõ ràng trong việc tiêu thụ kẹo sô cô la tùy thuộc vào số lượng kẹo M&Ms mà người tham gia thí nghiệm nghĩ rằng họ sẽ ăn.
Những người ban đầu nghĩ rằng sẽ ăn 30 viên M&Ms thì cuối cùng chỉ ăn trung bình từ 2 tới 5 viên, bằng một nửa so với lượng kẹo trung bình mà những người nghĩ rằng họ sẽ chỉ ăn 3 viên M&Ms, là từ 5 tới 10 viên kẹo.
Trong các nghiên cứu sau đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người nghĩ rằng họ sẽ ăn 30 viên pho-mát trên thực tế chỉ ăn số viên bằng một nửa so với những người nghĩ là họ sẽ chỉ ăn 3 viên. Điều này cho thấy sự liên quan giữa hai thí nghiệm và các kết quả đó không chỉ là sự ngẫu nhiên.
Giảm bớt liều lượng ăn uống
Một số thí nghiệm khác cũng đã khẳng định phát hiện “cách thức tưởng tượng” trên theo một hướng khác. Ví dụ như việc tưởng tượng ăn kẹo M&Ms không ảnh hưởng tới số lượng pho-mát mà người tham gia thí nghiệm sẽ ăn. Hay nghĩ tới việc bỏ kẹo M&Ms vào trong một cái bát cũng không ảnh hưởng tới số lượng kẹo mà người đó ăn. Hay giữa việc bỏ 3 đồng xu hay bỏ 30 đồng xu vào máy giặt cũng sẽ không tạo nên nhiều sự khác biệt khi chúng ta tưởng tượng.
Và những ai tưởng tượng rằng họ sẽ ăn nhiều kẹo sô-cô-la hơn lại thường ít hào hứng hơn khi tham gia vào trò chơi điện tử như tích lũy điểm bằng cách chọn các viên kẹo đó.
Như vậy, các thí nghiệm đã cho thấy những nỗ lực về mặt tư duy trong khi tưởng tưởng không ảnh hưởng tới sự thèm ăn. Thay vào đó, việc nghĩ một cách cụ thể rằng chúng ta đang ăn loại thức ăn mà chúng ta thực tế muốn né tránh sẽ giúp giảm bớt ham muốn đối với loại thực ăn đó. Trong cả hai thí nghiệm với kẹo sô cô la và pho mát, mức độ thèm ăn của mỗi người đều không ảnh hưởng tới số lượng kẹo hay pho mát mà họ đã ăn.
Bà Morewedge cũng nói thêm, các thí nghiệm trong tương lai sẽ xem liệu việc tưởng tượng có ảnh hưởng tới việc hút thuốc và các hành vi gây nghiện khác hay không.
Paul Rozin, nhà tâm lý học từ trường Đại học Pennsylvania, cho biết do các thí nghiệm trên được tiến hành trong môi trường phòng thí nghiệm có kiểm soát, vì vậy các kết quả chưa thực sự chỉ rõ ra rằng liệu việc tưởng tưởng ra một bữa tiệc chiêu đãi thực tế có mức độ tác động tương đương với cách thức ức chế mức độ thèm ăn nơi môi trường thí nghiệm hay không. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng bỏ qua việc xem xét với những người ăn kiêng, những người sẽ không ăn uống nhiều sau khi đã tiêu thụ một loại thực phẩm chứa nhiều ca lo như bơ, sữa, hay pho mát.
Tuy nhiên, ông Rozin cũng cho rằng những phát hiện của nghiên cứu trên đã bổ sung thêm tư liệu cho một nghiên cứu khác về hiện tượng được gọi là ‘nhận thức hiện hữu’, qua đó đưa ra bằng chứng về một ranh giới chưa thực sự rõ ràng giữa việc suy nghĩ và hành động thực tế.
Ví du như khi cầm một chiếc cốc ấm sẽ khiến chúng ta cư xử một cách dễ chịu, ấm áp hơn với người khác. Hay việc nghe một câu chuyện hư cấu sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi của người nghe, thậm chí dù là sau đó họ biết rằng câu chuyện không hề có thật.
“Chúng tôi biết rằng trong khi tưởng tượng sẽ có nhiều bộ phận trong não bộ hoạt động giống như khi chúng ta thực tế nhìn thấy cái gì đó,” nhà tâm lý học Rozin cho biết. “Mục đích của việc nghiên cứu các hiện tượng này là chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người giảm bớt liều lượng ăn uống như một biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu đã gợi mở một số phương pháp luyện tập về mặt tâm lý để có thể thực hiện điều đó”.
Giang Đông (Theo ABCNews)