Từ phơi nhiễm đến lây nhiễm HIV: Chặng đường gian nan

GD&TĐ - Theo quy định của Chính phủ, những y, bác sĩ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, phơi nhiễm HIV trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ được xét nghiệm, uống thuốc dự phòng miễn phí, được nghỉ việc 20 ngày và hưởng nguyên lương để điều trị.

Từ phơi nhiễm đến lây nhiễm HIV: Chặng đường gian nan

Khẩn trương xét nghiệm

Ông Nguyễn Văn Đôn, Trưởng phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, cho biết, khi nhận được thông tin có bệnh nhân nhiễm HIV bị tử vong do tai nạn giao thông tại xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Kon Tum đã xác minh nguồn tin trên.

Kết quả xác minh: Nạn nhân đã tử vong do tai nạn giao thông là bà Trần Thị M, 51 tuổi, trú tại huyện Ngọc Hồi là bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV ngoại trú tại BVĐK tỉnh Kon Tum. Sau khi xác minh Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà xử lý nạn nhân tử vong nhiễm HIV và hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi hướng dẫn gia đình người nhiễm HIV tử vong thực hiện mai táng theo đúng quy định.

Trung tâm đã phân công 2 nhân viên trực phòng xét nghiệm HIV chờ đón người đến tư vấn phơi nhiễm và thực hiện lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm HIV cho 24 người, gồm 17 cán bộ nhân viên y tế và 7 người dân tham gia hỗ trợ cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn. Kết quả xét nghiệm có 24/24 trường hợp có kết quả HIV âm tính. Trung tâm tiến hành lưu tất cả các mẫu máu để gửi xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật Elysa theo quy định.

Đến nay, Trung tâm đã cấp phát miễn phí thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV cho 24 người tiếp xúc trực tiếp với máu người bị HIV và bảo đảm người bị phơi nhiễm được uống thuốc dự phòng trước 72 giờ theo đúng phác đồ điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV. Theo ông Đôn, tỷ lệ lây nhiễm của bệnh nhân này cho người khác là rất thấp. Bởi bệnh nhân này đang trong quá trình điều trị bằng thuốc chống phơi nhiễm ARV rất đều đặn. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục tiến hành thực hiện tư vấn cho 24 trường hợp được điều trị dự phòng phơi nhiễm quay lại xét nghiệm theo quy định sau 3 tháng, 6 tháng tiếp theo.

Vẫn còn hy vọng

Mới đây, trong một ca phẫu thuật thần kinh tại phòng mổ Bệnh viện E, PGS.TS Hà Kim Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện E, phụ trách Khoa Phẫu thuật thần kinh cũng bị máu của bệnh nhân bắn vào người. PGS Trung chia sẻ, việc như trên thường diễn ra trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khả năng phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân sang thầy thuốc là rất thấp, trừ trường hợp máu bệnh nhân bắn vào mắt hoặc các vết thương hở của bác sĩ nhưng trường hợp như thế là rất hiếm.

Hơn nữa, nếu nhân viên y tế được trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng lây nhiễm HIV để chủ động các biện pháp cần thiết như đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV (bệnh nhân nhiễm HIV hay không nhiễm HIV; sự xâm nhập HIV vào cơ thể, xác định hành vi, hoàn cảnh dẫn đến lây nhiễm…); tìm hiểu các biện pháp làm giảm nguy cơ… thì khả năng lây nhiễm sẽ được hạn chế thấp nhất.

Chia sẻ các kiến thức về khả năng lây nhiễm HIV đối với người tiếp xúc với nguồn lây nhiễm HIV, BS Hoàng Hải Hà - Khoa Nội - Bệnh viện 09 cho biết, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).

Khả năng bị phơi nhiễm cũng xảy ra tương đối phổ biến khi bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sĩ…), cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm… Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tiếp xúc cũng có thể bị lây nhiễm HIV. Chỉ một số ít trường hợp nguy cơ nhiễm HIV cao khi có tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều hoặc máu và các dịch của người nhiễm HIV bắn vào vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Đối với các tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít, máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét, nguy cơ mắc bệnh rất thấp. Nếu máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương thì sẽ không bị lây nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ