Tuổi thơ nghèo khó của tiền đạo xứ Nghệ - Công Phượng

Bố Công Phượng nghẹn ngào kể lại những ngày ấu thơ nghèo khó của tiền đạo xứ Nghệ.

Mẹ Công Phượng hạnh phúc khi lần đầu lên Hà Nội xem con thi đấu (Ảnh: Nhạc Dương)
Mẹ Công Phượng hạnh phúc khi lần đầu lên Hà Nội xem con thi đấu (Ảnh: Nhạc Dương)
Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc 

Những ngày qua, thông tin Nguyễn Công Phương thực hư sinh năm 1993, 1995 hay 1996 đang được đông đảo độc giả quan tâm. Theo lời ông Nguyễn Công Bảy (bố Công Phượng) dù ai nói gì đi chăng nữa ông cũng không bận tâm, vì hồ sơ có chính quyền quản lý và xác nhận. Con mình sinh ra năm nào ông và vợ biết rõ hơn ai hết.

Nói đoạn, ông Bảy nhớ về những ngày bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ Công Phượng) vất vả mang bầu rồi sinh con. Lúc đó, gia đình ông nghèo lắm, bên nội, bên ngoại cũng không khấm khá gì. Vì thế, thời gian mang bầu Công Phượng, bà Hoa chẳng có ngày nào được kiêng cữ. Ông Bảy thì tất tả ngược xuôi, làm thuê kiếm tiền.

Ngày bà Hoa bụng đau quằn quại, có dấu hiệu chuyển sinh, ông Bảy vẫn đang đi làm ở xa. Tới khi hàng xóm báo tin ông mới biết. Không lâu sau Phượng cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của gia đình.

"Không riêng gì khi sinh Phượng, hồi đó cả cái làng Mỹ Sơn đều như thế, phụ nữ sắp đẻ phải nhờ bà đỡ đến tận nhà giúp. Chuyện rồi cũng xong, mẹ tròn con vuông.

Lúc sinh Phượng, nhà chẳng có gạo mà ăn. Để cho con có sữa bú, tôi đành nhịn miệng nhường cho vợ. Mà phải nhường thịt cá gì cho đành, chỉ là củ khoai củ sắn hấp cơm, nồi cơm 3 phần mất hơn 2 phần rưỡi chứa khoai và sắn. Có khi gạo hết, chỉ có sắn và khoai ăn trừ bữa.

Chú nghĩ mà xem, nắp vung vừa mở 3,4 đứa con nó ngồi quấn bên, không lẽ bố tranh con mà ăn. Cũng may là mẹ nó mát sữa, cháu nó hơi nhỏ chút nhưng đỡ ốm đau bệnh tật" - ông Bảy nhớ lại.

Khoảng vài tháng sau khi Công Phượng chào đời, ông Bảy bắt xe vào Đắc Lắc làm thuê. Ngày ông đi chỉ mấy đồng trong người, vừa vào đến nơi tiền cũng hết. 

Thậm chí bên người ông luôn có sẵn chiếc bì, nhặt bỏ bất kỳ thứ gì mà người ta vứt đi nhưng có thể gom bán được, đây chính là đồng tiền để ông có tiền ăn hàng ngày. Còn tiền công ông làm ra gửi hết về cho vợ chăm con.

Bố nhịn đói, mua phở cho con 

Sau giải đấu phong trào ở xã Mỹ Sơn hơn 10 năm trước, nhìn thấy năng khiếu nổi trội của con, ông Bảy về bàn với vợ đưa con lên Trung tâm văn hóa huyện rèn luyện thêm. May mắn là vợ ông bà Nguyễn Thị Hoa hưởng ứng ủng hộ. Thế rồi hai ông bà lên trung tâm đăng ký cho con tập luyện theo hình thức "tập ké".

Bữa ăn tại Học viện HAGL Arsenal JMG 7 năm trước (Ảnh: Quang Minh)
Bữa ăn tại Học viện HAGL Arsenal JMG 7 năm trước (Ảnh: Quang Minh)

Ngặt nỗi, lúc này nhà ông Bảy nằm cách xa Trung tâm văn hóa huyện 18km. Nhà nghèo, ông Bảy phải mượn xe máy nhà hàng xóm để đưa Phượng đi. Còn hôm nào bà Hoa chở, mẹ con phải đèo nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng, đều đặn đi từ nhà lúc 13 giờ 30.

Đưa con lên đến nơi, bố mẹ Phượng phải vội vàng quay trở về làm đồng. Buổi chiều, Phượng ra vẫy xe, xin đi nhờ về. Có hôm không bắt được xe, Phượng phải ở lại tối mịt. Lúc ấy, ông Bảy chưa thấy con về mới vội đi đón.
Tới nơi, nhìn thấy con ngồi bệt dưới đất, chân tay bủn rủn, mồ hôi ướt nhẹp, ông dẫn con vào quán ven đường mua con bát phở. Có khi, trong túi chỉ có mấy ngàn, gọi được mỗi bát phở cho con ăn. Bà chủ hỏi ăn gì, ông chỉ cười trừ, lắc đầu. Thực chất lúc ấy, bụng ông đói cồn cào nhưng chẳng còn đủ tiền để ăn.
Những nỗ lực sau đấy của Công Phượng và gia đình giúp em có chỗ ở Học viện HAGL Arsenal JMG. 7 năm ăn học, tập luyện, thi đấu đã cho ra một tài năng của bóng đá Việt ngày hôm nay.
Theo vtc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ