(GD&TĐ) - GV tiếng Anh vừa thiếu lại vừa yếu. Đó là thực trạng đang tồn tại trong ngành GD&ĐT và là thách thức lớn đối với triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 ở nước ta hiện nay. Nhằm đảm bảo công tác dạy và học trước mắt cũng như lâu dài, các địa phương hoàn toàn chủ động với nhiều giải pháp nâng chuẩn cho GV. Theo đó, các thầy cô giáo bắt buộc vừa tham gia dạy học cho HS, vừa tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng chuẩn cho chính mình.
Giáo viên sử dụng CNTT dạy ngoại ngữ |
Giải pháp nâng chuẩn Giáo viên
Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, ông Hoàng Văn Dương đã chỉ ra những tồn tại của đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh như: Hầu hết GV bất cập trình độ, không đạt yêu cầu giảng dạy; GV tuyển từ nhiều nguồn khác nhau (Một bộ phận từ GV tiếng Nga chuyển sang. Thêm vào đó, do thời kỳ thiếu GV do vậy đã cấp tốc đào tạo GV thông qua hình thức đào tạo không chính qui); Thứ ba, chính bản thân GV hạn chế năng lực từ khi đầu vào. Trong khi đó, Lào Cai là tỉnh miền núi, chủ yếu HS dân tộc thiểu số nên các em rất vất vả khi học tiếng Anh. Đã vậy, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả ngành GD Lào Cai mới có 61/677 trường có phòng học ngoại ngữ.
Không có thầy giỏi sẽ không có trò giỏi. Người thầy quyết định phần lớn chất lượng GD, những triết lý này không thể phủ nhận. Vì vậy, muốn cho HS Việt nam có đủ khả năng ngoại ngữ làm việc trong môi trường quốc tế, ngành GD&ĐT coi giải quyết chuẩn GV là khâu then chốt.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là Bộ không lấy kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá trình độ GV làm tiêu chí thi đua nhưng các Sở cần tự giác và lập kế hoạch cụ thể, từ đó nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV, cũng như kỹ năng sử dụng trang thiết bị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường...vv.
Công tác kiểm tra trình độ GV theo quan điểm của ngành là lấy kết quả làm căn cứ để bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn và tiến tới mục tiêu nâng chuẩn cho đội ngũ GV. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đã, đang triển khai mạnh mẽ công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ và sư phạm cho GV tiếng Anh trong các trường phổ thông. Viện KHGD là đầu mối xây dựng chuẩn nghiệp vụ sư phạm GV ngoại ngữ để làm cơ sở cho việc xây dựng, biên soạn chương trình và các khoá đào tạo, bồi dưỡng GV ngoại ngữ các cấp đạt chuẩn.
Vì vậy, để có đủ GV triển khai thí điểm tiếp chương trình tiếng Anh lớp 4 đồng thời mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3, Bộ GD&ĐT đã phải có giải pháp tình thế là chấp nhận những GV có trình độ cận B2 đứng lớp. Tuy nhiên, song song với việc đáp ứng nguồn GV giảng dạy, Bộ yêu cầu GV vừa dạy học vừa phải học tập để nâng cao trình độ cho chính bản thân, làm sao phải đạt chuẩn tối thiểu.
Với sự tham gia của một số trường ĐH, đến nay Đề án đã xây dựng và thẩm định xong chương trình thí điểm bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho GV tiếng Anh Tiểu học và sẽ thẩm định chương trình thí điểm đào tạo GV tiếng Anh Tiểu học, THCS hệ CĐ để các trường sư phạm có thể tham khảo, bảo đảm chuẩn năng lực đầu ra SV sư phạm ngoại ngữ.
Xây dựng có hiệu quả các nguồn tư liệu mở giúp GV tự bồi dưỡng đáp ứng các yêu cầu về năng lực chuyên môn, đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ, đảm bảo đánh giá được đầy đủ các kiến thức, kỹ năng HS đã học trong chương trình cũng được tiến hành đồng bộ.
GV không chỉ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn mà còn được nâng cao kỹ năng sử dụng trang thiết bị dạy học, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân. Đó chính là mục tiêu mà các địa phương hiện nay đang hướng tới để có được đội ngũ GV tiếng Anh đáp ứng nhu cầu triển khai đề án Ngoại ngữ.
Lớp bồi dưỡng GV tiếng Anh THCS của Trường ĐH Thái Nguyên |
Địa phương cùng vào cuộc
Triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tất yếu phải chuẩn hóa đội ngũ GV giảng dạy. Những GV chưa đạt chuẩn có nhiều cách đào tạo để đạt chuẩn, trong đó chủ yếu là tự đào tạo. Trên thực tế, từ khi có chủ trương này, các GV đã không ngừng tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình.
Giải pháp GV vừa tham gia đứng lớp, vừa học tập bồi dưỡng nâng chuẩn cũng được thực hiện khá thành công ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện có gần 20 trường ĐH, CĐ tập trung đầu tư và thí điểm chương trình, phương pháp bồi dưỡng mới cho đội ngũ GV tiếng Anh như: Các trường CĐ, ĐH vùng Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể các trường cử GV đi bồi dưỡng, tập huấn, sau đó trở về trường tổ chức các khoá bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho GV tiếng Anh địa phương.
Đến nay toàn quốc đã có hơn 6000 GV được tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng chuẩn tối thiểu theo khung chuẩn châu Âu. Trường ĐH Thái Nguyên cho đến thời điểm này đã giúp đào tạo gần 1000 GV cho 10 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, góp phần tháo gỡ nâng chuẩn cho GV vùng khó.
Nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra cho GV cũng như triển khai bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ, các địa phương hoàn toàn chủ động, tích cực với nhiều biện pháp. Đơn cử như Phú Thọ, Bắc Ninh ... mỗi năm cử một số GV cốt cán đưa ra nước ngoài đào tạo ngắn hạn, khi về nước nhân rộng mô hình này. Vì thế, đến nay các Sở này đã có hàng trăm GV được qua đào tạo các trường ĐH danh tiếng để có chuẩn ngoại ngữ dạy cho HS.
Ông Trần Văn Cơ - Phó Trưởng Phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT Bình Định) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.196 GV tiếng Anh đang giảng dạy tại các trường phổ thông. 56/582 GV tham gia kỳ khảo sát năng lực ngoại ngữ GV tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu (CEFR) cuối năm trước, chỉ có 9,6% GV đạt chuẩn năng lực. Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ, Sở đã cử 210 GV tham gia lớp bồi dưỡng, bao gồm 35 GV THPT, 128 GV THCS và 47 GV tiểu học để nâng chuẩn từ B2 lên C1 và từ B1 lên B2.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, ông Trần Quốc Tuấn cho biết: Tính đến thời điểm này Sở GD - ĐT Lạng Sơn đã có nhiều chương trình đào tạo liên kết, do vậy, đã nâng chuẩn GV trình độ ĐH đạt tỉ lệ 50%. Tổng số gần 1000 GV nhưng trình độ GV thạc sĩ chỉ có 12, 13 người, chủ yếu tập trung các phòng chức năng của sở hoặc trong trường chuyên. Nhưng sau khi tiến hành khảo sát cho thấy chất lượng chưa đạt yêu cầu. Tỉ lệ GV khá giỏi đạt 11 %, trung bình chiếm khoảng 50%, còn lại loại yếu chiếm hơn 30%.
Do vậy, Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng chuẩn GV ngoại ngữ. Chẳng hạn, đã cử những GV cốt cán đi bồi dưỡng, đào tạo ở ĐH Thái Nguyên. Sau khi thí điểm các trường khu vực biên giới cho thấy, HS học tiếng Trung hiệu quả hơn tiếng Anh nên sở mạnh dạn thí điểm 5 trường THPT cho HS tự chọn học ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Trung.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc chia sẻ: Có thể thấy, GV được đi bồi dưỡng rất phấn khởi. Bởi GV vừa được nâng cao năng lực chuyên môn, bồi dưỡng phương pháp và tăng cường sử dụng thiết bị công nghệ. Do đó, nơi nào chưa khảo sát cần tiến hành khảo sát GV, dù chưa đạt chuẩn là chuyện bình thường. Điều quan trọng, dựa vào kết quả khảo sát để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng GV chứ không phải để loại GV.
- PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Đề án khi triển khai cần quan tâm tới 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, đó là thực hành tiếng, nhất là đội ngũ GV. Thứ hai là chú trọng phương pháp giảng dạy. - Đến nay toàn quốc đã có hơn 6000 GV được tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng chuẩn tối thiểu theo khung chuẩn châu Âu. |
Hoàng Linh