Tư vấn sức khỏe tâm thần - việc cần làm

GD&TĐ - Đối với nhiều bậc phụ huynh, rất khó để họ mở lời với trẻ nhỏ về trầm cảm, âu lo và những chứng bệnh tâm thần. Tuy vậy, con trẻ cần có những hiểu biết sớm về căn bệnh này để có một sự khởi đầu lành mạnh.  

Tư vấn sức khỏe tâm thần - việc cần làm

Các chuyên gia tâm lý cũng thừa nhận, nói chuyện với trẻ em về bệnh tâm thần là một việc hết sức khó khăn, vì thế nhiều người trong số chúng ta đã trì hoãn công việc này vô thời hạn, chúng ta thực sự không muốn bày tỏ những mặt tiêu cực của cuộc sống, ảnh hưởng đến sự hồn nhiên, vô tư của con trẻ. Tuy nhiên, thay vì giữ trẻ em trong bóng tối, điều cần thiết mà cha mẹ cần làm là học cách nói về sức khỏe tâm thần với trẻ để giúp chúng cảm thấy thoải mái khi bày tỏ những lo lắng của chính mình và chấm dứt sự kỳ thị hoặc e ngại nếu chẳng may con trẻ mắc phải những chứng bệnh tâm lý.

“Chúng tôi ý thức được rằng việc trò chuyện công khai và trung thực với trẻ em về sức khỏe tâm thần là điều vô cùng quan trọng”, Jill Dennison, một chuyên gia hỗ trợ sức khỏe tâm thần và hỗ trợ khả năng phục hồi tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Canada, có trụ sở tại Hamilton, Ont nói.

Cô giải thích, trẻ em nên hiểu rằng tâm thần khỏe mạnh là khi chúng có một sự cân bằng trong cuộc sống, và sự cân bằng này ở mỗi người có sự biểu hiện khác nhau. Nếu chúng có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe tâm thần ở độ tuổi còn trẻ, điều đó có thể sẽ giúp chúng tìm thấy sự cân bằng cho riêng mình trong cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực. Bên cạnh đó, Dennison nhấn mạnh: “Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện ngay từ hôm nay, nó thực sự cần thiết. Hơn ai hết, cha mẹ cần hiểu chúng ta đang đề cập về sức khỏe tâm thần chứ không phải bệnh tâm thần. Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, bất kể tuổi tác”. Dưới đây là một số bí kíp giúp cha mẹ có những cuộc trò chuyện với con cái dễ dàng hơn.

Mở đầu bằng 1 câu chuyện

Nếu bạn chưa thực sự tự tin với chủ đề mà bạn sắp đề cập với trẻ, hãy cố gắng xoay nó sang 1 vài sự kiện quanh cuộc sống hàng ngày. Ví dụ bạn có thể chia sẻ về một bộ phim, trong đó nhân vật phải trải qua những khó khăn về sức khỏe tâm thần hoặc một người nổi tiếng từng trải qua giai đoạn khó khăn về tâm lý. Trẻ em có khả năng lắng nghe mọi câu chuyện, vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng lựa chọn nội dung thật hấp dẫn, cách kể chuyện cuốn hút.

Nếu trẻ nhỏ từng chứng kiến một trường hợp có tình trạng sức khỏe tâm thần không tốt, bạn có thể sử dụng nó để giúp trẻ hiểu biết sâu hơn về vấn đề này. Bạn có thể bắt đầu bằng việc hỏi cảm nhận của trẻ xung quanh sự việc đó, “mẹo” này giúp cuộc trò chuyện phát triển theo hướng tích cực.

Lắng nghe và thấu hiểu

Jean-Paul Boudreau, Giáo sư tâm lý học và Giám đốc Phòng thí nghiệm trẻ em, sức khỏe, trẻ sơ sinh, học tập, phát triển (CHILD) tại Đại học Ryerson ở Toronto cho biết, ông từng trò chuyện với nhiều đứa trẻ về sức khỏe tâm thần và rút ra được một vài kinh nghiệm: “Trẻ nhỏ có thể cảm thấy rất buồn nếu chúng biết ai đó đang rơi vào trạng thái trầm cảm. Cách để trẻ cuốn vào câu chuyện là cố gắng hướng trẻ đến một nhân vật cụ thể hoặc một câu chuyện mà chúng từng biết hoặc đã chứng kiến”.

Dennison nói thêm rằng, cha mẹ cần tạo sự tự tin ở trẻ, hãy để chúng hỏi bất kỳ những gì chúng muốn, không có câu hỏi nào ngốc nghếch, tất cả đều rất hữu ích. Điều quan trọng là người lớn cần phải lắng nghe mà không phán xét, thậm chí phải biết kiềm chế cảm xúc của chính mình trước những câu hỏi khiến bạn “rùng mình”. “Cha mẹ hãy cho trẻ có nhiều cơ hội bày tỏ những gì chúng đang suy nghĩ và cảm nhận”, Dennison nói.

Cả Boudreau và Dennison đều có chung quan điểm rằng cha mẹ nên giải thích cho trẻ nhỏ hiểu bệnh tâm lý không khác gì một căn bệnh trong cơ thể, nó cũng nguy hiểm như bệnh ung thư vậy. Bằng cách so sánh này, trẻ em có thể hiểu rõ hơn về người mắc bệnh tâm lý, từ đó chúng sẽ có cách ứng xử tốt với họ.

Những cuộc trò chuyện như vậy không giới hạn tuổi tác, tuy nhiên, cách cha mẹ nói chuyện với những đứa trẻ độ tuổi 13 sẽ khác với cách nói chuyện với một đứa trẻ vừa biết đi. Dennison nói: “Cha mẹ nên tìm cách giải thích các triệu chứng tâm lý phù hợp với từng lứa tuổi.”

Ví dụ khi nó về căn bệnh trầm cảm, bạn có thể giải thích cho con bạn rằng bất cứ ai cũng cảm thấy buồn khi cuộc sống của họ gặp khó khăn, nhưng trầm cảm là khi nỗi buồn ấy cứ diễn ra liên tục và đeo bám cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Khi nỗi buồn trở nên áp đảo mọi thứ cảm xúc khác và diễn ra trong một khoảng thời gian dài, thì đó chính là bệnh trầm cảm. "Khi còn nhỏ, kiến thức và sự hiểu biết của trẻ không ngừng phát triển và câu hỏi chính là tiền đề của sự phát triển đó", Dennison nói. Ngay tại thời điểm này, cuộc trò chuyện với trẻ nhỏ có thể diễn ra sâu và tỉ mỉ hơn.

Không né tránh sự thật

Trong trường hợp tồi tệ nhất, một người thân yêu tự tử vì trầm cảm, sự lựa chọn của nhiều bậc cha mẹ là bảo vệ trẻ bằng cách khống chế mọi tin tức mà chúng có thể nghe hay đọc được. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên cha mẹ nên trò chuyện với những đứa trẻ đã đủ lớn để hiểu về cái chết, điều này giúp chứng sợ hãi ở chúng giảm đi đáng kể.

"Hãy trung thực với thực tế, đừng cố gắng phủ nhận về hành động tự sát, con trẻ không có tội và chúng cũng không chịu trách nhiệm hay có thể ngăn cản được sự việc” - Dennison nói - "Bạn sẽ muốn con mình đón nhận bi kịch này một cách nhẹ nhàng, ít thương tổn nhất có thể. Điều đó sẽ mở ra một cái nhìn bớt bi quan về cuộc sống, nếu chẳng may sau này con trẻ cũng phải đối mặt với những bất ổn tâm lý, chúng sẽ biết cách đối mặt và giải quyết theo hướng tích cực”.

Theo Dailymail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ