Tự sát tuổi học đường - Nhìn từ Hồng Kông

GD&TĐ - Hồng Kông đã bị sốc bởi loạt vụ tự sát học đường gần đây - và đây không phải là lần đầu tiên. Hồi tháng 2 năm nay, 5 học sinh THCS tự kết liễu mạng sống trong quãng thời gian chỉ 17 ngày. Hai em khác được cứu sau khi tự sát. Hiện trạng trên cho thấy áp lực lớn mà học sinh Hồng Kông phải đối mặt…

Tự sát tuổi học đường - Nhìn từ Hồng Kông

Guồng máy học thêm

So với các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản, tỉ lệ tự sát ở Hồng Kông không phải là cao bất thường. Nhưng số vụ tự sát học đường tăng đột biến từ năm 2015 đến nay đã khiến nhà chức trách Hồng Kông lưu tâm tới vấn đề này. Năm 2016, chính quyền Hồng Kông lập một ủy ban chuyên trách tìm hiểu nguyên nhân và đề ra biện pháp ngăn tình trạng này trở nên xấu hơn.

Trong một báo cáo được thực hiện bởi Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông năm 2014, học sinh Hồng Kông dành trung bình 62 giờ/tuần cho việc học. Ngoài 6 giờ học ở trường, còn cần thêm 5 giờ làm bài tập về nhà, học thêm cũng như ngoại khoá. Theo một khảo sát năm 2012 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 85% học sinh THPT Hồng Kông học tại các cơ sở luyện thi. Dạy thêm tại Hồng Kông đã trở thành ngành kinh doanh tỉ đô. Theo khảo sát của ADB thì các công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm phát triển giống chuỗi cửa hàng với nhiều trung tâm nhánh; một số công ty dạy thêm được niêm yết cổ phiếu trên Thị trường Chứng khoán Hồng Kông. Năm 2016, có hơn 900 trung tâm dạy thêm nhắm tới học sinh THPT.

Ngộp thở với “kĩ năng phụ”

Thời gian học văn hoá kéo dài không phải là gánh nặng duy nhất đè lên vai học sinh ngoài giờ học chính khoá. Còn một danh sách vô tận các hoạt động ngoại khoá – vốn được coi là tự nguyện và giải trí nhưng ở Hồng Kông thì lại có ý nghĩa khác.

Những kĩ năng như chơi piano, violon, múa ba lê, đánh quần vợt hoặc bơi – được phụ huynh Hồng Kông tin rằng sẽ mở cánh cửa vào những trường học danh tiếng và tương lai tốt hơn. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi UNICEF năm 2014, 90% trong số 363 phụ huynh được hỏi cho biết đã đăng kí cho con học các kĩ năng ngoại khoá để tăng khả năng cạnh tranh. Một số học sinh trong nghiên cứu này tham gia 10 hoặc nhiều hơn các hoạt động này mỗi tuần.

“Tại Hồng Kông, hầu hết mọi người tin rằng tấm bằng đại học tương đương với viễn cảnh sự nghiệp của người đó. Những người không thể vào đại học sẽ bị coi là “kẻ thua” – Annie Cheung, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận vì trẻ em Love Our Kids - nhận xét.

Samaritian Befienders Hồng Kông, tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người có suy nghĩ tự sát, cho biết rất quan tâm tới vấn đề tự sát ở thanh thiếu niên gần đây và hy vọng sẽ xoá bỏ được nguy cơ này trong giới trẻ bằng việc mở rộng dịch vụ trò chuyện trực tuyến. Theo Kate Ng, chuyên gia tại Samaritian Befienders Hồng Kông, cách hiệu quả nhất ngăn ngừa tự sát ở giới trẻ là tăng nhận thức về bản thân. “Học sinh nên học cách chấp nhận hạn chế của mình và tự đánh giá chính mình” – Kate đưa ra lời khuyên – “Học sinh cũng cần học cách bày tỏ những vấn đề thuộc về cảm xúc. Trường học Hồng Kông chỉ chú trọng dạy phát triển cảm xúc tích cực mà không dạy cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực”.

Căng thẳng nảy sinh giữa trẻ em và phụ huynh khi kết quả học tập không đáp ứng kì vọng của phụ huynh. Trong khi phụ huynh dành ít thời gian hơn cho con do giờ làm việc dài và chỉ quan tâm tới kết quả học tập, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Nghiên cứu của chính phủ cũng chỉ rõ “thiếu hỗ trợ gia đình và trò chuyện với phụ huynh làm tăng khả năng tự sát ở giới trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ