Tư vấn tâm lý cho học sinh: Cần một cơ chế phù hợp

GD&TĐ - Là trường ngoại thành Hà Nội, nhưng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh luôn được Ban giám hiệu Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) quan tâm chú trọng và tạo được hiệu ứng tích cực đối với học sinh và phụ huynh. Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệp về nội dung này.

Tư vấn tâm lý học sinh - một hoạt động thiết thực trong các trường phổ thông. Ảnh minh họa/internet
Tư vấn tâm lý học sinh - một hoạt động thiết thực trong các trường phổ thông. Ảnh minh họa/internet

* Thời gian qua, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh được nhà trường thực hiện như thế nào - thưa cô?

 Song song với việc dạy chữ, nhiều thầy, cô vẫn kiêm nhiệm công việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Họ lồng ghép trong các bài dạy đạo đức, giáo dục công dân, những “mách bảo” gỡ rối khi học trò hỏi han, những lời động viên chia sẻ khi các em tìm đến.
Cô Nguyễn Thị Diệp

- Cô Nguyễn Thị Diệp: Tại trường tôi, không có riêng giáo viên tư vấn tâm lý, nhưng cũng đã có Ban tư vấn học đường gồm những giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, các môn xã hội và đặc biệt là cô Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn, Ban giám hiệu….

Ban tư vấn này hoạt động theo lịch định kỳ thứ Bảy hàng tuần. Lúc đầu các em còn rụt rè nên số lượng tìm đến xin tư vấn còn ít. Sau khi thấy bạn bè được thầy cô khuyên nhiều điều bổ ích, truyền tai nhau, số lượng tìm đến mỗi ngày một đông.

Chúng tôi không chỉ tư vấn trong ngày quy định, mà bất cứ lúc nào học sinh có vấn đề cần gỡ rồi, các thầy, cô giáo cũng sẵn sàng đưa ra lời khuyên bổ ích nhất.

Về hình thức, chúng tôi cũng tổ chức rất đa dạng. Chẳng hạn như: Tư vấn cá nhân cho những học sinh gặp khó khăn về tâm lý. Bên cạnh tư vấn cá nhân, cũng có những tập thể học sinh cần giáo viên tư vấn.

Chẳng hạn như các em “bị oan” một vấn đề gì đấy, cần tư vấn cách giải quyết cho thỏa đáng. Lúc này các trò hay tìm đến cô hiệu trưởng. Tôi có thể chia nhỏ các em thành từng nhóm để tìm hiểu vấn đề, rồi tư vấn. Mục đích cuối cùng là vấn đề được giải quyết thấu tình đạt lý.

Không chỉ tư vấn cho học trò, với phụ huynh học sinh, tôi cũng tổ chức một số buổi thảo luận, hội thảo cho phụ huynh về tâm lý vị thành niên và kỹ năng làm cha mẹ; mục đích là để các vị ấy hiểu và thông cảm cho con trẻ hơn, tăng thời gian làm bạn với con, tạo sự gắn kết với nhà trường.

Cũng có những gia đình có vấn đề khó xử với con, nhờ chúng tôi cho giải pháp, lúc này, nhà trường sẽ đóng vai trò là cố vấn và phối hợp với gia đình, tìm kiếm giải pháp đáp ứng các nhu cầu và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.

* Thông thường, các em đến nhờ giáo viên tư vấn những nội dung gì - thưa cô?

- Cô Nguyễn Thị Diệp: Một học sinh bình thường sẽ rất ít khi tìm đến thầy cô xin lời khuyên. Chỉ khi nào gặp rắc rối mà không thể chia sẻ cùng bố mẹ, các em mới tìm đến thầy, cô để được tư vấn.

Cũng có khi là do bố mẹ “bất lực” trước một vấn đề nào đó của con, nhờ thầy, cô khuyên giải. Chẳng hạn như: Khi phát hiện ra con “nghiện game”, bố mẹ hết cách chữa trị.

Lúc này người thầy phải chủ động tiếp cận với học sinh, trò chuyện hỏi han để tìm ra những phương pháp hữu hiệu nhất, giúp trẻ em sớm tự nguyện chấm dứt tình trạng đó mà không bị tổn thương tâm lý.

Cũng có khi trẻ em gặp vấn đề băn khoăn về giới tính. Chẳng hạn như: Các hiện tượng sinh lý ở lứa tuổi dậy thì. Nói với bố mẹ thì cảm thấy khó xử. Hơn nữa không phải bố, mẹ nào cũng có lời giải thích thỏa đáng.

Lúc này các em cũng tìm đến thầy, cô để muốn nghe một lời khuyên. Thầy, cô giáo sẽ là bạn đồng hành cùng các em, tư vấn giải thích rõ, hướng dẫn những việc làm cụ thể để các em không mặc cảm.

Vấn đề yêu sớm cũng là một vấn đề cần tư vấn gỡ rối. Tôi đã từng gặp không ít học trò, thích ngồi gần 1 bạn khác giới. Tôi thử tách hai em đó ra thì các em học sút đi trông thấy, trong giờ học cứ suy nghĩ vẩn vơ.

Tôi gọi các em đến gặp riêng và trao đổi: Giải thích rằng đó chỉ là những rung động đầu đời, thoáng qua rồi hết. Nếu các em biết kiềm chế cảm xúc, cùng nhau “ghi điểm” trong mắt bạn bằng cách học giỏi, thì cả hai phải cùng vươn lên, nếu cứ đắm chìm trong cảm xúc nhớ nhung, sẽ dẫn đến học hành sa sút, “mất điểm” trong mắt bạn kia. Cuối cùng cả hai em đã vượt qua cảm xúc ban đầu ấy, cùng học giỏi và trở thành bạn tốt của nhau.

Bên cạnh đó, kỹ năng sống là điều cần thiết với tất cả mọi lứa tuổi do đó được nhà trường rất chú trọng. Theo đó, thầy, cô sẽ là người giáo dục các kỹ năng sống cần thiết cho các em.

Ngay từ mẫu giáo, các em đã được dạy cách rửa tay, vệ sinh cá nhân. Lên Tiểu học, các em đã được dạy phải biết đối xử với bạn bè, lễ phép với ông bà, thăm hỏi người thân khi ốm đau, chia sẻ với bố mẹ những lúc mệt mỏi.

Lên cấp THCS và THPT, các em cần được hình thành những kỹ năng như: giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn, kỹ năng xử lý một số tình huống cụ thể thường ngày.

* Vậy theo cô, để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, yếu tố quan trọng nhất của người làm tư vấn là gì?

- Cô Nguyễn Thị Diệp: Theo tôi đó là sự tế nhị của người thầy - người được nhà trường giao nhiệm vụ làm tư vấn tâm lý. Muốn làm tốt công tác tư vấn tâm lý, yêu cầu đầu tiên của người tư vấn là nắm được tâm lý lứa tuổi mình sẽ tư vấn và biết cách giải quyết vấn đề.

Để được học sinh tin tưởng và sẻ chia, tìm đến nhờ tư vấn, người thầy cần phải tôn trọng nguyên tắc: Coi trẻ là bạn, lắng nghe, chia sẻ với các em, để các em nói thật hết những suy nghĩ của mình.

Xưng hô với trẻ như người thân trong gia đình. Tôn trọng những suy nghĩ non nớt của các em để tìm cách giải thích phù hợp trong điều kiện hoàn cảnh thực tế.

Mặt khác, việc bảo mật thông tin của các em cũng là điều hết sức cần thiết. Có như thế mới nghe được tâm tư tình cảm thật của các em, mới để các em tin tưởng chia sẻ.

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bưng bít sự việc. Chỉ nên tiết lộ thông tin của học sinh với những người có trách nhiệm trong một số trường hợp khi học sinh đồng ý chia sẻ thông tin với những người liên quan để được hỗ trợ tốt hơn; hoặc khi học sinh báo cáo về việc đang bị đe dọa; học sinh đang có ý định gây hại cho bản thân hoặc gây nguy hiểm cho người khác.

* Đứng ở góc độ quản lý và người trực tiếp tham gia tư vấn, cô có đề xuất, kiến nghị gì để công tác tư vấn tâm lý cho học sinh được tốt hơn.

- Cô Nguyễn Thị Diệp: Theo tôi rất cần một cơ chế phù hợp. Năm học trước, tôi đã triển khai vấn đề dạy kỹ năng sống ở trường THCS Di Trạch, phụ huynh hưởng ứng nhưng không thành công bởi lý do kinh phí.

Năm học này, tôi lại triển khai ở trường THCS Đức Thượng, có nhiều phụ huynh muốn cho con đăng ký nhưng lại băn khoăn vì phải đóng phí. Đến bây giờ, chỉ có 4 lớp ở 4 khối với khoảng ¼ số học sinh đăng ký tham gia. Vì thế rất cần một cơ chế cho công tác tư vấn tâm lý học sinh ở các trường phổ thông.

Hiện tại, công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi học đường trong nhà trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Các trường chưa có giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Lực lượng tư vấn phần lớn chỉ là những người có kinh nghiệm sống, những người dạy các môn học liên quan đến đạo đức và xã hội. Vì thế vẫn rất cần có cơ chế để các trường có giáo viên chuyên trách công tác này.

Xin cảm ơn cô!

"Có thể nói, tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm giải quyết những vấn đề khó xử của các em. Đối tượng có thể là cha mẹ các em, cũng có thể là một số người làm công tác xã hội liên quan đến trẻ em. Nhưng đối tượng được quan tâm nhiều nhất vẫn là học sinh. Trẻ em ở bất cứ cấp học nào cũng có nhu cầu tư vấn. Dù nhiều hay ít, nhưng giáo viên nào cũng có thể là nhà tư vấn học đường" - Cô Nguyễn Thị Diệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ