Qua đó, những tâm tư, nguyện vọng hay vướng mắc của học trò đã được thầy cô tháo gỡ. Tuy nhiên, tổ tư vấn tâm lý học đường hiện nay mỗi nơi mỗi khác và việc duy trì tổ tư vấn này vẫn còn nhiều khó khăn…
Sẻ chia cùng học trò
Sau bao ngày mong đợi, buổi sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống với chủ đề “Kỹ năng ứng phó với căng thẳng” đã được thầy trò Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tổ chức rất bài bản.
Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của tổ tư vấn học đường nhà trường, qua đó giúp HS nhận biết được những biểu hiện của sự căng thẳng, một số tình huống tạo nên căng thẳng và tác động của nó đối với cuộc sống. Giúp giáo viên và HS có thể kiểm soát, làm chủ được cảm xúc của mình để tìm ra được những cách ứng phó tích cực trong tình huống gây căng thẳng. Buổi sinh hoạt đã thu hút 20 giáo viên chủ nhiệm và hơn 700 HS các khối lớp.
Với những tình huống và thông tin được thầy cô giáo chia sẻ, giáo viên và HS nhận ra được các tình huống gây căng thẳng đồng thời biết được kỹ năng ứng phó với căng thẳng là khả năng con người bình tĩnh trước các tình huống, kỹ năng này có được nhờ sự kết hợp của các kỹ năng khác như: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng xử lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ và kỹ năng giải quyết vấn đề…
Được triển khai tại các trường THCS từ năm 2010, tổ tư vấn học đường là một hình thức hỗ trợ tâm lý học sinh có hiệu quả trên địa bàn huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Tổ tư vấn gồm tổ trưởng là thành viên Ban Giám hiệu nhà trường cùng 2 tổ phó và các thành viên là giáo viên chủ nhiệm trong trường. Tổ tư vấn chọn những người có uy tín, gần gũi để các em dễ bày tỏ cảm xúc. Học sinh liên hệ với tổ tư vấn qua nhiều hình thức, như tư vấn trực tiếp, viết thư, thông qua mạng xã hội hoặc qua các buổi sinh hoạt, các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống…
Giáo viên tiếp xúc với học sinh dưới dạng trò chuyện tâm sự, chia sẻ trong thời gian trước hoặc sau giờ học. Song song đó còn có hình thức tư vấn thông qua tham quan, trải nghiệm giúp cho người làm công tác tư vấn với các em học sinh có sự gần gũi, thân thiện hơn, dễ trải lòng hơn với giáo viên. Cũng có không ít trường hợp giáo viên nhận thấy những biểu hiện bất thường ở học sinh và chủ động tìm đến gợi mở, chia sẻ cùng các em.
Theo cô Lê Thị Khuyến - Tổ phó tổ tư vấn học đường Trường THCS Lương Phú: Công tác tư vấn trong trường THCS rất quan trọng vì lứa tuổi này các em đang có sự thay đổi tâm sinh lý, gặp rất nhiều rắc rối. Đối với thành viên làm công tác tư vấn đều đã được tập huấn, giáo viên tư vấn đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm nên gần gũi với các em, nắm bắt được tâm sinh lý của các em dễ dàng hơn. Thông qua các giáo viên chủ nhiệm, có lúc không cần các em đến gặp tư vấn mà chính thầy cô là người phát hiện ra những thay đổi trong tâm sinh lý của các em để có cách hướng dẫn…
Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã củng cố lại mô hình “Phòng tư vấn tâm lý học đường” tại tất cả các điểm trường THCS, THPT trong toàn tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tư vấn, nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của HS, đã góp phần giải đáp tâm tư, trăn trở, giữ gìn an ninh trật tự trong nhà trường, hạn chế tình trạng bỏ học, nghỉ học, HS đánh nhau...
Theo ông Vưu Công Sơn - Phó Phòng Công tác HS - Giáo dục Quốc phòng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp, cho biết: Đối với công tác tư vấn tâm lý học đường không nhất thiết phải đợi “có vấn đề” thì mới bắt tay vào. Thông qua các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, giáo dục đạo đức cho các em cũng là một cách tư vấn rất tốt.
Trong giai đoạn hiện nay, phải củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường trong các đơn vị trường học. Phải tập trung thực hiện tư vấn các nội dung như tư vấn tâm lý, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn lứa tuổi vị thành niên, tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, tâm lý gia đình, tâm lý học nghề nghiệp và những vấn đề của xã hội hiện đại, tư vấn phương pháp học tập tốt, kỹ năng sống...
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Trong giai đoạn hiện nay, lứa tuổi HS phổ thông, đặc biệt là HS cấp THCS và THPT có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý. Điều đáng lo ngại là những diễn biến từ phía các em HS qua các hành vi đánh nhau, chửi thề, vô cảm trước cái xấu, cổ động cho hành vi xấu là điều đáng lo ngại. Nếu được chia sẻ, giải quyết sớm những vấn đề này sẽ không dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiềm chế...
Do đó, tổ tư vấn tâm lý học đường khi hoạt động sẽ hỗ trợ và can thiệp đối với những HS đang gặp phải những khó khăn trong đời sống tâm lý. Bao gồm những khó khăn về xúc cảm, tình cảm, tâm lý, tinh thần trong đời sống hàng ngày, trong hành vi ứng xử, quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình, trong học tập, định hướng nghề nghiệp… Qua đó, giúp HS tìm được hướng giải quyết phù hợp và giúp ổn định đời sống tâm lý để có thể đạt được sự phát triển cao nhất và hiệu quả nhất trong suốt quá trình học tập tại trường học.
Tầm quan trọng của tổ tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông là vậy, tuy nhiên hiện nay hoạt động của tổ mỗi nơi mỗi khác. Trên thực tế, các mô hình hoạt động vẫn chưa mang đặc thù riêng, chưa phát huy hiệu quả tích cực. Công tác tư vấn đòi hỏi giáo viên phải đa năng, am hiểu nhiều vấn đề nhưng thực tế đa số giáo viên làm việc này là kiêm nhiệm.
Cũng vì lý do này mà nhiều nơi tổ tư vấn tâm lý học đường chỉ dừng lại ở việc tư vấn học tập và định hướng nghề nghiệp, tư vấn cho đối tượng HS chưa ngoan là chủ yếu. Nguyên nhân do các trường không có biên chế, giáo viên tư vấn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản…
Chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác tư vấn tâm lý chưa tương xứng là một rào cản lớn. Như một giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Một số trường có tạo điều kiện cho giáo viên làm thêm như hỗ trợ công tác học vụ, quản lý hồ sơ, tổ chức hoạt động ngoại khóa... nhưng thu nhập thêm không đáng là bao! Việc bố trí phòng tư vấn tâm lý học đường theo kiểu phòng riêng kín đáo, có bàn ghế, quạt máy để làm nơi học trò “trút bầu tâm sự” cũng gặp khó vì thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu phòng học…
Ngoài ra, còn có khó khăn khác là ở lứa tuổi HS các em rất ngại chia sẻ, nên chưa chủ động, thường ngại tư vấn tâm lý để “trút nỗi lòng” do có suy nghĩ tư vấn tâm lý là có “vấn đề” hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ. Mỗi khi gặp sự cố tâm lý mà không biết cách giải quyết, các em thường tự chịu đựng hoặc chia sẻ với bạn thân chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy, cô giáo.