(GD&TĐ) - Mắc chứng teo cơ giả đại phì và luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng ước mơ góp tiếng nói xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ và giúp người nghèo, người khuyết tật cũng có cơ hội được đọc sách đã luôn thôi thúc Phí Quang Huy (số 48, ngõ 111, phố Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) thành lập 1 tủ sách. Để thực hiện ước mơ của mình, ngày ngày Huy vẫn miệt mài bên chiếc bàn học để học lập trình, học tiếng anh, tranh thủ đọc vài cuốn sách mới hay lướt web để tìm kiếm thông tin và quan trọng hơn là lên kế hoạch xây dựng và phát triển dự án Tủ sách Vọng Ước.
Những niềm đam mê
Sinh năm 1987, nhưng gần 20 năm nay, Huy gần như phải nằm một chỗ, không đi lại được vì bị mắc bệnh hiểm nghèo và bị teo cơ. Bố mất sớm, mẹ Huy một mình đưa con đi hết nơi này tới nơi khác mong gặp đúng thầy, tìm đúng thuốc chữa lành bệnh cho con. Nhưng bao nhiêu cố gắng đều không có câu trả lời. Đến nay chứng teo cơ giả phì đại (Duchenne) vẫn đeo bám khiến Huy nhiều ngày phải sống trong những cơn đau triền miên.
Đại diện làng trẻ Hữu Nghị nhận quà do Vọng Ước trao tặng trong chương trình “Vọng Ước tiếp bước các em đến trường”. |
Vì điều kiện sức khỏe nên Huy chỉ học hết cấp Tiểu học. Tuy phải sớm rời xa mái trường, xa thầy cô, bạn bè nhưng không đồng nghĩa với việc Huy sẽ phải rời xa sách vở. Có nhiều khi Huy cũng ngậm ngùi “nếu được học hết cấp 3, có lẽ mình sẽ có cuộc sống khác bây giờ nhiều…”. Những ngày nằm ở nhà một mình, mẹ và chị đều đi làm, Huy lại lấy sách vở ra tự học, tự nghiên cứu. Những ngày sau này, bên cạnh Huy còn có em Kiên học cùng. Kiên cũng bị mắc chứng bệnh như Huy. Vốn đam mê bóng đá, và mong muốn có thể đọc được tên của các cầu thủ nước ngoài cũng như hát những bài hát tiếng Anh mà mình yêu thích trở thành động lực để Huy học và học giỏi tiếng Anh.
Huy khám phá thế giới ấy qua những cuốn sách bạn bè cho, qua những trang web, và qua chính những người bạn nước ngoài. May mắn đã bắt đầu mỉm cười với Huy khi Huy được Quỹ tài trợ trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) tài trợ cho một khóa học tiếng Anh online cùng một khóa học lập trình web trị giá 8,2 triệu đồng. Nhưng có những khoảng thời gian, việc học tiếng anh bị gián đoạn vì Huy phải đi chữa bệnh, quay trở lại nghiên cứu, Huy thấy mình như đang bắt đầu lại từ đầu. Nhưng chỉ một vài ngày, khi đã bắt nhịp lại, Huy thấy mọi thứ lại trở nên rất dễ dàng, nhất là khả năng phát âm. Tôi thấy được ở Huy tư chất học ngoại ngữ, Huy kể: Huy có thể nói được một vài câu tiếng Nhật mặc dù mới chỉ nghe có một lần. Và bạn đã cho tôi thấy điều đó bằng một vài câu chào hỏi.
Huy và Linh trong ngày thành lập tủ sách. |
Ban đầu, Huy khá vất vả trong việc soạn thảo văn bản do những ngón tay bị đơ cứng, không còn linh hoạt được. Nhưng rồi tình cờ trong một lần ăn mì tôm, chiếc đũa rơi xuống bàn phím. Huy dùng đũa gắp sợi mì trên bàn phím ra, và ý nghĩ sẽ sử dụng chiếc đũa trên bàn phím xuất hiện. Sau một thời gian kiên trì tập luyện, đến nay Huy có thể sử dụng bàn phím bằng một chiếc đũa với tốc độ gõ như một người bình thường.
Thương mẹ và muốn làm một việc gì đó có ích, Huy nhận gia sư tại nhà cho một vài em nhỏ. Những ngày làm “thầy”, Huy thấy cuộc sống của mình như trẻ hơn vì “dậy bọn trẻ thích lắm, nhìn đứa nào cũng đáng yêu và tinh nghịch”.
Tủ sách Vọng Ước và những ước mơ vươn xa
Thế giới luôn được Huy cảm nhận trọn vẹn qua từng góc cạnh của cuộc sống. Huy luôn khát khao được sống có ích và cống hiến hết mình vì Huy biết xung quanh mình còn có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương và cần được trợ giúp. Trong một chuyến đi thăm bạn Đặng Thị Linh ở Phú Xuyên (Hà Nội), một người cũng chịu nhiều thiệt thòi giống như Huy, những ý tưởng mới trong Huy đã được nhen nhóm. Linh bị liệt từ khi mới 8 tháng tuổi, hoàn cảnh éo le ấy đã khiến Linh chưa một lần được tới trường học. Linh được tiếp xúc với con chữ, được biết tới thế giới của tri thức là qua người chị họ. Sau chuyến đi ấy trở về nhà, Huy bắt đầu vận động bạn bè và những người thân quen quyên góp sách để thành lập và xây dựng tủ sách, lấy tên Tủ sách Vọng Ước, ra đời và hoạt động ngày 25/10/2009. Ban đầu Tủ sách hoạt động dựa hoàn toàn vào số tiền tiết kiệm của Huy: tiền dạy học, tiền mừng tuổi,… Tủ sách hoạt động hoàn toàn miễn phí, là nơi tập hợp rất nhiều đầu sách: từ truyện tranh, sách giáo khoa, sách tham khảo, nâng cao cho tới báo chí,… nhằm giúp những người khuyết tật (NKT) không có điều kiện học tập có thể tự nghiên cứu, tự khám phá thế giới và giải trí do chính NKT quản lý. Huy luôn hy vọng, mô hình sẽ nhanh chóng được nhân rộng cả nước và thu hút sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức cũng như chính quyền địa phương,… để Tủ sách có thể hoạt động với nhiều mục đích hơn, mang lại niềm vui cho những NKT đồng thời nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ.
Tủ sách khi trang trí hoàn tất. |
Song song với việc học lập trình, nghiên cứu tiếng Anh, tham gia các hoạt động của Trung tâm Sống độc lập, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, vận động mọi người ủng hộ các quỹ từ thiện,… Huy còn kết hợp gửi thư mời tài trợ Tủ sách, đồng thời giới thiệu Tủ sách trên các websites để nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của cộng đồng mạng. Số người biết đến Tủ sách ngày càng nhiều. Có những cá nhân nhiều lần chuyển sách từ trong Nam ra xây dựng Tủ sách.
Có hôm 2h đêm tôi còn nhận được tin nhắn của Huy thông báo mình vừa hoàn thành xong khung chương trình cho kế hoạch tổ chức chương trình “Tủ sách Vọng Ước tiếp bước các em đến trường” tổ chức tại làng trẻ Hữu Nghị Việt Nam (Vân Canh – Hoài Đức – Hà Nội), mặc dù lúc đó Huy vẫn đang bị đau. Sự lao động miệt mài đó của Huy đã được đền đáp bằng chính sự thành công của chương trình. Nhìn nụ cười của các em tại đây lúc nhận được những món quà mà Tủ sách mang lại, chỉ là những bộ quần áo cũ, quyển truyện tranh, sách tham khảo, bút, vở,… tôi biết trong lòng Huy giờ cũng đang phơi phới niềm vui khi nhìn những người đồng cảnh với mình có được những niềm vui nhỏ trước thềm năm học mới.
Hiện nay Tủ sách do Linh quản lý tại Phú Xuyên đã có được hơn 700 đầu sách và thu hút được rất nhiều các em nhỏ ở đây hàng ngày tới đọc. Bản thân Linh cũng đã xóa được những sự mặc cảm, tự ti mà lâu này vẫn thường đeo bám mình. Có lẽ đó chính là thành công lớn nhất mà Huy có được khi quyết định thành lập Tủ sách và trao cho Linh là người nắm quyền quản lý đầu tiên.
Huy vừa lọt vào vòng hai giải thưởng Chim Én do tập đoàn FPT tổ chức. Chia sẻ về những kế hoạch tiếp theo, Huy rất tự tin về những gì mình đang vạch ra đó là xây dựng thêm một tủ sách ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội giống như một thư viện nhỏ. “Khi mới thành lập Tủ sách mình gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn vượt qua được nó thì mình tin tới thời điểm này khi đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức từ thiện thì việc thực hiện được kế hoạch đó sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.
Không thể trực tiếp đi tới các nơi “gõ cửa” mọi người cùng đóng góp cho Tủ sách nhưng những gì Huy đang nỗ lực trên internet và qua bạn bè để xây dựng và mở rộng quy mô tủ sách đã cho thấy một quyết tâm rất lớn ở Huy. Nhưng thành công hôm nay của Huy luôn có hình ảnh người mẹ đứng phía sau, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền. Huy không thích đọc những sách liên quan tới văn học vì Huy tự cho mình không có duyên với văn chương, nhưng hơn 20 bài thơ lấy cảm xúc từ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống,… trong đó có bài thơ dành cho người mẹ đã khiến không ít người rơi lệ trước tình cảm của một người con và khâm phục trước những câu thơ chất chứa nhiều tâm sự nhưng lại mang hơi hướng triết lý.
Nguyễn Huệ