Tuổi nghỉ hưu gần đạt tới sự bình đẳng

GD&TĐ - Tại Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý chủ trương tăng dần tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và giao Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu thực hiện. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó tuổi nghỉ hưu của nữ được nâng lên là 60 và của nam là 62.

Tuổi nghỉ hưu gần đạt tới sự bình đẳng

Sự đồng tình cao

Hai phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng và lộ trình mỗi năm tăng thêm 4 tháng. Về thời điểm, trong tờ trình Trung ương Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung xin bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021 và những người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025 (phương án mỗi năm tăng 3 tháng tuổi hưu - PV), thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già.

Đồng tình với quan điểm nâng tuổi nghỉ hưu nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng. Bên cạnh đó, lộ trình như đề xuất thì bị kéo dài sẽ thiệt thòi cho phụ nữ, do đó bà Hà cho rằng các cơ quan cần phải nghiên cứu để rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo bà Andrea Prince, Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ tương đồng với nam giới là thực hiện Công ước 111 chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1992. Hơn nữa điều này còn liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, nếu lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi trẻ, thời gian đóng góp BHXH ngắn, mức đóng góp thấp thì lương hưu sẽ thấp hơn nam giới. “Nghỉ hưu sớm với phụ nữ còn tác động tiêu cực đến nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của phụ nữ vì khi ở độ tuổi nào đó, phụ nữ bắt đầu được thăng tiến thì lại đến tuổi nghỉ hưu, sẽ làm hạn chế việc nâng cao trình độ giữa nam và nữ” - bà Andrea Prince nói.

Phù hợp thực tế

Phân tích rõ hơn về việc cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu ông Nuno Cunha - Chuyên gia cao cấp của ILO về an sinh xã hội - cho rằng, theo tính toán, hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt năm 2015 là 70 tuổi đối với nam và thời gian lĩnh lương hưu là 18 năm, tỷ lệ này ở nữ là 76 và 21 năm; đến năm 2060 thì tỷ lệ tuổi thọ trung bình của nam sẽ là 75, hưởng 20 năm lương hưu, với nữ là 81 tuổi và hưởng 26 năm lương hưu. Trong khi đó, quy mô gia đình của Việt Nam ngày càng thu hẹp (gia đình chỉ có một - hai con), tốc độ già hoá dân số nhanh, nếu năm 2015, trong 7 người thì có 6 người lao động đóng BHXH và chỉ một người lĩnh lương hưu; nhưng đến năm 2055, trong ba người thì chỉ hai người đóng BHXH và có một người lĩnh lương hưu. Vậy thì hãy chọn cách làm việc thêm một vài năm nữa để đỡ gánh nặng cho con cháu.

Cũng theo ông Nuno Cunha, mức lương cơ sở để đóng BHXH của người lao động Việt Nam thấp so với thu nhập thực tế, mà tỷ lệ đóng cũng thấp thì lương hưu và cuộc sống sau khi về hưu sẽ thấp. Trong khi đó, hầu hết người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc, hoặc tìm kiếm một công việc khác có thu nhập như vậy không phải là nghỉ hưu thực chất mà chỉ là sự chuyển đổi công việc. Do đó, họ nên tiếp tục đóng BHXH để sau này nghỉ hẳn thì sẽ có một mức lương hưu cao hơn.

“Chúng tôi ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ. Theo đề xuất, mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ năm 2021, nghĩa là đến tận năm 2025 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến tận 2029 mới nghỉ hưu ở tuổi 57. Việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế cũng không bị thay đổi đột ngột” - đại diện ILO Việt Nam cho hay.

Như vậy, so với dự thảo trước đây (có phương án lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 58) thì theo báo cáo này tuổi nghỉ hưu của nữ đã tăng thêm hai năm. Các chuyên gia cho rằng, với mức nâng này mặc dù tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chưa bằng nhau như ở một số nước, nhưng đã có sự tương đồng hơn so với sự chênh lệch nhau năm năm như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ