“Di cư” hạt nhân và những dấu hỏi
Nếu Mỹ đã quyết định cần phải di chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ thì vũ khí hạt nhân Mỹ sẽ đi đâu?
Theo các hãng tin, Mỹ sẽ chuyển vũ khí hạt nhân của họ đến Romania, tuy nhiên, Romania đã bác bỏ thông tin này.
Vậy nước nào có thể sẵn sàng (cả về chính trị lẫn quân sự) để đón nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ? Về nguyên tắc, bất cứ thành viên NATO nào cũng đều có thể trở thành nơi đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ. Vì vậy, vũ khí của Mỹ có thể được đặt ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ châu Âu, từ Bồ Đào Nha đến Bulgaria, Ba Lan và các nước Baltic.
Tuy nhiên, thái độ phản đối của Nga đã trở thành rào cản đối với các nước châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu. Điều dễ hiểu rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ đặt ở châu Âu chỉ với mục đích duy nhất - tấn công Nga. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những năm gần đây, quan hệ của một số nước Đông Âu với Nga không được tốt, thậm chí một số nhà lãnh đạo Đông Âu dường như hành xử theo nguyên tắc “Càng xấu -càng tốt”. Có điều, nếu một nước nào đó tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ đồng nghĩa với việc họ tự đặt mình vào mục tiêu tấn công của Nga trong tình huống có chiến tranh.
Và cuối cùng, có vẻ như Israel là nước sẵn sàng đón nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ - Kommersant đưa tin. Lý giải điều này, các nhà phân tích cho rằng trục Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đang hình thành và Iran - đối thủ không đội trời chung của Israel vừa được trang bị hệ thống phòng không S-300 từ Nga. Chuyện này, Israel đã phản đối từ lâu, tuy nhiên, Moskva cho rằng họ chỉ thực thi hợp đồng đã được ký kết trước đó.
Tại sao Mỹ rút vũ khí hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ?
Là thành viên NATO, nhưng thời gian gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc đảo chính không thành hồi tháng 7 vừa rồi khiến quan hệ giữa Ankara với Brussels và Washington xuất hiện nhiều rạn nứt. Nguy hiểm hơn, cuộc đảo chính là lời cảnh báo rằng tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ chứa nhiều bất ổn. Hàng loạt các cuộc đàn áp với quy mô lớn của Tổng thống Recep Erdogan chứng tỏ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ nghiêm trọng, khó đảm bảo sẽ không có cuộc đảo chính diễn ra tiếp theo. Ngoài ra, vấn đề người Kurd tiếp tục gây nhức nhối và các nhóm khủng bố từ Syria liên tục tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ mới nhất, vào ngày 19/8, một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một đám cưới ở thành phố Gaziantep, cách biên giới với Syria khoảng 64 km, cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người, 94 người bị thương.
Trong quan hệ quốc tế, Tổng thống Recep Erdogan đã chính thức gác lại “giấc mơ châu Âu”, quay sang bình thường hóa quan hệ với Nga. Với những diễn biến trong những ngày gần đây, chẳng ai có thể cam đoan rằng Ankara không thể trở thành đồng minh thân cận của Moskva.
Tất cả những yếu tố trên khiến việc cất giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ là không an toàn. Ấy là chưa kể, thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ ký với Iran không loại trừ khả năng liên quan đến vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về bản chất, việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đối phó với Iran. Giờ đây, thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể đảm bảo ít nhất trong 15 năm tới, Tehran không có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Vậy Mỹ duy trì vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ để làm gì?
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì cái “ô hạt nhân” che trở cho Israel. Giờ đây, nếu Mỹ rút đi, buộc Tel-Aviv phải củng cố khả năng phòng thủ của mình trong một khu vực tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Chính vì vậy, tin đồn rằng Israel sẵn sàng đón nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là giả thuyết có cơ sở.