(GD&TĐ) - Sáng nay (mùng 6 Tết), mặc cho trời mua phùn nặng hạt, nườm nượp người, xe đổ về quần thể di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) để góp mặt trong ngày khai mạc và cũng là ngày chính hội Đền An Dương Vương. Với không gian lịch sử của nước Âu Lạc xưa, cùng trở về theo dòng truyền thuyết bi tráng Mỵ Châu, Trọng Thủy và những trò chơi dân gian như bắn nỏ, đu tiên, vật dân tộc,… Tổng hòa ấy có lẽ sẽ làm hài lòng những vị khách du xuân, trẩy hội khó tính nhất.
Vùng Cổ Loa thành nay vẫn còn đó cùng những vòng thành bằng đất, những trống đồng, mũi tên đồng được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong nhiều đợt khai quật khác nhau… Suốt tháng Giêng, người dân cả xã Cổ Loa bước vào mùa hội. Hội Cổ Loa là của chung một cụm 8 làng (trước đây gọi là Bát xã) thuộc xã Cổ Loa. Cả 8 làng này đều thờ vua An Dương Vương.
Tối 14/2 (tức mùng 5 Tết Quý Tỵ), tại di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã diễn ra lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa. Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã trao Bằng cho lãnh đạo và nhân dân vùng di tích. Ông Hoàng Kế Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Huyện Đông Anh và nhân dân Cổ Loa cũng thấy cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích”. |
Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết, lễ hội Cổ Loa diễn ra theo truyền thống với phần lễ trang trọng. Việc chuẩn bị cho chương trình tế, lễ, rước sẽ diễn ra hôm nay được tiến hành từ tháng Chạp. Ngày mùng 4, 5 tháng Giêng, Bát xã giáp tế. Chương trình tế, lễ, rước ngày mùng 6 được bắt đầu từ 7h, anh Cả Quậy (gồm 3 thôn ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh) và Bát xã dâng lễ cung vua theo cổ lệ. Sau lễ khai mạc, anh Cả Quậy làm lễ (đọc mật khẩn). Tiếp theo là phần tế và lễ của Hội đồng Bát xã, Bát xã nghênh rước vua, bà chúa, quan viên tế, lễ bên Đình ngự triều Di quy...
Được biết, trong hai ngày mùng 5 và mùng 6, Khu di tích Cổ Loa đón hàng chục vạn lượt khách về vãn cảnh, du xuân
Một trong những điểm nhấn tạo nên nét đặc sắc của lễ hội Cổ Loa chính là những trò chơi dân gian truyền thống, đặc biệt là trò chơi bắn cung tên tại ao Chàm, phía Tây đền thờ An Dương Vương – vốn là trường bắn của Vua An Dương Vương, đã có hàng trăm người đứng vòng trong vòng ngoài. Đây là trò chơi mang hồn cốt của một truyền thuyết đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm thời kỳ dựng nước, giữ nước với câu chuyện nỏ thần đánh thắng giặc.
Cổ Loa hiện vẫn còn những vòng thành bằng đất được đắp lên từ khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết: "Ngày nay dấu tích còn lại của thành Cổ Loa chỉ còn 3 vòng... Các cửa của 3 vòng thành được bố trí không nằm trên một trục đường thẳng mà lệch chéo đi nhiều phía, có 18 ụ gò nhô cao để phòng ngự. Đây được coi là kinh đô thứ hai của Việt Nam, sau Phong Châu ở Phú Thọ là thủ đô của thời các Vua Hùng".
Một số hình ảnh ghi tại ngày khai hội Cổ Loa:
|
Lễ tế |
|
Rước Văn Chỉ |
|
Trò chơi cờ người |
|
Trò đu tiên,... |
|
... Trò bắn nỏ thu hút rất đông bạn trẻ tham gia |
|
Hát quan họ |
|
Xe cộ xếp hàng vào bãi gửi |
|
Mặc dù trời mưa khá nặng hạt, hàng vạn người vẫn nườm nượp kéo về trẩy hội |
|
Lực lượng an ninh được huy động để đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn |
|
Bên cạnh những nét đẹp, lễ hội Cổ Loa vẫn tồn tại "căn bệnh lâu năm khó chữa", đó là cảnh hàng quán bày bán ngổn ngang quanh khu vực diễn ra lễ hội |
Thái Hà